Phố Wall bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới, cũng là phiên đầu tiên của tháng 12 với những thông tin không mấy tích cực.
Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ chậm lại trong tháng 11, tháng thứ 3 liên tiếp, với mức chậm nhất kể từ tháng 1, theo Markit. Các báo cáo của ISM cũng cho thấy một tốc độ tăng trưởng chậm chạm, dù mạnh hơn đôi chút so với dự báo.
Trong khi đó, trong ngày mua sắm sau lễ Tạ Ơn hay còn gọi là “Black Friday” của Mỹ năm nay cũng không khả qua khi doanh thu sụt giảm 6,4% so với năm ngoái.
Chính do chịu những thông tin không mấy tích cực này, phố Wall đã có phiên khởi đầu tháng không mấy suôi sẻ. Chỉ số S&P 500 có phiên giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng, tuy nhiên, đà giảm của phố Wall còn mạnh hơn nếu không có sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng, khi giá dầu hồi phục mạnh trở lại sau phiên lao dốc không phanh cuối tuần trước do OPEC không cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên 1/12, chỉ số Dow Jones giảm 51,44 điểm (-0,29%), xuống 17.776,80 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,12 điểm (-0,68%), xuống 2.053,44 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 64,28 điểm (-1,34%), xuống 4.72227,35 điểm.
Không chỉ Mỹ, tăng trưởng sản xuất của châu Âu, thậm chí còn giảm trong tháng 11, trong khi đà tăng trưởng của Trung Quốc cũng chậm lại trong tháng này. Chỉ số PMI tháng 11 của khu vực đồng euro giảm xuống mức 50,1 từ mức 50,6 của tháng 10, thấp hơn mức dự báo là 50,4.
Đây chính là những yếu tố khiến chứng khoán châu Âu cũng có phiên giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12, trong đó, chỉ số DAX tại Đức chấm dứt chuỗi 12 phiên tăng điểm liên tiếp của mình.
Kết thúc phiên 1/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 66,25 điểm (-0,99%), xuống 6.656,37 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 17,34 điểm (-0,17%), xuống 9.963,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 12,85 điểm (-0,29%), xuống 4.377,33 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ sắc xanh hiếm hoi của thị trường chứng khoán Nhật Bản, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Chứng khoán Hồng Kông thậm chí lao mạnh gần 2,6% khi những cuộc biểu tình trở nên bất ổn hơn. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục dù rất nỗ lực, nhưng cũng đã quay đầu giảm điểm do lực chốt lời cuối phiên sau 1 tuần tăng mạnh trước đó nhờ quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương nước này.
Chứng khoán Trung Quốc giảm trở lại còn do thông tin về chỉ số PMI tháng 11 của nước này giảm mức 50,3 trong tháng 11 từ mức 50,8 trong tháng 10.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (2/12), chứng khoán Nhật Bản cũng nối gót các thị trường khác giảm điểm khi Moody’s hạ mức tín nhiệm nợ của Nhật Bản từ mức Aa3 xuống A1 sau khi Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe hoãn kế hoạch tăng thuế.
Kết thúc phiên 1/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 130,25 điểm (+0,75%), lên 17.590,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 620 điểm (-2,58%), xuống 23.367,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 2,68 điểm (-0,10%), xuống 2.680,16 điểm.
Trên thị trường kim loại quý, giới đầu tư vàng đã trải qua những cung bậc cảm xúc trái ngược nhau khi giá kim loại quý này có phiên giao dịch với biên độ dao động lớn nhất trong năm với mức 6%, từ mức 1.151,7 - 1.220,4 USD/ounce.
Ngay sau khi kết quả cuộc thăm dò dân ý ở Thụy Sĩ với gần 80% người dân không đồng ý với việc nâng tỷ lệ dự trữ vàng trong kho dự trữ ngoại hối lên 30%, giá kim loại quý này đã giảm mạnh trong phiên Á, Âu, xuống mức thấp nhất 3 tuần. Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, cùng với sự hồi phục mạnh của giá dầu từ mức thấp nhất gần 5 năm và dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ, châu Âu được công bố, giá vàng cũng dần dần đảo chiều và tăng vọt qua mốc 1.210 USD/ounce, đóng cửa tăng gần 4%, mức cao nhất 5 tuần.
Giá vàng và cả giá dầu được hỗ trợ khi đồng USD giảm mạnh sau dữ liệu kinh tế nghèo nàn được công bố trong ngày.
Kết thúc phiên 1/12, giá vàng giao ngay tăng 44,3 USD (+3,79%), lên 1.212,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 tăng 42,6 USD/ounce (+3,62%), lên 1.218,1 USD/ounce.
Như đã đề cập ở trên, sau phiên lao dốc không phanh, giảm hơn 11%, xuống mức thấp nhất gần 5 năm trong phiên thứ Sáu tuần trước sau khi OPEC giữ nguyên sản lượng, giá dầu thô đã hồi phục mạnh trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới do các lực mua bắt đáy kỹ thuật.
Kết thúc phiên 1/12, giá dầu thô Mỹ tăng 2,85 USD/thùng (+4,13%), lên 69,00 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,39 USD (+3,29%), lên 72,54 USD/thùng.