Chứng khoán chìm theo giá dầu

(ĐTCK) Giá dầu thô tiếp tục lao dốc trong phiên đầu tuần khiến cổ phiếu năng lượng lao theo, qua đó kéo chứng khoán giảm sâu.
Cổ phiếu năng lượng khiến phố Wall đảo chiều trong phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters Cổ phiếu năng lượng khiến phố Wall đảo chiều trong phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters

Sau phiên tăng nhẹ cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới với nhiều thông tin không mấy tích cực về kinh tế toàn cầu. Dữ liệu mới công bố cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến, trong khi nhập khẩu giảm trong tháng 11. Trước đó, kinh tế Nhật Bản được công bố giảm hơn dự kiến trong quý III.

Trong khi giá dầu đang chịu áp lực giảm, thì những dữ liệu trên khiến giá dầu thô giảm lao mạnh hơn 4% trong phiên đầu tuần mới, xuống mức thấp nhất 5 năm, qua đó khiến cổ phiếu năng lượng niêm yết trên phố Wall cũng đổ đèo.

Chỉ số S&P năng lượng giảm tới 3,9%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2013, qua đó khiến S&P 500 có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10.

Kết thúc phiên 8/12, chỉ số Dow Jones giảm 106,31 điểm (-0,59%), xuống 17.852,48 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,06 điểm (-0,73%), xuống 2.060,31 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 40,06 điểm (-0,84%), xuống 4.740,69 điểm.

Ngoài cổ phiếu năng lượng và dữ liệu kinh tế kém khả quan từ Trung Quốc và Nhật Bản, chứng khoán châu Âu giảm mạnh trở lại sau phiên khởi sắc cuối tuần trước còn do Italia bị hạ định mức tín nhiệm nợ, gây lo âu cho giới đầu tư châu Âu.

Theo đó, Hãng định mức tín nhiệm S&P đã hạ bậc tín nhiệm nợ của Italia từ mức BBB xuống BBB- với lý do là tăng trưởng yếu và khả năng cạnh tranh kém, ảnh hưởng đến tính bền vững nợ công của quốc gia này. Đây là lời nhắc nhở cho giới đầu tư rằng, cuộc khủng hoảng châu Âu vẫn chưa qua hẳn.

Với những thông tin trên, không khó hiểu khi chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm mạnh trên dưới 1% trong phiên mở cửa tuần mới.

Kết thúc phiên 8/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 70,69 điểm (-1,05%), xuống 6.672,15 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 72,13 điểm (-0,72%), xuống 10.014,99 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 44 điểm (-1,00%), xuống 4.375,48 điểm.

Theo dữ liệu vừa công bố, xuất khẩu tháng 11 của Trung Quốc tăng 4,7% so với kỳ vọng 8%, trong khi nhập khẩu giảm 6,7% so với cùng kỳ, so với kỳ vọng tăng 3,9%, một dấu hiệu nữa cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản trong quý III giảm hơn mức công bố ban đầu.

Tuy nhiên, chứng khoán châu Á vẫn duy trì sắc xanh, việc đồng yên yếu và sự lạc quan về kinh tế Mỹ sau dữ liệu việc làm được công bố cuối tuần trước giúp chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng nhẹ đầu tuần, đứng ở mức cao nhất 7 năm rưỡi. Chứng khoán Hồng Kông cũng có mức tăng nhẹ trong phiên mở cửa tuần mới, trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại tăng vọt hơn 2,8%, lần đầu tiên kể từ năm 2011 vượt mức 3.000 điểm. Dữ liệu xuất nhập khẩu yếu kém càng khiến giới đầu tư tin rằng, Chính phủ Trung Quốc sẽ tung ra chương trình kích thích kinh tế, hoặc chí ít cũng sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Kết thúc phiên 8/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 15,19 điểm (+0,09%), lên 17.935,64 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 45,03 điểm (+0,19%), lên 24.047,67 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 82,61 điểm (+2,81%), lên 3.020,26 điểm.

Sau phiên giảm mạnh cuối tuần trước do dữ liệu việc làm khả quan của Mỹ được công bố, giá vàng đã hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần mới và đã lấy lại gần hết những gì đã mất trong phiên cuối tuần.

Dữ liệu kinh tế kém khả quan từ Trung Quốc và Nhật Bản, cùng với lực mua kỹ thuật ngắn hạn đã giúp giá vàng hồi phục. Nhưng đà tăng của giá kim loại quý này vẫn còn gặp trở ngại khi chỉ số đồng USD đang ở mức cao. Đồng bạc xanh đang ở mức cao nhất 7 năm so với đồng yên và 2 năm so với đồng euro. Dù đồng USD giảm nhẹ trở lại do áp lực chốt lời, nhưng với dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ, trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới đang đối mặt với khó khăn, cũng như khả năng các Ngân hàng Trung ương khác tung ra các gói kích thích kinh tế, khả năng đồng USD tăng trở lại là khá cao. Đây chính là áp lực lớn đối với giá vàng.

Kết thúc phiên 8/12, giá vàng giao ngay tăng 11,1 USD (+0,93%), lên 1.204,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 đứng ở mức 1.194,9 USD/ounce.

Như đã phân tích ở trên, giá dầu thô vốn đã rất dễ bị tổn thương, nay lại thêm dữ liệu kinh tế kém khả quan từ Trung Quốc và Nhật Bản, cùng với việc đồng USD ở mức cao đã khiến giá loại năng lượng này lao dốc. Trong phiên đầu tuần mới, cả dầu thô Mỹ và dầu thô Brent đều giảm hơn 4,3%, xuống mức thấp nhất 5 năm.

Theo người đứng đầu công ty dầu khí nhà nước của Kuwait, giá dầu có thể sẽ duy trì khoảng 65 USD/thùng trong 6 - 7 tháng tiếp theo cho đến khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi hoặc thay đổi chính sách OPEC sản xuất của mình.

Kết thúc phiên 8/12, giá dầu thô Mỹ giảm 2,79 USD/thùng (-4,43%), xuống 63,05 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,88 USD (-4,35%), xuống 66,19 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục