Đối mặt với nỗi lo dư cung trong thời gian dài, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh trong phiên cuối tuần và chốt tuần mất tới 8% giá, khiến nhóm cổ phiếu năng lượng bị bán tháo đồng loạt trong 2 ngày cuối tuần.
Ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu năng lượng cùng với những tác động tiêu cực khác đã khiến phố Wall có 2 phiên giảm mạnh cuối tuần. Trong phiên thứ Năm, phố Wall chịu ảnh hưởng bởi dữ liệu thị trường lao động khả quan, làm tăng khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12, còn trong phiên thứ Sáu, phố Wall chịu ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu bán lẻ khi Nordstrom công bố lợi nhuận không như kỳ vọng.
Trong khi đó, theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 10 chỉ tăng 0,1%, thấp hơn so với mức kỳ vọng là 0,3%. Doanh số bán lẻ không bao gồm xe ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và dịch vụ ăn uống tăng 0,2% sau khi điều chỉnh tăng 0,1% trong tháng 9.
Với ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng, bán lẻ và đặc biệt là nỗi lo Fed tăng lãi suất khiến chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng tới 41% trong tuần, là tuần tăng mạnh thứ 2 trong năm nay sau tuần kết thúc vào ngày 21/8 - tuần chịu ảnh hưởng bởi những đột thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, dữ liệu về doanh số bán lẻ vừa công bố cùng lạm phát thấp khiến khả năng tăng lãi suất của Fed giảm đi phần nào. Theo thăm dò của Reuters, lạm phát trong tháng 11 của Mỹ vẫn ở mức 1,9%, không đổi so với tháng trước và dưới mức mục tiêu để tăng lãi suất của Fed là 2%.
Kết thúc phiên 13/11, chỉ số Dow Jones giảm 202,83 điểm (-1,16%), xuống 17.245,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 22,93 điểm (-1,12%), xuống 2.023,04 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 77,20 điểm (-1,54%), xuống 4.927,88 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 3,71%, chỉ số S&P 500 giảm 3,63% và chỉ số Nasdaq giảm 4,26%. Đây là tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 21/8 và nó cũng chấm dứt chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp của phố Wall.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục giảm điểm trong phiên đầu tuần mới ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng và báo cáo kết quả kinh doanh quý III kém khả quan của một số doanh nghiệp niêm yết.
Kết thúc phiên 13/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 60,4 điểm (-0,98%), xuống 6.118,28 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 74,23 điểm (-0,69%), xuống 10.708,40 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 48,7 điểm (-1,00%), xuống 4.807,95 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 3,71%, chỉ số DAX giảm 2,54% và chỉ số CAC 40 giảm 3,54%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, đà tăng 7 ngày liên tiếp của chứng khoán Nhật Bản đã chấm dứt bằng phiên giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần. Chứng khoán Nhật Bản giảm trở lại do ảnh hưởng từ sự sụt giảm của chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên trước đó và giá dầu giảm mạnh. Trong khi đó, sau phiên khởi sắc hôm thứ Năm khi tăng mạnh nhất 5 tuần, chứng khoán Hồng Kông đã nhanh chóng bị chốt lời và đảo chiều giảm trở lại, trả lại gần hết những gì đã có trước đó. Chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục nới rộng đà giảm trong phiên cuối tuần và đánh mất hết những gì đã có trong tuần.
Kết thúc phiên 13/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 100,86 điểm (-0,51%), xuống 19.596,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 492,78 điểm (-2,15%), xuống 22.396,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 52,06 điểm (-1,43%), xuống 3.580,84 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,72%, trong khi chỉ số Hang Seng giảm 2,06% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,26%.
Nỗi lo về khả năng Fed tăng lãi suất đã khiến vàng có tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Tuy nhiên, mức giảm trong tuần này khá nhẹ với các phiên giảm từng bước 1 trong tuần này. Trong 2 phiên cuối tuần, nhất là trong phiên thứ Năm, giá vàng có lúc đã giảm xuống dưới mức 1.075 USD/ounce do áp lực bán manh, nhưng sau đó lực cầu bắt đáy đã giúp giá kim loại quý này ổn định trở lại gần như đi ngang trong khoảng 1.080 - 1.085 USD/ounce trong 2 phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 13/11, giá vàng giao ngay giảm 1,1 USD (-0,10%), xuống 1.083,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 2,4 USD (+0,22%), lên 1.083,4 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,5% và giá vàng tương lai giao tháng 12 cũng giảm nhẹ 0,51%.
Tuần này, trong số 400 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco, có 223 người, tương đương 56% cho rằng vàng sẽ tiếp tục giảm trong tuần tới, có 125 người, tương đương 31% dự đoán giá vàng sẽ tăng trở lại và 52 người, chiếm 13% giữ quan điểm trung tính.
Còn theo cuộc khảo sát của các chuyên gia. Trong số 37 chuyên gia được hỏi, chỉ có 14 người trả lời, trong đó có 8, tương đương 57% nhận định giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, 4 chuyên gia, chiếm 29% dự đoán giá vàng sẽ vẫn giảm và 2 người, chiếm 14% giữ quan điểm trung lập.
Dù vậy, giá vàng tuần tới được dự báo sẽ có triển vọng hồi phục nhờ báo cáo về nhu cầu vàng quý III vừa được Hội đồng Vàng Thế giới công bố. Theo đó, nhu cầu trang sức tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu đồng tiền vàng và vàng thỏi để đầu tư tăng 27%, đặc biệt các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vào, đánh dấu quý thứ 19 liên tiếp mua ròng.
“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu đang tăng mạnh với vàng vật chất khi giá giảm. Nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu có thể kích thích nhiều người mua trở lại ở các mức giá cố định. Rất nhiều nhà quản lý tài sản đang cân nhắc với kim loại quý và họ có thể xem đây là cơ hội để cơ cấu danh mục của mình”, Andrew Chanin, Giám đốc điều hành của PureFunds, một thành viên của PureFunds ISE Junior Silver ETF (SILJ) cho biết.
Một điểm quan trọng nữa là việc Trung Quốc liên tiếp mua vàng trong 3 tháng qua, đây là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá vàng, bởi Trung Quốc là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, đặc biệt nước này đang nỗ lực để đưa đồng nhân dân tệ trở vào rỏ tiền tệ chung của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
“Trung Quốc đã dần dần tăng mua vàng trong 3 tháng qua. IMF có để quyết định xem họ chấp nhận nhân dân tệ làm đồng tiền quốc tế hay không. Nếu họ quyết định có, thị trường vàng có thể lại tăng trở lại một cách nhanh chóng”, Polly Dampier, Chủ tịch và kiêm Giám đốc Phân tích tại Naturus.com Ltd đánh giá.
Trong khi đó, Dominick Cimaglia, môi giới cao cấp kim loại quý tại Alliance Financial, LLC cho biết, ông đã “giảm” về triển vọng giá vàng trong tuần tới. Ông chỉ vào các dữ liệu ban đầu tuyên bố thất nghiệp Mỹ công bố vào hôm thứ Năm (12/11) như một chỉ báo tiềm năng cho thị trường vàng.
“Chúng ta có thể thấy áp lực bán vẫn rất lớn và nếu quan sát trên đô thị giá hàng ngày, chúng ta có thể thấy giá vàng đang đi xuống theo hình bậc thang”, Cimaglia nói.
Tuần tới, thị trường sẽ chờ đợi biên bản cuộc họp tháng 10 của Fed sẽ được công bố vào thứ Tư để xem quan điểm cụ thể của cơ quan này về nền kinh tế Mỹ, kinh tế toàn cầu và khả năng tăng lãi suất trong tháng 12 như thế nào.
Giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần khi Chính phủ Mỹ công bố tuần gia tăng thứ 7 liên tiếp trong kho dự trữ của mình. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, kho dự trữ dầu thô toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục mới 3 tỷ thùng sản phẩm. IEA cũng cho biết, mùa Đông năm nay cũng không quá lạnh sẽ khiến nhu cầu dầu thô giảm.
Những thông tin trên khiến giá dầu giảm 7 trong 8 phiên gần đây và có tuần giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 3 năm nay. Ngoài ra, nguồn cung ước tính 0,7 - 2,5 triệu thùng/ngày đã khiến giá dầu thô giảm gần 2/3 kể từ tháng 6/2014.
Kết thúc phiên 13/11, giá dầu thô Mỹ giảm 1,01 USD/thùng (-2,48%), xuống 40,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,45 USD (-1,03%), xuống 43,61 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 8,02% và giá dầu thô Brent cũng mất tới 8,03%.