Bất chấp ngày càng có nhiều nhà bán lẻ truyền thống phải đóng cửa do sự cạnh tranh từ chính Amazon, hãng bán lẻ trực tuyến này vẫn quyết chi 13,7 tỷ USD để mua lại Whole Foods - chuỗi cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ của Mỹ. Thương vụ này giúp cổ phiếu Amazon tăng 2,4%, trong khi Whole Foods tăng 29,1%, nhưng lại khiến cho cổ phiếu của hàng loạt nhà bán lẻ khác lao dốc như Wal-mart giảm 4,7%, Kroger giảm 9,2% và Costco Wholesale giảm 7,2%.
Chỉ số S&P tiêu dùng chốt phiên cuối tuần mất 1%, cùng với dữ liệu kinh tế khém khả quan ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall.
Cụ thể, ngành xây dựng nhà ở của Mỹ trong tháng 5 giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng do hoạt động xây dựng giảm mạnh, niềm tin người tiêu dùng Mỹ đầu tháng 6 cũng bất ngờ giảm.
Tuy nhiên, nhờ sự tăng mạnh trở lại của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô hồi phục, giúp S&P lấy lại sắc xanh và Dow Jones cũng có mức tăng điểm khi chốt phiên. Trong khi đó, đà giảm sụt của nhóm cổ phiếu công nghệ khiến Nasdaq tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên 16/6, chỉ số Dow Jones tăng 24,38 điểm (+0,11%), lên 21.384,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,69 điểm (+0,03%), lên 2.433,15 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 13,74 điểm (-0,22%), xuống 6.151,76 điểm.
Dù có những phiên rung lắc, nhưng nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính sau quyết định tăng lãi suất của Fed, Dow Jones có tuần tăng thứ 4 liên tiếp, S&P 500 cũng đảo chiều hồi nhẹ trở lại sau tuần giảm trước đó, trong khi với sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ, Nasdaq tiếp tục có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, Dow Jones tăng 0,53%, S&P 500 tăng 0,06%, Nasdaq giảm 0,9% sau khi đã mất 1,55% trong tuần trước đó.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau chuỗi ngày giảm trước đó, chứng khoán khu vực này đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng và nguyên vật liệu khi đồng USD giảm mạnh, giúp giá các loại hàng hóa này tăng.
Kết thúc phiên 16/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 44,18 điểm (+0,60%), lên 7.463,54 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 60,92 điểm (+0,48%), lên 12.752,73 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 46,43 điểm (+0,89%), lên 5.263,31 điểm.
Dù hồi phục rất tốt trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu không tránh khỏi tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Trong đó, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 0,85%, chỉ số DAX giảm 0,49%, chỉ số CAC 40 giảm 0,69%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ duy trì chính sách tiền tệ, cũng như chương trình mua trái phiếu (khoảng 720 tỷ USD/năm) như mong đợi, chỉ số Nikkei 225 tăng khá tốt phiên cuối tuần. Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều tăng trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó do ảnh hưởng từ quyết định tăng lãi suất của Fed. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc giảm điểm do lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Kết thúc phiên 16/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 111,44 điểm (+0,56%), lên 19.943,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 61,15 điểm (+0,24%), lên 25.626,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,32 điểm (-0,30%), lên 3.123,27 điểm.
Tương tự chứng khoán châu Âu, dù hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Nhật Bản cũng có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, trong khi mạch tăng điểm ấn tượng của chứng khoán Hồng Kông chấm dứt, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đảo chiều giảm trở lại sau tuần tăng mạnh trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,93%, chỉ số Hang Seng giảm 1,55% và chỉ số Shanghai Composite giảm 1,11%.
Dù nhận được sự hỗ trợ từ việc đồng USD giảm, nhưng giá vàng vẫn chịu áp lực tâm lý lớn từ nhà đầu tư trước động thái tăng lãi suất của Fed bất chấp các dữ liệu kinh tế Mỹ yếu kém và lạm phát thấp.
Kết thúc phiên 16/6, giá vàng giao ngay giảm 0,3 USD (-0,02%), xuống 1.253,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 1,9 USD/ounce (+0,15%), lên 1.256,5 USD/ounce.
Giá vàng cũng có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với biên độ mạnh hơn tuần trước đó. Cụ thể, tuần qua, giá vàng giao ngay giảm 1,03% và giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 1,17%.
Dù có cái nhìn bớt tiêu cực hơn so với tuần trước, nhưng với những thông tin hiện tại và sức mạnh của đồng USD, cả giới phân tích và nhà đầu tư đều chưa thể lạc quan về xu hướng của giá vàng trong tuần này.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 21 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 9 người, chiếm 43% đánh giá tích cực về giá vàng, cao hơn con số 22% của tuần trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với con số 80% của tuần trước nữa. Trong khi đó, số người dự báo giảm là 10 người, chiếm 48%, thấp hơn so với con số 61% của tuần trước. 2 người còn lại, chiếm tỷ lệ 10% dự báo giá vàng sẽ đi ngang trong tuần này.
Trong khi đó, trong cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này, có 1.151 người tham gia. Trong đó, có 393 người, chiếm tỷ lệ 34% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại trong tuần này, thấp hơn so với con số 55% của tuần trước, trong khi có tới 658 lượt, chiếm tỷ lệ 57% dự báo giá vàng sẽ giảm tiếp, cao hơn nhiều con số 34% của tuần trước và 100 lượt, chiếm tỷ lệ 9% giữ quan điểm trung lập.
Sau khi xuống mức thấp nhất trong năm, giá dầu thô đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần qua khi một số nhà sản xuất như Kazakhstan thông báo giảm sản lượng xuất khẩu, cùng với số lượng giàn khoan của Mỹ tăng chậm lại.
Kết thúc phiên 16/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,28 USD/thùng (+0,63%), lên 44,74 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,45 USD (+0,95%), lên 47,37 USD/thùng.
Như vậy, lo ngại về khả năng dư cung khiến giá dầu thô có tuần giảm thứ 4 liên tiếp, dù biên độ đã hẹp hơn so với tuần trước. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 2,38%, giá dầu thô Brent giảm 1,62%.