Chững lại kế hoạch bay của hãng hàng không mới

Dư cung quá lớn khiến cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn các nhà đầu tư đều phải rất thận trọng với kế hoạch thành lập hãng hàng không mới để không đẩy thị trường vào cảnh “nồi da xáo thịt”.
Nhiều máy bay đang phải nằm đất, khiến cơ quan quản lý nhà nước thận trọng cấp phép dự án hàng không mới. Ảnh: Đức Thanh Nhiều máy bay đang phải nằm đất, khiến cơ quan quản lý nhà nước thận trọng cấp phép dự án hàng không mới. Ảnh: Đức Thanh

Thận trọng cấp phép

Sự quyết tâm là điều có thể nhận thấy trong các thông điệp được lãnh đạo Công ty cổ phần Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) đưa ra tại buổi lễ triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam và công bố các nhân sự chủ chốt của Hãng diễn ra vào giữa tuần trước.

Theo ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines, nhà đầu tư này sẽ tập trung nguồn lực hoàn thiện giấy phép vận chuyển hàng không và chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) để đủ điều kiện có thể cất cánh vào nửa đầu năm 2021, khi thị trường vận chuyển hàng không được phục hồi sau dịch bệnh.

Trước đó, vào ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 457/QĐ - TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không của Vietravel Airlines với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 100% vốn đầu tư, thời hạn hoạt động dự án là 50 năm, địa điểm thực hiện dự án tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Liên quan đến tiến độ thực hiện Dự án, Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện đầu tư từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 9, kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư; khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10. Như vậy, Vietravel sẽ phải thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên dưới hình thức charter (thuê chuyến không định kỳ) hoặc thường lệ trước quý I/2021.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Vietravel Airlines cũng không thể chốt chính xác thời điểm cất cánh do phải phụ thuộc 2 yếu tố: việc công bố thời điểm hết Covid-19 và sự phục hồi của thị trường hàng không, du lịch.

Bản thân các cơ quan quản lý nhà nước cũng tỏ ra thận trọng đối với việc cho phép các cánh bay mới gia nhập thị trường nội địa vốn đang xuất hiện sự cạnh tranh rất gay gắt giữa nhóm hãng không thuộc Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco) với Vietjet, Bamboo Airways. Quan điểm này được thể hiện rõ trong Thông báo kết luận số 154/TB - BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tại cuộc họp về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không trong tình hình mới, đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không và phát triển bền vững được tổ chức cuối tháng 4/2020.

“Bộ GTVT sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động; việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Tiên lượng xấu

Trước đó, vào giữa tháng 4/2020, trong quá trình xem xét đề xuất chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều - Kite Air của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT rà soát, xem xét chặt chẽ việc lập thêm các hãng hàng không mới, làm sao đảm bảo tốt nhất quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững.

Không chỉ Dự án Vận tải hàng không Cánh Diều, quá trình xem xét giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines cũng sẽ bị neo vào tiến trình dập dịch Covid-19.

Cụ thể, trong Thông báo số 154, Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn Vietravel Airlines hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và thẩm định hồ sơ theo đúng quy định (đặc biệt quan tâm thẩm định tính khả thi và hiệu quả của phương án kinh doanh, chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19 hiện nay).

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, toàn bộ hồ sơ xin phê duyệt chủ trương đầu tư lập hãng hàng không mới đều được xây dựng trong năm 2018 - 2019, khi thị trường hàng không trong nước và quốc tế đang phát triển cực thịnh với mức tăng trưởng từ 13,2 - 20%/năm. Hệ số sử dụng ghế trung bình của các hãng hàng không Việt Nam cũng rất cao, ở mức trên 84% vào năm 2018 và trên 80% trong 6 tháng đầu năm 2019. Đây là cơ sở để Cục Hàng không Việt Nam từng đưa ra dự báo đến năm 2020, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không đạt khoảng 60 triệu lượt khách và tăng lên 96 triệu lượt khách vào năm 2025.

“Để khai thác số khách nói trên, lượng tàu bay thương mại tương ứng của hàng không Việt Nam là 255 chiếc vào năm 2020 và 384 tàu vào năm 2025. Điều này có nghĩa, thị trường đủ dung nạp một số hãng hàng không quy mô nhỏ và vừa như Vietravel Airlines, Kite Air, hay Vinpearl Air”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Tuy nhiên, do tác động của Covid-19 đã khiến thị trường hàng không Việt Nam và thế giới suy giảm nghiêm trọng. Cục Hàng không Việt Nam dự báo, tổng thị trường hàng không Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 42,7 triệu lượt khách, giảm 46% so với năm 2019. Đến năm 2022, tổng thị trường mới đạt 78 triệu lượt khách, trong đó các hãng hàng không trong nước vận chuyển được 50 triệu lượt khách, bằng 74% con số dự báo trước đó.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, với kịch bản lạc quan nhất, các chỉ số về thị trường vận tải hàng không năm 2022 cũng chỉ bằng xấp xỉ sản lượng năm 2019. Điều đáng lo ngại là dù đã bước sang tháng 5/2020, nhưng có đến 2/3 trong số 214 tàu bay của các hãng hàng không vẫn phải nằm đất.

Chỉ trước Tết Nguyên đán 2020 ít ngày, Tập đoàn Vingroup đã gửi văn bản lên Bộ GTVT, chính thức xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, dù Đề án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air đã qua bước thẩm định để trình lên Thủ tướng Chính phủ. Cho đến thời điểm này, đây được cho là quyết định sáng suốt, thậm chí có phần may mắn của Vingroup.

Anh Minh
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục