Theo biên bản cuộc họp tháng 10 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa được công bố, các lãnh đạo của Fed đã có những tranh luận về tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Mỹ và có thể tăng lãi suất trong tháng 12.
Sau khi biên bản này được công bố với nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12, điều lạ là nhà đầu tư lại tăng cường mua vào, đẩy cả 3 chỉ số chính của phố Wall tăng mạnh trong phiên thứ Tư.
Giới phân tích cho rằng, thị trường đã chuẩn bị tốt cho khả năng tăng lãi suất, chỉ còn chờ đợi mức tăng là bao nhiều. Việc Fed quyết định tăng lãi suất hiện nay lại được nhìn nhận ở góc độ tích cực là các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ đã tự tin vào đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới và đó là một điều tốt đối với thị trường chứng khoán.
Dữ liệu hôm thứ Tư cho thấy, số nhà bắt đầu xây dựng tại Mỹ giảm xuống mức thấp trong 7 tháng, nhưng số giấy phép xây dựng lại tăng đột biến, cho thấy thị trường nhà ở của Mỹ vẫn đang có đà phát triển vững chắc.
Kết thúc phiên 18/11, chỉ số Dow Jones tăng 247,66 điểm (+1,42%), lên 17.737,16 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 33,44 điểm (+1,62%), lên 2.083,58 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 89,19 điểm (+1,79%), lên 5.075,20 điểm.
Ngược với chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu lại đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Tư khi nhà đầu tư có chút bối rối với cuộc vây giáp các nghi phạm khủng bố của cơ quan an ninh Pháp. Cuộc vây giáp này đã được một số kênh truyền hình của Pháp tường thuật trực tiếp và nó khiến người dân nghĩ như đang có chiến tranh.
Bên cạnh đó, chiều tối ngày trước đó, cánh sát Đức cũng phát hiện được thiết bị kích nổ ở bên ngoài sân vận động tại TP. Hanover, khiến trận giao hữu giữa Đức và Hà Lan bị hủy, cũng gây cho người dân và nhà đầu tư chút lo sợ. Tuy nhiên, sau đó, mọi việc với người dân Pháp cũng như Đức vẫn diễn ra bình thường.
Dù vậy, điều này cũng khiến nhóm cổ phiếu hàng không và du lịch giá nhẹ và ảnh hưởng ít nhiều tới thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, chứng khoán châu Âu đảo chiều giảm trong phiên thứ Tư còn do chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu Air Liquide, công ty khí công nghiệp của Pháp khi UBS khuyến nghị “Bán” cổ phiếu này với đánh giá là thương vụ mua lại công ty Airgas của Mỹ trị giá 13,4 tỷ USD là quá “đắt đỏ”.
Kết thúc phiên 18/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 10,21 điểm (+0,16%), lên 6.278,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 11,09 điểm (-0,10%), xuống 10.959,95 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 30,59 điểm (-0,62%), xuống 4.906,72 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản vẫn duy trì được đà tăng, dù mức tăng khiêm tốn hơn nhiều phiên trước nhờ đồng yên giảm so với USD, hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, bất chấp được sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bất động sản sau khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, giá nhà của Trung Quốc trong tháng 10 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, tháng tăng đầu tiên sau 14 tháng, cho thấy thị trường bất động sản Trung Quốc đã ổn định trở lại, cả 2 thị trường đều sụt giảm do chịu ảnh hưởng từ nhiều nhóm ngành khác.
Kết thúc phiên 18/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 18,55 điểm (+0,09%), lên 19.649,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 75,99 điểm (-0,34%), xuống 22.188,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 36,33 điểm (-1,01%), xuống 3.568,47 điểm.
Trong khi giới đầu tư chứng khoán của phố Wall khá tự tin với biên bản cuộc họp của Fed vừa được công bố, thì giá vàng lại chỉ đi ngang ở mức thấp nhất 5 năm rưỡi trong phiên thứ Tư và đóng cửa gần như không đổi so với phiên trước đó. Sức nặng của đồng USD đang khiến giá vàng không thể “cựa quậy” để đi lên.
Kết thúc phiên 18/11, giá vàng giao ngay tăng 0,2 USD (+0,02%), lên 1.070,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 0,1 USD (+0,01%), lên 1.068,7 USD/ounce.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô đã hồi phục nhẹ trở lại sau khi giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng, trong đó dầu thô Mỹ có lúc xuống dưới 40 USD/thùng. Giá dầu thô hồi phục nhờ thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 252.000 thùng trong tuần trước. Dù thấp hơn nhiều so với mức dự đoán của giới phân tích và con số của API đưa ra trước đó, nhưng đây cũng là thông tin tích cực cho giá dầu.
Kết thúc phiên 18/11, giá dầu thô Mỹ tăng 0,08 USD/thùng (+0,2%), lên 40,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,57 USD (+1,3%), lên 44,14 USD/thùng.