Giới đầu tư trấn tĩnh sau phút hoảng loạn bởi cuộc tấn công ở Paris

(ĐTCK) Cuộc tấn công của các phần tử khủng bố IS tại Paris cuối tuần qua đã có ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, giới đầu tư đã nhanh chóng trấn tĩnh trở lại, giúp chứng khoán hồi phục, trong khi vàng quay đầu giảm trở lại.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Sau những phút đầu loạng choạng do ảnh hưởng từ các cuộc tấn công khủng bố của IS tại Paris khiến hàng trăm người thương vong cuối tuần trước, phố Wall đã dần hồi phục nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng. Nhà đầu tư cũng đặt cược cuộc tấn công ở Paris sẽ ít ảnh hưởng lâu dài tới nền kinh tế Mỹ nên nhanh chóng trở lại với thị trường chứng khoán, giúp phố Wall tăng mạnh phiên đầu tuần, lên mức cao nhất 3 tuần.

Kết thúc phiên 16/11, chỉ số Dow Jones tăng 237,77 điểm (+1,38%), lên 17.483,01 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 30,15 điểm (+1,49%), lên 2.053,19 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 56,73 điểm (+1,15%), lên 4.984,62 điểm.

Cuộc khủng bố tại Paris đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán khu vực khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới. Nhóm cổ phiếu du lịch, hàng không sụt giảm mạnh, kéo các chỉ số chính của khu vực mở cửa với sắc đỏ thẫm. Tuy nhiên, sự hồi phục của nhóm cổ phiếu năng lượng, cùng một số doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh khả quan đã giúp chứng khoán châu Âu hồi phục dần sau đó, trong đó chứng khoán Anh và Đức đóng cửa trong sắc xanh nhạt, còn chứng khoán Pháp chỉ còn giảm rất nhẹ.

Kết thúc phiên 16/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 28,1 điểm (+0,46%), lên 6.146,38 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 4,83 điểm (+0,05%), lên 10.713,23 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 3,64 điểm (-0,08%), xuống 4.804,31 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các cuộc tấn công của bọn khủng bố tại Paris đã ảnh hưởng mạnh nhóm cổ phiếu xuất khẩu, hàng không, du lịch tại châu Á, kéo chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp và xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần trong phiên đầu tuần mới. Chứng khoán Hồng Kông cũng chung số phận, thậm chí còn giảm mạnh hớn, trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại đảo chiều ngoạn mục trong những phút cuối phiên để đóng cửa trong sắc xanh.

Kết thúc phiên 16/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 203,22 điểm (-1,04%), xuống 19.393,69 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 385,32 điểm (-1,72%), xuống 22.010,82 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 26,12 điểm (+0,73%), lên 3.606,96 điểm.

Cuộc tấn công tại Paris khiến vàng và USD trở thành các kênh trú ẩn an toàn được nhà đầu tư tìm tới. Điều này đã giúp giá kim loại quý hồi phục mạnh mẽ trong phiên châu Á, thậm chí có lúc tưởng chừng sẽ chinh phục được mốc 1.100 USD/ounce. Tuy nhiên, việc đồng USD tăng mạnh đã ảnh hưởng ngược lại lên giá vàng. Cùng với đó, lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 đã khiến giá vàng đảo chiều trở lại trong phiên châu Âu và nhất là phiên Mỹ, đóng cửa phiên đầu tuần tiếp tục giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 16/11, giá vàng giao ngay giảm 1,8 USD (-0,17%), xuống 1.082,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 0,2 USD, lên 1.083,6 USD/ounce.

Cuộc tấn công tại Paris gây căng thẳng địa chính trị. Pháp tăng cường không kích IS ở Syria làm gia tăng  lo ngại về nguồn cung dầu mỏ ở Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, giá dầu thô đã hồi phục trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 16/11, giá dầu thô Mỹ tăng 1,00 USD/thùng (+2,40%), lên 41,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,03 USD (-0,07%), xuống 43,58 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục