Quý III kém sắc của doanh nghiệp thủy sản

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp thủy sản trên sàn chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý III/2019 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh do sản lượng và giá bán đều thấp hơn so với cùng kỳ 2018. 
Quý III kém sắc của doanh nghiệp thủy sản

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt gần 6,3 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ 2018, trong đó xuất khẩu tôm, cá tra sụt giảm mạnh.

Với mặt hàng tôm, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, giảm 7% khi xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN đều giảm. Lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng, khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái.

Với cá tra, giá trị xuất khẩu vào Mỹ giảm 40%, chỉ đạt 221 triệu USD do thuế chống bán phá giá giai đoạn POR14 ở mức cao.

Tại EU, việc bị thẻ vàng IUU tiếp tục gây ảnh hưởng đến xuất khẩu hải sản sang thị trường này. Trong 9 tháng qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU giảm 10%.

Trong bối cảnh kém tích cực chung của thị trường, kết quả kinh doanh quý III/2019 của nhiều doanh nghiệp thủy sản trên sàn chứng khoán sụt giảm mạnh.

Quý III kém sắc của doanh nghiệp thủy sản  ảnh 1

Tại Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), trong quý III/2019, doanh thu thuần ghi nhận 1.882 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 253 tỷ đồng, giảm 58,4%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, VHC đạt .696 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 981 tỷ đồng, giảm hơn 5%.

Lợi nhuận sụt giảm là điều đã được dự báo trước khi VHC thông báo doanh số xuất khẩu cá tra sụt giảm mạnh, đặc biệt là tại Mỹ - thị trường vốn có biên lợi nhuận cao.

Riêng tháng 8, giá trị xuất khẩu giảm 31% và 8 tháng đầu năm giảm gần 10% xuống 213 triệu USD. Theo VHC, sự suy giảm của thị trường Mỹ là do nhu cầu tích trữ tồn kho cao từ cuối năm 2018 và tâm lý chờ đợi kết quả kỳ soát xét thuế chống bán phá giá POR14.

Tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/10 và kết thúc vào 30/9 hàng năm.

Báo cáo tài chính quý IV năm tài chính 2018-2019 vừa công bố của công ty cho thấy, doanh thu thuần đạt 168 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 6,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 217 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết thúc năm tài chính 2018-2019, AGF vẫn lỗ 111,7 tỷ đồng và cũng là năm thứ 3 liên tiếp Công ty chịu lỗ (doanh thu đạt 806,8 tỷ đồng, giảm 37,2%).

Do liên tục lỗ nên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa có cảnh báo AGF về việc hủy niêm yết bắt buộc.

Theo HOSE, tính đến 30/9/2019, AGF lỗ lũy kế 382,1 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp của Công ty là 281 tỷ đồng, nằm trong diện bị hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc theo quy định.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), báo cáo tài chính Công ty mẹ quý III/2019 vừa công bố cho thấy. doanh thu đạt 3.255 tỷ đồng, giảm 14,5% so với cùng kỳ 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt 103,2 tỷ đồng, giảm 53,7%.

Lũy kế 9 tháng, MPC ghi nhận doanh thu thuần 8.397 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận giảm 9,6% xuống 484,4 tỷ đồng.

Trước đó, trong báo cáo về tình hình xuất khẩu, MPC cho biết, tổng sản lượng xuất khẩu trong tháng 9/2019 đạt 5.455 tấn, giảm 35,34% và lũy kế 9 tháng đạt 43.464 tấn, giảm 9% so với cùng kỳ 2018, nên mới hoàn thành 56% kế hoạch cả năm.

Trong 9 tháng qua, xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm 14,3%; Hàn Quốc giảm 20% và các thị trường khác giảm 14,75%.

Theo dự báo của VASEP, tình hình xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2019 cũng không khả quan hơn và tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm dự kiến đạt khoảng 626 triệu USD, giảm 7% so với năm 2018.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy sản còn đối mặt với việc chi phí tăng mạnh trong thời gian tới khi các hãng tàu biển nước ngoài đồng loạt tăng cước vận chuyển và nhiều loại chi phí khác, trong khi giá hàng hóa xuất khẩu không tăng.

Hiện tại, các doanh nghiệp đang dồn lực cho mùa cao điểm cuối năm để cải thiện kết quả kinh doanh cả năm.

Chẳng hạn, VHC cho biết, nhu cầu cá tra thường đạt mức cao nhất trong các tháng cuối năm và giá cá nguyên liệu phục hồi sẽ là yếu tố hỗ trợ
doanh nghiệp.

Với MPC, doanh nghiệp này đang lên kế hoạch đẩy mạnh hoàn thành vùng nuôi công nghệ cao Lộc An trong năm nay để chủ động hơn nguồn cung và tăng năng lực đáp ứng đơn hàng những tháng cao điểm cuối năm 2019 và các năm tiếp theo.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục