Các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng chủ yếu lình xình trong phiên thứ Tư để chờ đợi cuộc họp chính sách của Fed kết thúc.
Kết quả cuộc họp của Fed được công bố tăng lãi suất 0,25% giống như dự đoán trước đó. Fed cũng cho biết, sẽ bắt đầu tính tới việc cắt giảm gói kích thích kinh tế 4.200 tỷ USD.
Chủ tịch Fed Janet Yellen cho biết, quá trình này có thể bắt đầu “tương đối sớm”.
Tuy nhiên, kết quả cuộc họp của Fed bị che phủ bởi dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ được công bố. Cụ thể, chỉ số CPI cơ bản của Mỹ trong tháng 5 chỉ còn tăng 1,7% so với cùng kỳ, trong khi tháng 4 tăng 1,9%.
Doanh số bán lẻ trong tháng 5 của Mỹ cũng bất ngờ giảm 0,3% - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1/2016 và thấp hơn so với mức kỳ vọng của các nhà kinh tế là tăng 0,1%.
Cùng với dữ liệu kinh tế kém khả quan, việc giá dầu thô giảm mạnh, cùng nhóm cổ phiếu công nghệ giảm khiến Nasdaq và S&P 500 giảm điểm, trong khi Dow Jones với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính lại có được sắc xanh.
Kết thúc phiên 14/6, chỉ số Dow Jones tăng 46,09 điểm (+0,22%), lên 21.374,56 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,43 điểm (-0,10%), xuống 2.437,92 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 25,48 điểm (-0,41%), xuống 6.194,89 điểm.
Chứng khoán châu Âu lúc đầu tăng khá tốt sau dữ liệu sản xuất công nghiệp của khu vực đồng euro tăng trong tháng 4. Tuy nhiên, sau đó thị trường đã đảo chiều giảm điểm vào cuối phiên do giá dầu thô sụt giảm mạnh.
Kết thúc phiên 14/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 26,04 điểm (-0,35%), xuống 7.474,40 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 40,97 điểm (+0,32%), lên 12.805,95 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 18,45 điểm (-0,35%), xuống 5.243,29 điểm.
Trên thị trường châu Á, chờ đợi cuộc họp của Fed kết thúc, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông đều tỏ ra thận trọng, khiến chỉ số Nikkei 225 và Hang Seng đều ít biến động, thanh khoản cũng sụt giảm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, dữ liệu đầu tư yếu vừa được công bố càng củng cố khả năng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới mất đà tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khiến thị trường chứng khoán nước này giảm khá mạnh.
Kết thúc phiên 14/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 15,23 điểm (-0,08%), xuống 19.883,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 23,80 điểm (+0,09%), lên 25.875,90 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 23,07 điểm (-0,72%), xuống 3.130,67 điểm.
Giá vàng bất ngờ tăng mạnh trong đầu phiên Mỹ khi dữ liệu kinh tế Mỹ kém khả quan được công bố. Tuy nhiên, việc Fed quyết định tăng lãi suất như dự kiến, đồng thời để ngỏ khả năng tăng thêm một lần nữa trong năm nay bất chấp lạm phát thấp, khiến vàng bị bán mạnh ra ngay sau đó, kéo kim loại quý này quay đầu giảm giá.
Kết thúc phiên 14/6, giá vàng giao ngay giảm 6,0 USD (-0,47%), xuống 1.260,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 6,0 USD/ounce (-0,47%), xuống 1.262,5 USD/ounce.
Trong khi đó, trên thị trường dầu thô, việc kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước chỉ giảm 1,7 triệu thùng, theo Cơ quan Thông tin Năng lương Mỹ (EIA) - thấp hơn nhiều so với dự đoán giảm 2,7 triệu thùng của giới phân tích khiến giá dầu thô lao dốc mạnh trong phiên thứ Tư.
Ngoài ra, cũng theo EIA, kho dự trữ dầu thô tinh chế tăng 29.000 thùng/ngày và kho dự trữ xăng tăng 2,1 triệu thùng, trong khi các nhà phân tích dự báo giảm 457.000 thùng, cũng tác động tiêu cực tới giá dầu thô.
Kết thúc phiên 14/6, giá dầu thô Mỹ giảm 1,73 USD/thùng (-3,87%), xuống 44,73 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 1,72 USD (-3,66%), xuống 47,00 USD/thùng.