Dầu thô lại kéo chứng khoán và vàng chìm theo

(ĐTCK) Việc giá dầu thô tiếp tục lao dốc trong phiên đầu tuần, xuống mức thấp nhất 5 năm rưỡi đã kích hoạt lệnh bán tháo trên thị trường chứng khoán và khiến giới đầu tư trên thị trường vàng hoảng loạn theo.
Ảnh minh họa: Reuters Ảnh minh họa: Reuters

Theo dữ liệu kinh tế mới nhất được công bố trong ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết, sản lượng sản xuất của Mỹ tăng 1,1% trong tháng 11, tăng lớn nhất trong 9 tháng, sau khi tăng 0,4% trong tháng 10. Điều này cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn dường như vẫn đang miễn nhiễm với nguy cơ tăng trưởng chậm của kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, một thông tin khác lại cho thấy, đánh giá của sản xuất của Cục dự trữ liên bang New York lại trở nên tiêu cực lần đầu tiên trong gần 2 năm.

Dữ liệu kinh tế được đánh giá lạc quan trên đã bị lu mờ bởi giá dầu tiếp tục lao dốc, xuống mức thấp nhất 5 năm rưỡi, khiến đà bán tháo xảy ra đối với nhóm cổ phiếu năng lượng, kéo phố Wall tiếp tục giảm mạnh phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 15/12, chỉ số Dow Jones giảm 99,99 điểm (-0,58%), xuống 17.180,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,7 điểm (-0,63%), xuống 1.989,63 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 48,44 điểm (-1,04%), xuống 4.605,16 điểm.

Chứng khoán châu Âu lại chứng kiến đợt bán tháo trong phiên đầu tuần khi giá dầu tiếp tục lao dốc và lo ngại giảm phát tại khu vực đồng euro. Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất 5 năm rưỡi đã khiến hoạt động bán tháo nhóm cổ phiếu năng lượng tiếp tục xảy ra và lây lan ra cả thị trường.

Bên cạnh đó, thông thường, việc giá dầu giảm sẽ có lợi cho các nền kinh tế, trong đó có kinh tế khu vực đồng euro, tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ở trường hợp này lại là điều ngược lại. Giá dầu giảm sẽ là tin xấu với kinh tế eurozone, nó khiến cho áp lực giảm phát ở khu vực này lớn thêm.

Thành viên HĐQT Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Ignazio Visco cho biết, giá dầu giảm sẽ gây áp lực lên giảm phát của khu vực trong tháng tới. ECB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng và lạm phát của mình trong 2 năm tiếp theo.

Kết thúc phiên 15/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 117,91 điểm (-1,87%), xuống 6.182,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 260,72 điểm (-2,72%), xuống 9.334,01 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 103,55 điểm (-2,52%), xuống 4.005,38 điểm.

Cũng giống như chứng khoán Âu, Mỹ chứng khoán Nhật Bản cũng giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần trong phiên đầu tuần mới khi giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất 5 năm rưỡi, ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu năng lượng và lo ngại đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Theo thông tin mới công bố, đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện vào Chủ nhật (14/12), điều này là không bất ngờ. Sau chiến thắng này, ông Abe cho biết, sẽ tiếp tục con đường của mình để thúc đẩy nền kinh tế của Nhật Bản vốn đang bị suy thoái hiện nay.

Trong khi đó, nhờ lực mua vào những phút cuối, chứng khoán Trung Quốc đại đã có phiên đảo chiều ngoạn mục, trong khi chứng khoán Hồng Kông cũng hãm bớt đà giảm của mình.

Kết thúc phiên 15/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 272,18 điểm (-1,57%), xuống 17.099,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 221,35 điểm (-0,95%), xuống 23.027,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 15,25 điểm (+0,52%), lên 2.953,42 điểm.

Giá vàng trong phiên đầu tuần lao theo giá dầu khi đồng USD lình xình ở mức cao nhất 4 năm so với rổ tiền tệ chung. Việc đồng USD tăng mạnh ở dao động ở mức cao trong vài tháng nay gây áp lực lên giá các loại hàng hóa nguyên liệu được định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có cả kim loại quý.

Giới đầu tư đang hướng về cuộc họp chính sách sắp tới của Ủy ban thị trường mở thuộc FED (FOMC). Nhiều người tin rằng, cuộc họp này của FED nhiều khả năng sẽ tính tới chuyện tăng lãi suất vốn đã được duy trì ở mức gần như bằng 0 trong 6 năm qua. Nếu điều này xảy ra, đồng USD lại có thêm động lực để tăng mạnh và khi đó, giá vàng có nguy cơ giảm xuống mức sâu hơn.

Kết thúc phiên 15/12, giá vàng giao ngay giảm 28,3 USD (-2,32%), xuống 1.193,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 giảm 14,8  USD (-1,21%), xuống 1.207,7 USD/ounce.

Việc đồng USD tăng mạnh, cũng như nhu cầu sụt giảm, trong khi nguồn cung giữ nguyên khiến giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong phiên đầu tuần mới, xuống mức thấp nhất 5 năm rưỡi.

Kết thúc phiên 15/12, giá dầu thô Mỹ giảm 1,9 USD/thùng (-3,40%), xuống 55,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,79 USD (-1,29%), xuống 61,06 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục