Chứng khoán lao dốc, vàng hưởng lợi

(ĐTCK) Lo lắng về kinh tế toàn cầu, cũng nhưng khủng hoảng chính trị ở Hy Lạp, chứng khoán lao dốc, trong khi vàng nhận được nhiều thông tin hỗ trợ đã có phiên tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 10.
Phố Wall thoát hiểm nhờ cổ phiếu năng lượng và công nghệ - Ảnh: Reuters Phố Wall thoát hiểm nhờ cổ phiếu năng lượng và công nghệ - Ảnh: Reuters

Những lo ngại về sự yếu kém của kinh tế toàn cầu, cũng như bất ổn chính trị tại Hy Lạp khiến phố Wall tiếp tục chìm trong sắc đỏ khi bước vào phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số S&P 500 có lúc giảm tới 1,3%. Tuy nhiên, sự khởi sắc của cổ phiếu năng lượng khi giá dầu hồi phục và cổ phiếu công nghệ đã giúp các chỉ số chính của phố Wall hồi phục. Chỉ số S&P 500 hồi phục tới 26 điểm lên sát mức tham chiếu, Dow Jones cũng hãm bớt được đà giảm của mình, Nasdaq thậm chí còn vượt qua được mốc tham chiếu khi đóng cửa phiên.

Ngoài lo ngại về kinh tế toàn cầu, giới đầu tư còn thận trọng khi chưa chắc chắn được liệu FED có thay đổi chính sách tiền tệ trong cuộc họp chính sách vào tuần tới hay không. FED đã duy trì mức lãi suất gần bằng 0 trong 8 năm nay để hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kết thúc phiên 9/12, chỉ số Dow Jones giảm 51,28 điểm (-0,29%), xuống 17.801,20 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,49 điểm (-0,02%), xuống 2.059,82 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 25,77 điểm (+0,54%), lên 4.766,47 điểm.

Giá dầu sụt giảm theo lý thuyết là tốt cho các nền kinh tế, nhưng việc giá dầu Brent giảm tới 40% trong 6 tháng qua lại khiến giới đầu tư lo lắng về suy thoái kinh tế, nhất là với khu vực châu  Âu vốn đang đối mặt với giảm phát.

Cùng với đó, việc Italia bị hạ bậc tín nhiệm nợ và cuộc khủng hoảng chính trị tại Hy Lạp càng khiến giới đầu tư lo lắng và đồng loạt bán tháo mạnh trong phiên thứ Ba, kéo các thị trường chứng khoán châu Âu lao dốc, xuống mức thấp nhất 2 tuần.

Kết thúc phiên 9/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 142,68 điểm (-2,14%), xuống 6.529,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 221,28 điểm (-2,21%), xuống 9.793,71 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 111,54 điểm (-2,55%), xuống 4.263,94 điểm.

Sau chuỗi ngày tăng mạnh nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, chứng khoán Trung Quốc chịu phiên báo tháo ồ ạt và có phiên giảm tồi tệ nhất 5 năm trong phiên thứ Ba khi mất tới hơn 5,4%. Theo chân chứng khoán Trung Quốc đại lục, chứng khoán Hồng Kông cũng giảm tới hơn 2,3% trong phiên này. Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản cũng đảo chiều trở lại khi đồng yên tăng trở lại so với đồng USD từ mức thấp nhất 7 năm. Trong phiên, đồng USD giảm mạnh nhất kể từ tháng 10 so với đồng yên.

Kết thúc phiên 9/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 122,26 điểm (-0,68%), xuống 17.813,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 561,84 điểm (-2,34%), xuống 23.485,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 163,99 điểm (-5,43%), xuống 2.856,27 điểm.

Lình xình suốt phiên giao dịch Á, Âu, nhưng giá vàng tăng vọt khi bước vào phiên giao dịch Mỹ khi đồng USD có phiên giảm mạnh. Ngoài ra, bất ổn chính trị tại Hy Lạp và lo lắng về khả năng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu cũng là những động lực để giá vàng có phiên tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 10 trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 9/12, giá vàng giao ngay tăng 28,2 USD (+2,34%), lên 1.232,40 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 tăng 37,1  USD (+3,10%), lên 1.232 USD/ounce.

Việc đồng USD giảm mạnh trở lại cũng hỗ trợ, giúp giá dầu hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba từ mức thấp nhất 5 năm.

Kết thúc phiên 9/12, giá dầu thô Mỹ tăng 0,77 USD/thùng (+1,22%), lên 63,82 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,65 USD (+0,98%), lên 66,84 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục