Chứng khoán trở lại, vàng nhanh chóng hạ nhiệt

(ĐTCK) Trong khi chứng khoán đang có phản ứng tích cực với khả năng Fed tăng lãi suất, thì giá vàng đã nhanh chóng hạ nhiệt trong phiên cuối tuần sau phiên hứng khởi hiếm hoi hôm thứ Năm.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Sau tuần giảm trên dưới 4% trong tuần qua, chấm dứt chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp trước đó và là tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 8, phố Wall đã hồi phục mạnh mẽ trở lại trong tuần này với mức tăng của S&P 500 trong tuần tốt nhất gần 1 năm và DowJones cũng có mức tăng tốt nhất từ đầu năm.

Sau phiên giằng co hôm thứ Năm, phố Wall đã tăng trở lại trong phiên cuối tuần với sự hỗ trợ của một số cổ phiếu lớn như Nike, Alphabet - công ty mẹ của Google.

Cổ phiếu của Nike tăng mạnh sau khi hãng công bố mua lại 12 tỷ USD cổ phiếu và chia cổ phiếu 2:1. Sự tích cực của cổ phiếu nhà sản xuất đồ thể thao này đã giúp nhóm ngày tiêu dùng tăng mạnh, qua đó hỗ trợ cho phố Wall.

Trong khi đó, Alphabet tăng giá sau khi Reuters cho biết, công ty đang có kế hoạch ra mắt phiên bản Trung Quốc của Google cho ứng dụng của điện thoại thông minh trong năm tới.

Trong tuần, phố Wall cũng có phản ứng tích cực với biên bản cuộc họp tháng 10 của Fed được công bố với việc cơ quan này có ý định tăng lãi suất trong tháng 12. Câu nói “Bán tin đồn, mua tin chính thức” với thông tin này. Việc Fed tăng lãi suất đã được cơ quan này phát tín hiệu ra từ nhiều tháng để thị trường có thời gian chuẩn bị và khi cơ quan này quyết định tăng lãi suất trong tháng 12, thị trường đã có phản ứng tích cực.

Ngoài ra, việc Fed quyết định tăng lãi suất cũng hàm ý rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phát triển tích cực. Điều này hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên 20/11, chỉ số Dow Jones tăng 91,06 điểm (+0,51%), lên 17.823,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,93 điểm (+0,38%), lên 2.089,17 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 31,28 điểm (+0,62%), lên 5.104,92 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 3,35%, chỉ số S&P 500 tăng 3,27% và chỉ số Nasdaq tăng 3,59%.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu cũng chốt tuần với chủ yếu là trong sắc xanh và lên mức cao nhất 3 tháng. Cũng giống phố Wall, sau tuần giảm trước đó, chứng khoán châu Âu đã tăng trở lại trong tuần này, thậm chí còn có tuần tăng mạnh nhất trong 1 tháng khi giới đầu tư kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tung thêm gói kích thích kinh tế trong thời gian tới.

Cuộc tấn công khủng bố tại Paris cuối tuần trước đã khiến các nhóm cổ phiếu chia làm 2 thái cực khác nhau. Trong khi nhóm cổ phiếu du lịch, hàng không giảm mạnh, thì nhóm cổ phiếu quốc phòng lại khởi sắc.

Kết thúc phiên 20/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 4,7 điểm (+0,07%), lên 6.334,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 34,39 điểm (+0,31%), lên 11.119,83 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 4,13 điểm (-0,08%), xuống 4.910,97 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 3,54%, chỉ số DAX tăng 3,84% và chỉ số CAC 40 tăng 2,14%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau 2 phiên điều chỉnh cuối tuần trước và đầu tuần này do áp lực chốt lời và ảnh hưởng tạm thời từ cuộc tấn công khủng bố tại Paris cuối tuần trước, chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục trở lại và có chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp cuối tuần và tiếp tục có tuần tăng điểm khá. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng hồi phục trở lại sau tuần giảm nhẹ trước đó.

Kết thúc phiên 20/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 20,00  điểm (+0,1%), lên 19.879,81 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 254,5 điểm (+1,13%), lên 22.754,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 13,44 điểm (+0,37%), lên 3.630,50 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,44%, trong khi chỉ số Hang Seng tăng 1,60% và chỉ số Shanghai Composite tăng 1,39%.

Trong khi chứng khoán phản ứng tích cực với khả năng Fed tăng lãi suất, thì thông tin trên lại gây áp lực cho giá vàng. Giá kim loại quý này chỉ có phút tỏa sáng trong phiên thứ Năm khi đồng USD hạ nhiệt, còn lại trong tuần gần như chìm trong sắc đỏ và tiếp tục có tuần giảm giá như dự báo của giới phân tích và nhà đầu tư.

Trong phiên cuối tuần, đồng USD sau phiên hạ nhiệt trước đó đã tăng trở lại, đẩy vào xuống dưới 1.080 USD/ounce.

Kết thúc phiên 20/11, giá vàng giao ngay giảm 4,6 USD (-0,43%), xuống 1.077,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 1,2 USD (-0,11%), xuống 1.076,7 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay và giá vàng tương lai đều giảm 0,62%.

Tuy nhiên, có thể giống như chứng khoán, câu nói “bán tin đồn, mua tin chính thức” cũng có thể xảy ra trên thị trường vàng. Do đó, nếu Fed có quyết định tăng lãi suất chính thức, nhiều khả năng vàng sẽ có diễn biến tích cực trở lại.

Tuần này, trong số 615 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco, có 342 người, tương đương 56% cho rằng vàng sẽ tiếp tục giảm trong tuần tới, có 212 người, tương đương 34% dự đoán giá vàng sẽ tăng trở lại và 61 người, chiếm 10% giữ quan điểm trung tính.

Còn theo cuộc khảo sát của các chuyên gia. Trong số 37 chuyên gia được hỏi, chỉ có 10 người trả lời, trong đó có 4, tương đương 40% nhận định giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, 4 chuyên gia, chiếm 40% dự đoán giá vàng sẽ vẫn giảm và 2 người, chiếm 20% giữ quan điểm trung lập.

Tuần tới, giá vàng được nhận định có thể tuần yên tĩnh với thị trường vàng do Mỹ có kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn vào thứ Năm. Các dữ liệu kinh tế quan trọng đươc công bố trong tuần đáng chú ý là dữ liệu GDP của Mỹ.

Trên thị trường dầu thô tiếp tục có sự trái chiều, trong khi giá dầu thô Mỹ tiếp tục giảm do áp lực từ các hợp đồng đến hạn phải chốt, tuy nhiên, về cuối phiên, giá dầu thô Mỹ cũng đã lấy lại được mốc hỗ trợ 40 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent lại hồi phục tốt và lấy lại được phần nào đã mất trong tuần trước.

Kết thúc phiên 20/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,15 USD/thùng (-0,37%), xuống 40,39 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,48 USD (+1,07%), lên 44,66 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 0,86%, trong khi giá dầu thô Brent hồi phục 2,41%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục