Chứng khoán khởi sắc, vàng, dầu thô giảm mạnh

(ĐTCK) Sự trở lại của nhóm cổ phiếu công nghệ, bán lẻ, cùng sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng giúp chứng khoán toàn cầu khởi sắc trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Trong khi đó, việc đồng USD tăng mạnh, cùng nguồn cung tăng khiến giá vàng, dầu thô giảm mạnh.
Chứng khoán khởi sắc, vàng, dầu thô giảm mạnh

Sau khi điều chỉnh trong phiên cuối tuần trước do ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu bán lẻ, công nghệ, phố Wall đã khởi sắc trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới cũng nhờ 2 nhóm cổ phiếu này, cùng với đó là sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính.

Sau khi bị bán khá mạnh trong 2 tuần qua, nhóm cổ phiếu công nghệ đã đồng loạt hồi phục trong tuần giao dịch mới khi niềm tin vào nền kinh tế trở lại sau phát biểu trấn an của một quan chức Fed, qua đó giúp Dow Jones và S&P 500 lên mức cao kỷ lục mới, Nasdaq cũng tăng vọt hơn 1,4%.

Trong tuần qua, giới đầu tư cảm thấy ngạc nhiên và khá bối rối khi Fed quyết định tăng lãi suất bất chấp dữ liệu kinh tế yếu kém và lạm phát thấp. Tuy nhiên, phát biểu mới đây, Chủ tịch Fed khu vực New York William Duldey cho biết, lạm phát của Mỹ hiện đang ở mức thấp, nhưng sẽ tăng lên trong thời gian tới cùng với đà tăng lương do thị trường lao động tiếp tục cải thiện. Điều này hàm ý Fed sẽ tiếp tục có lần tăng lãi suất nữa và đó là thông tin có lợi cho nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng. Trong khi triển vọng thị trường lao động sáng sủa cũng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên 19/6, chỉ số Dow Jones tăng 144,71 điểm (+0,68%), lên 21.528,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 20,31 điểm (+0,83%), lên 2.453,46 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 87,25 điểm (+1,42%), lên 6.239,01 điểm.

Trên thị trường châu Âu, chiến thắng áp đảo của đảng của Tổng thống Emmanuel Macron trong cuộc tổng tuyển cử giúp chứng khoán Pháp tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Hai. Không chỉ chứng khoán Pháp, các thị trường chứng khoán chính trong khu vực cũng đều tăng vọt trở lại trong phiên đầu tuần mới nhờ đà tăng của nhóm tài chính, công nghệ và sự phục hồi trở lại của nhóm cổ phiếu bán lẻ sau khi lao dốc mạnh phiên cuối tuần trước do ảnh hưởng từ thương vụ bất ngờ của Amazon.

Kết thúc phiên 19/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 60,27 điểm (+0,81%), lên 7.523,81 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 136,22 điểm (+1,07%), lên 12.888,95 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 47,41 điểm (+0,90%), lên 5.310,72 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, nhóm cổ phiếu công nghệ, tài chính cũng giúp chứng khoán Hồng Kông nhanh chóng hồi phục mạnh trở lại sau phiên điều chỉnh cuối tuần trước. Chứng khoán Nhật Bản cũng bật lên, vượt qua ngưỡng 20.000 điểm một lần nữa, chạm mức cao trong 2 tuần qua do đồng yên giảm so với đồng USD.

Tương tự, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng lấy lại đà tăng khi thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện. Theo đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục bơm thêm 410 tỷ nhân dân tệ vào thị trường trong tuần qua thông qua hoạt động thị trường mở. Đây là mức bơm ròng tiền hàng tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 1.

Kết thúc phiên 19/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 124,49 điểm (+0,62%), lên 20.067,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 298,06 điểm (+1,16%), lên 25.924,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 21,21 điểm (+0,68%), lên 3.144,37 điểm.

Trong khi chứng khoán khởi sắc, thì vàng giảm khá mạnh, đóng cửa gần như mức thấp nhất ngày và xuống mức thấp nhất gần 4 tuần khi đồng USD tăng mạnh. Ngoài ra, các thông tin như vụ xe buýt lao vào đám đông khiến ít nhất 1 người chết ở Anh nghi là khủng bố hôm Chủ nhật, hay Mỹ bắn rơi máy bay chiến đấu của Syria không ảnh hưởng đến thị trường. Trong khi đó, thị trường vàng đang chịu áp lực lớn từ quyết định tăng lãi suất và giảm nắm giữ trái phiếu của Fed trong cuộc họp tuần trước.

Kết thúc phiên 19/6, giá vàng giao ngay giảm 9,8 USD (-0,78%), xuống 1.243,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 8,4 USD/ounce (-0,67%), xuống 1.248,1 USD/ounce.

Tương tự giá vàng, sau khi hồi nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần trước nhờ thông tin một số nước sản xuất sẽ giảm xuất khẩu, giá dầu thô đã nhanh chóng quay đầu giảm trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới, xuống mức thấp nhất 7 tháng    khi thị trường chứng kiến nhiều dấu hiệu cho thấy, sản lượng dầu thô ở Mỹ, Lybia, Nigeria sẽ tăng lên.  

Kết thúc phiên 19/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,54 USD/thùng (-1,21%), xuống 44,20 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm  0,46 USD (-0,97%), xuống 46,91 USD/thùng. 

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục