Sau phiên hứng khởi hôm thứ Tư khi Fed cho biết, tin tưởng vào sức mạnh của nền kinh tế Mỹ có thể chịu đựng được đợt tăng lãi suất sắp tới, giới đầu tư phố Wall đã e dè trở lại trong phiên thứ Năm, khiến 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giằng co mạnh quanh mốc tham chiếu.
Nhờ hiệu ứng từ các đợt IPO thành công, phố Wall chỉ đóng cửa với mức giảm rất nhẹ.
Kết thúc phiên 19/11, chỉ số Dow Jones giảm 4,41 điểm (-0,02%), xuống 17.732,75 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,34 điểm (-0,11%), xuống 2.081,24 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,56 điểm (-0,03%), xuống 5.073,64 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu bật lại mạnh mẽ trong phiên thứ Năm, lên mức cao nhất 3 tháng sau khi nhận được nhiều thông tin hỗ trợ.
Đầu tiên là thông tin từ bên kia bờ Đại Tây Dương khi trong biên bản cuộc họp tháng 10 được công bố trước đó, Fed tự tin về sức mạnh của nền kinh tế Mỹ có thể chịu đựng được đợt tăng lãi suất sắp tới.
Tiếp đến là việc tập đoàn thực phẩm Sodexo thông báo cắt giảm chi phí để đối với với khó khăn của kinh tế toàn cầu. Tập đoàn này cũng dự báo tăng doanh thu cho năm tài chính 2015-2016 và đặc biệt là kết quả khả quan từ đợt mua lại cổ phiếu trị giá 300 triệu euro, cũng làm hài lòng nhà đầu tư.
Ngoài ra, giới đầu tư còn kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có thêm gói hỗ trợ để kích thích nền kinh tế khu vực đồng euro.
Kết thúc phiên 19/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 50,96 điểm (+0,81%), lên 6.329,93 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 125,49 điểm (+1,14%), lên 11.085,44 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 8,38 điểm (+0,17%), lên 4.915,1 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng USD tăng mạnh so với đồng yên, cùng với việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định duy trì liều lượng gói kích thích kinh tế giúp chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh trong phiên thứ Năm, lên mức cao nhất 3 tháng.
Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng hồi phục hơn 1,4% trong phiên thứ Năm nhờ sự khởi sắc của phố Wall trong phiên trước và chứng khoán Trung Quốc đại lục.
Kết thúc phiên 19/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 210,63 điểm (+1,07%), lên 19.859,81 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 311,96 điểm (+1,41%), lên 22.500,22 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 48,59 điểm (+1,36%), lên 3.617,06 điểm.
Trên thị trường vàng, sau khi giảm về mức thấp nhất 5 năm rưỡi, giá vàng có nỗ lực để đi lên, nhưng gặp nhiều khó khăn khi đồng USD liên tiếp tăng mạnh, lên mức cao nhất hơn 8 tháng. Tuy nhiên, gió đã xoay chiều trong phiên thứ Năm, khi đồng USD hạ nhiệt, giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần. Điều này đã hỗ trợ đắc lực cho giá vàng, giúp giá kim loại quý này bật mạnh trở lại trong phiên giao dịch Mỹ và đóng cửa với mức tăng trên dưới 1%.
Kết thúc phiên 19/11, giá vàng giao ngay tăng 11,8 USD (+1,1%), lên 1.081,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 9,2 USD (+0,86%), lên 1.077,9 USD/ounce.
Việc lệnh chốt hợp đồng đến hạn và nỗi lo dư cung kéo dài khiến giá dầu thô giảm mạnh ngay đầu phiên với giá dầu thô Mỹ xuống dưới mốc 40 USD/thùng và dầu thô Brent cũng giảm về mức 43,7 USD/thùng. Tuy nhiên, nhờ đồng USD hạ nhiệt, giá dầu thô đã hồi phục trở lại, trong đó giá dầu thô Mỹ chỉ còn giảm 21 cent, trong khi giá dầu thô Brent có phiên tăng nhẹ thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 19/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,21 USD/thùng (-0,52%), xuống 40,54 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,04 USD (+0,09%), lên 44,18 USD/thùng.