Chứng khoán duy trì đà tăng, dầu hồi phục mạnh

(ĐTCK) Dư âm quyết định của FED đưa ra hôm thứ Tư tiếp tục có tác động tích cực tới các thị trường chứng khoán trên thế giới. Trong khi đó, giá dầu thô đã có phiên hồi phục ấn tượng trong ngày cuối tuần.
Phố Wall có chuỗi 3 phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2011 - Ảnh: Reuters Phố Wall có chuỗi 3 phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2011 - Ảnh: Reuters

Dư âm về cuộc họp báo của Chủ tịch FED Janet Yellen sau cuộc họp chính sách hôm thứ Tư tiếp tục tác động tích cực tới chứng khoán Mỹ. Trong phiên cuối tuần, phố Wall tiếp tục tăng điểm, dù mức tăng đã khiêm tốn hơn rất nhiều so với 2 phiên trước đó, nhưng cũng đủ giúp phố Wall có chuỗi 3 phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2011. Dow Jones đóng cửa cũng chỉ còn cách đỉnh cao lịch sử gần 23 điểm, trong khi S&P 500 cũng chỉ còn cách hơn 2 điểm.

Ngoài ra, phố Wall duy trì được đà tăng, trong đó S&P 500 có mức tăng 5% trong 3 phiên kể từ ngày thứ Tư còn do đà tăng mạnh của cổ phiếu năng lượng, khi giá dầu thô hồi phục trên dưới 4% trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 19/12, chỉ số Dow Jones tăng 26,65 điểm (+0,15%), lên 17.804,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,42 điểm (+0,46%), lên 2.070,65 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 16,98 điểm (+0,36%), lên 4.765,38 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 3,03%, chỉ số S&P 500 tăng 3,41% và chỉ số Nasdaq tăng 2,4%.

Dữ liệu vừa công bố tiếp tục cho thấy kinh tế Mỹ đang có những cải thiện. Theo số liệu của FED, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước bất ngờ giảm 6.000 người, xuống mức 289.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 11 cũng giảm xuống còn 5,8% từ mức 7% của 1 năm trước đó.

Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu tại FED Chicago, sự sụt giảm tỷ lệ thất nghiệp là do một phần là có nhiều người ra khỏi lực lượng lao động, vì thiếu việc làm cho những người không có bằng đại học. Trong tương lai, ít nhất là một số học sinh có thể quay trở lại thị trường lao động, giúp ra tăng sự lựa chọn cho các nhà tuyển dụng.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại chịu áp lực giảm trong nửa cuối phiên cuối tuần khi chịu ảnh hưởng của cổ phiếu y tế, xuất phát từ việc 2 loại thuộc của hãng dược Roche thất bại trong cuộc kiểm tra.

Trong khi đó, các ngân hàng của Italia cũng đối mặt với việc bị S&P hạ bậc tín nhiệm, sau khi hãng xếp hạng tín nhiệm này đã hạ bậc tín nhiệm nợ chính phủ Italia trước đó.

Ngoài ra, giới đầu tư châu Âu cũng thận trọng khi một nguồn tin của Reuters cho biết, các quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang xem xét để đưa ra các điều kiện trên bất kỳ chương trình kích thích kinh tế nào.

Kết thúc phiên 19/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 79,27 điểm (+1,23%), lên 6.545,27 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 24,10 điểm (-0,25%), xuống 9.786,96 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 7,84 điểm (-0,18%), xuống 4.241,65 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 3,88%, chỉ số DAX tăng 2% và chỉ số CAC 40 tăng 3,23%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng mạnh nhất trong 6 tuần rưỡi nhờ dư âm từ thông tin “kiên nhẫn” với kế hoạch tăng lãi suất của FED được đưa ra vào phiên trước đó (theo giờ Nhật Bản). Ngoài ra, giới đầu tư cũng chờ đợi thông tin từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản về kế hoạch kích thích kinh tế của mình.  Tương tự, thông tin về việc FED chưa tăng lãi suất đã giúp chứng khoán Hồng Kông tăng điểm tốt trong phiên cuối tuần, hạn chế tới mức tối đa thiệt hại trong tuần này. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục tăng mạnh.

Kết thúc phiên 19/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 411,35 điểm (+2,39%), lên 17.621,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 284,42 điểm (+1,25%), lên 23.116,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 51,07 điểm (+1,67%), lên 3.108,60 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,44%, chỉ số Hang Seng giảm 0,57% và chỉ số Shanghai Composite tăng 5,80%.

Kết thúc phiên 19/12, giá vàng giao ngay giảm 3,7 USD (-0,31%), xuống 1.194,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 tăng 1,2  USD (+0,10%), lên 1.196,0 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,26%, giá vàng giao tháng 2/2015 giảm 2,17%.

Trong tuần này, thay vì cuộc khảo sát xu hướng tuần tới quen thuộc, Kitco tiến hành cuộc khảo sát cuối trong năm với câu hỏi theo kiểu Dr. Doom: “giá vàng có xuống ngưỡng 1.000 USD/ounce trong năm 2015 hay không”. Trong số 30 tham gia cuộc khảo sát, trong 10 người trả lời trong tuần này, đa số điều cho rằng, Dr. Doom có thể đúng và vàng có thể giảm xuống 1.000 USD/ounce. Những người này cho rằng, đồng USD mạnh sẽ gây áp lực lên giá vàng, nên giá kim loại quý này hoàn toàn có thể giảm sâu.

Tuy nhiên, chỉ có 3 người, trong đó có Colin Cieszynski, nhà phân tích thị trường cao cấp tại CMC Markets cho rằng, họ không mong đợi giá vàng giảm thấp hơn.

Theo Colin Cieszynski, ông không thấy có lý do để vàng giảm về 1.000 USD/ounce do châu Âu có vẻ như đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế mới, nên sẽ tạo ra nhu cầu trú ẩn an toàn với vàng.

Tuần giao dịch tới, thị trường sẽ nghỉ vào ngày 25/12 cho Giáng sinh, trong khi tuần tiếp theo sẽ nghỉ ngày đầu năm mới. Các nhà phân tích cho rằng, thanh khoản trên thị trường vàng sẽ rất thấp khi mọi người sẽ chọn cách đứng ngoài để chờ sang năm mới với hành động.

Về biến động của giá, các nhà phân tích cho rằng, giá vàng đã tốt hơn sau cuộc họp của FED khi cơ quan này chưa tăng lãi suất.

Colin Cieszynski cho rằng, thị trường vàng dường như đã ổn định khoảng 1.200 USD/ounce và sẽ dao động quanh ngưỡng này trong ít nhất cho đến tuần đầu tiên hoặc thứ hai của năm mới. Với mức tăng từ đầu tháng của giá vàng, nhiều nhà đầu tư có thể yên tâm để tận hưởng kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới.

"Tôi chỉ không nhìn thấy quá nhiều người muốn lướt sóng giá vàng trong 2 tuần tới", Cieszynski nói. "Ngay cả dầu thô cũng có vẻ ổn định với mức giá khoảng 55 USD/thùng".

Ngay trước giờ nghỉ Giáng sinh, Bộ Thương mại Mỹ công bố GDP quý IV, tuy nhiên, Julian Jessop, Chiến lược gia hàng hóa trưởng tại Capital Economics cho rằng, dữ liệu này sẽ đúng như dự đoán, nên không có tác động nhiều tới các thị trường, trong đó có thị trường vàng. Sẽ không có sự yếu kém bất ngờ nào của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, các dữ liệu quan trọng khác cũng được Viện quản lý nguồn cung công bố, nhưng cũng như dữ liệu GDP, các nhà kinh tế thuộc CIBC World Markets cho biết, các tác động sẽ rất hạn chế.

Tuy nhiên, Jessop cho rằng, giá vàng có thể có bất ổn trong những ngày nghỉ nếu nền kinh tế Nga bất ngờ bị suy giảm, hoặc nếu có nhiều biến động trong giá dầu.

Trong khi đó, Avi Gilburt, nhà kinh doanh độc lập tại ElliotWavTrader.net nói rằng, ông không tin rằng thị trường sẽ được yên tĩnh trong thời gian nghỉ. Giá kim loại quý đang ở trong "vùng đất không người" và nhiều khả năng có thể giảm sâu hơn nữa.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã có phiên hồi phục rất tốt trong ngày giao dịch cuối tuần. Giá dầu và khí hồi phục giúp đồng rúp của Nga cũng lấy lại được 5% giá trị sau khi mất tới gần 60% kể từ cuối tháng 6.

Kết thúc phiên 19/12, giá dầu thô Mỹ tăng 2,41 USD/thùng (+4,45%), lên 56,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,11 USD (+3,56%), lên 61,38 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 2,23%, trong khi giá dầu thô Brent chỉ còn giảm 0,76%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục