Giải bài toán thiếu con giống
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2019, ngành tôm kỳ vọng có thể đạt giá trị xuất khẩu 4,2 tỷ USD, góp phần quan trọng nhất vào mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra có thể đạt mức 2,3 tỷ USD và nỗ lực để được Liên minh châu Âu (EU) gỡ thẻ vàng IUU (khuyến nghị khắc phục về đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý), giúp mặt hàng hải sản Việt Nam đạt cột mốc xuất khẩu 3,5 tỷ USD.
Tại hội nghị tổng kết ngành, ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT CTCP Nam Việt (ANV) cho rằng, nhiều khả năng năm 2019, giá cá tra vẫn ở mức cao, có lợi cho người nuôi và xuất khẩu. Nhưng để phát triển bền vững, không nên mở rộng diện tích tràn lan, tránh xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Mấu chốt cần thực hiện là tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng thị trường xuất khẩu.
Đối với ngành cá tra, vấn đề con giống thiếu hụt đang dần tìm được cách hóa giải, khi các doanh nghiệp chú trọng giải pháp tự chủ nguồn nguyên liệu. Theo đó, đầu năm 2019, ANV đã khởi công dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thuỷ sản Bình Phú có quy mô 600 ha, với tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, đây là dự án nuôi cá tra có quy mô lớn nhất cả nước.
Khi dự án đi vào vận hành, ANV có thể chủ động được nguồn nguyên liệu. Năm 2019, Công ty kỳ vọng lợi nhuận sau thuế có thể đạt trên 700 tỷ đồng, đến năm 2020 chạm mốc 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Hùng Vương (HVG) tự tin tuyên bố, nhiều khả năng kết quả chính thức từ đợt rà soát chống bán phá giá lần thứ nhất của Mỹ (POR14) sẽ như kỳ vọng của HVG. Khi đó, doanh thu niên độ 2018 - 2019 của Hùng Vương có thể lên đến 10.000 tỷ đồng, thay vì kế hoạch doanh thu chỉ 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 100 tỷ đồng như tờ trình cổ đông được đưa ra trước đó.
CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) thông báo giá trị xuất khẩu tháng 1/2019 đạt 31,5 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu nhờ gia hạn hợp đồng dài hạn. Đáng chú ý, Vĩnh Hoàn cho rằng, ngay từ đầu năm, nguồn cá giống đã thiếu hụt, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra sản lượng mục tiêu cho năm 2019 ở mức 1,51 triệu tấn, chỉ tăng nhẹ 6,6% so với năm ngoái. Do đó, giá cá tra năm nay được kỳ vọng sẽ ở mức hợp lý, ổn định, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Mở rộng thị trường với ngành tôm
Đối với con tôm, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, thị trường EU có sự tăng trưởng nhờ hiệp định EVFTA, giúp con tôm Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh so với Thái Lan khi mức thuế giảm về 0, trong khi Thái Lan vẫn chịu thuế 20%.
Trong năm 2019, nhiều chuyên gia kỳ vọng, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu thị trường tốt và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với mức tăng trưởng 2 con số so với kết quả năm 2018.
Đáng chú ý, doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng đang hưởng lợi về thuế suất với thị trường Hàn Quốc - thị trường đứng thứ 5 về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm 10,9% tổng giá trị xuất khẩu tôm.
Tại Hàn Quốc, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm của Trung Quốc, Ấn Độ và Ecuador. Tuy nhiên, Việt Nam chịu thuế nhập khẩu thấp nhất (10%) so với các đối thủ khác như Trung Quốc (20%), Ấn Độ (12,5%), Ecuador (20%) và Thái Lan (10%). Dự kiến, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 500 triệu USD tôm sang Hàn Quốc trong năm 2019, tăng 29,5% so với năm 2018.
Doanh nghiệp đầu ngành tôm là CTCP Thủy sản Minh Phú (MPC) cho rằng, giá xuất khẩu năm 2019 dự kiến có xu hướng giảm, nhưng không mạnh như năm 2018.
Theo đó, MPC đặt kế hoạch sản lượng xuất khẩu đạt 77.400 tấn (tăng gần 15%) so với năm 2018. Công ty sẽ đẩy mạnh vùng nuôi tôm vào khoảng giữa năm 2019, ước đạt sản lượng 11.080 tấn, đem về 300 tỷ đồng lợi nhuận. Theo đó, kế hoạch lợi nhuận hợp nhất trước thuế 2019 của MPC là 2.300 tỷ đồng.
CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) là một trong ba doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất với 2 thị trường chính là Nhật Bản và Mỹ. Cả năm 2019, Sao Ta đặt kế hoạch tiêu thụ 16.000 tấn tôm và 1.450 tấn nông sản.
Doanh số tiêu thụ dự kiến tăng 13%, lên mức 185 triệu USD, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại đạt ở mức khiêm tốn 180 tỷ đồng, thấp hơn so với thực hiện năm 2018 (200 tỷ đồng lợi nhuận).