Còn rất nhiều việc phải làm
Chúng ta có thể có nhiều quan điểm khác nhau trước những tai họa do dịch Covid-19 gây ra. Chẳng hạn, có quan điểm xem Covid-19 như là một hiện tượng ngắn hạn trong một mùa hay hai và lạc quan nghĩ rằng, kinh tế của toàn thế giới sẽ suy thoái trong một vài năm, rồi sau đó sẽ bắt nhịp trở lại với tốc độ tăng trưởng mà chúng ta mong muốn.
|
Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp |
Trong khuôn lý luận như thế, chúng ta chỉ cần đơn thuần điều chỉnh một chút mục tiêu tăng trưởng, lạm phát trong ngắn hạn, một số chính sách về đầu tư công, về y tế, giáo dục… cho phù hợp với mong mỏi rằng trong ít tháng, ít năm nữa, tình thế giới trở lại bình thường. Tóm lại, lý luận này giả định rằng, chúng ta đã chọn được đúng mô hình kinh tế nên cứ việc bám lấy nó.
Trong mô hình này, Việt Nam sẽ tiếp tục vui sống với hai đô thị cực lớn (Hà Nội và TP.HCM) có dân số ngày một tăng mạnh, với số đông đô thị nhỏ và vừa khác đang ít dân, với những địa phương đang chới với tìm cỗ máy cho sự phát triển, với một vài tập đoàn mũi nhọn kinh tế không đạt (hoặc không muốn) vai trò dẫn dắt.
Cứ nhìn những gì đã diễn ra, không thể nói rằng chúng ta đang tìm lại thế thăng bằng, vì trên bản chất, chúng ta chưa đạt được sự cân bằng.
Nói chung, các doanh nghiệp lớn và vừa đang có vài vấn đề cố hữu. Đó là việc thiếu vốn để đầu tư xứng đáng và thiếu tiền mặt để quản lý hẳn hoi cuộc sống hàng ngày. Đây không phải lỗi ở họ, mà do bản chất của thị trường. Việt Nam có một thị trường lớn với gần 100 triệu dân, mà những doanh nghiệp trong nước nói chung vẫn chưa thoả mãn kịp mọi nhu cầu. Do đó, những doanh nghiệp này cần đầu tư thêm rất nhiều, không phải chỉ do tính tham lam, mà do sức hút đầu tư còn rất lớn của thị trường.
Khi bàn tới những ưu tiên, chúng ta chỉ bàn tới những thứ ngắn hạn. Theo tôi, chính những vấn đề dài hạn mới cần chú ý. Tại sao vậy?
Việt Nam đối phó khá tốt với dịch Covid-19 và là một trong những nền kinh tế hiếm hoi sẽ không suy thoái, cho dù mức tăng trưởng ngắn hạn có thể chỉ còn một nửa so với giai đoạn trước dịch. Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ vượt qua được khủng hoảng này không chóng thì chày và chúng ta có lý do chính đáng để tự hào.
Tuy nhiên, cũng nhìn nhận rõ một điều, sở dĩ dịch bệnh có ảnh hưởng tương đối ít đến Việt Nam hơn so với các quốc gia phương Tây là do kinh tế của chúng ta còn ít mở mang hơn, các mảng kinh tế chưa liên kết mật thiết với nhau như là một hệ thống chặt chẽ. Kinh nghiệm cho thấy, chính sự liên kết mật thiết giữa các mắt xích xã hội và kinh tế là một trong những lý do của sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh trong những nước phương Tây.
Chỉ ra điều trên để những ai còn đang lạc quan chú ý vào vài điểm yếu mà nhất thiết chúng ta phải điều chỉnh trong tương lai. Đó là một nền nông nghiệp còn đòi hỏi không biết bao nhiêu nỗ lực nữa mới đủ mạnh, một nền du lịch tuy năng động, nhưng vẫn chưa được cấu trúc thành một hệ thống bài bản, một nền kinh tế địa phương thiếu thốn nhiều hạ tầng cần thiết, một phong trào khởi nghiệp chưa tìm được đà. Thêm vào đó, chúng ta không sở hữu những công nghệ cần thiết, mà phụ thuộc vào gia công.
Tóm lại, nền kinh tế của chúng ta vẫn ít tạo thêm giá trị. Tăng trưởng chưa đi cùng phát triển (trong vài lĩnh vực còn phát triển ngược). Chúng ta vẫn bỏ quá nhiều vốn vào địa ốc, đây là một sự mất cân bằng sẵn có. Chúng ta không tạo thêm đủ nhanh chóng thành phần xã hội trung bình. Sự mất thăng bằng về đô thị hóa quá hiển nhiên, đô thị lớn càng thêm vấn đề đô thị, mà địa phương lại càng thêm vấn đề sa mạc hoá.
Với những tồn tại trên, nhất thiết chúng ta phải có những điều chỉnh cần thiết. Trong đó, luật pháp phải được chấp hành nghiêm minh và toàn diện. Số hoá mọi dòng tiền, mọi sự trao đổi, thuế vụ, nói chung là số hóa mọi thứ.
Song song đó, cần cải tạo nền giáo dục nước nhà hướng tới những nhu cầu thực tế về nhân sự của các doanh nghiệp. Tạo văn hoá kết quả, bỏ văn hoá bằng cấp, nhất là văn hóa giữ vị trí bất di bất dịch.
Không thể có sự thịnh vượng trên một hành tinh chết
|
Ông Richard Spencer, Giám đốc Khối đào tạo tư duy lãnh đạo ICAEW |
Đại dịch Covid-19 chỉ là một chương trong tấn thảm kịch ngày càng trở nên tồi tệ về tình trạng khẩn cấp của khí hậu, sự mất đa dạng sinh học trên diện rộng và sự bất bình đẳng ngày càng trầm trọng trong xã hội.
Đáng tiếc là nhân loại đã xem thường những nguy cơ này trong một thời gian dài. Trước khi đại dịch xảy ra, chúng ta vẫn yên tâm bỏ quả những điều khoa học đã từng đề cập đến. Đã có rất nhiều báo cáo giá trị, cũng như các sáng kiến và tuyên bố chung trong gần ba thập kỷ qua sau khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về Trái đất tại Rio De Janeiro của Liên Hợp quốc - nơi các vấn đề về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học là chủ đề thảo luận chính. Khi đó, tất cả đều hiểu rõ về các nguy cơ, song dường như trên thực tế, tất cả các lý lẽ, luận cứ khoa học và kỳ vọng đã không đủ tác động khiến chúng ta có hành động quyết liệt.
Chúng ta cảm thấy hài lòng khi nghĩ về những lợi ích mà thiên nhiên và xã hội mang đến cho phát triển kinh tế, song lại thiếu quan tâm tới việc làm thế nào để duy trì các nguồn tài nguyên này. Hậu quả là làm suy kiệt tới mức nguy hiểm những nguồn lực phát triển đã giúp chúng ta trở nên thịnh vượng. Không thể có sự thịnh vượng trên một hành tinh chết và thành tựu kinh tế sẽ né tránh chúng ta nếu ta thất bại về mặt xã hội.
Với các doanh nghiệp, nếu không hành động, trách nhiệm sẽ không thể đo lường và của cải làm ra sẽ trở nên vô giá trị.
Khủng khoảng từ đại dịch Covid-19 đem đến sự thức tỉnh cho nhân loại và chúng ta nhận thấy sự đồng lòng và quyết tâm từ mọi tầng lớp trong xã hội, từ các nhà quản lý, nhà khoa học, tới các doanh nghiệp và toàn xã hội, nhằm tìm ra con đường phát triển giúp chúng ta thỏa mãn cả các yêu cầu về kinh tế và xã hội.
Các kế hoạch phát triển sau khủng khoảng dựa trên nền tảng xanh và công bằng cũng được đề cập đến. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, theo đuổi việc kiến thiết lại theo định hướng xanh còn đỡ tốn kém hơn so với việc quay lại cách thức kinh doanh như đã có ở thời kỳ trước khủng hoảng.
Chúng ta giờ đây có cơ hội để đảm bảo rằng những lựa chọn này sẽ giúp tạo ra con đường đưa chúng ta tới một tương lai tốt đẹp hơn thay vì trở lại nơi xuất phát. Nếu cố gắng khắc phục những thiệt hại to lớn của cuộc khủng hoảng hiện tại bằng cách quay trở lại như thời kỳ trước khủng khoảng chính là chúng ta đang tự chuẩn bị cho thất bại sau này.
Chúng ta đang có hình dung về một tương lai tốt đẹp với các kết quả như được mô tả thông qua việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, qua đó giúp đưa ra một khuôn khổ cho công cuộc kiến thiết lại này. Chúng ta cũng có cơ hội thay đổi con đường đã chọn bằng một phương thức hợp tác, bao trùm và mang tính định hướng nhằm thực hiện mục tiêu đề ra.
Trong một thế giới bất định như hiện nay, chúng ta không thể dự đoán chắc chắn điều gì có thể xảy ra trong tương lai, song có thể tự chuẩn bị để đối phó. Đối với nền kinh tế, điều đó có nghĩa là xây dựng khả năng chống đỡ do sự phụ thuộc của chúng ta vào thiên nhiên và xã hội và hạn chế nó.