Phố Wall chìm trong sắc đỏ và càng giảm mạnh hơn về cuối phiên trong phiên đầu tuần, Dow Jones giảm gần 1,8%, S&P 500 giảm hơn 1,6%, trong khi Nasdaq khiêm tốn hơn cũng mất gần 1,2%. Cổ phiếu nguyên liệu và năng lượng là 2 nhóm giảm mạnh nhất trong phiên.
Với phiên giảm mạnh cuối tuần, Dow Jones đã có 1 tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2011, trong S&P 500 cũng có tuần giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 5/2012.
Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall lại tăng mạnh 5%, lên 21,08. Tính chung trong tuần, chí số này tăng tới 78%, mức tăng theo tuần lớn nhất hơn 4 năm.
Về các thông tin kinh tế, dữ liệu sơ bộ về chỉ số niềm tin người tiêu dùng do Reuters Thomson và Đại học Michigan thực hiện trong tháng 12 tăng mạnh lên 93,8 từ mức 88,8 của tháng trước, cao hơn mức dự báo của các nhà kinh tế do Bloomberg thực hiện là 89,5.
Một báo cao khác cho thấy, chỉ số giá bán buôn trong tháng 11 giảm hơn dự báo do sự sụt giảm mạnh của giá năng lượng. Điều này cho thấy áp lực lạm phát và rất thấp, dù nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng mạnh.
Kết thúc phiên 12/12, chỉ số Dow Jones giảm 315,51 điểm (-1,79%), xuống 17.280,83 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 33 điểm (-1,62%), xuống 2.002,33 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 54,57 điểm (-1,16%), xuống 4.653,60 điểm.
Trong tuần, Dow Jones giảm 3,78%, S&P 500 giảm 3,52% và Nasdaq giảm 2,66%.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng có phiên lao dốc, thậm chí mạnh hơn so với phố Wall trong phiên cuối tuần khi giá dầu thô giảm mạnh, ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu năng lượng. Trong khi đó, dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc mới công bố cũng ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu khai mỏ, nguyên liệu của khu vực.
Với phiên giảm mạnh cuối tuần này, chứng khoán châu Âu cũng có tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2011. Ngoài bị ảnh hưởng bởi giá dầu và dữ liệu từ Trung Quốc, chứng khoán châu Âu còn chịu tác động từ những thông tin nội khu vực như cuộc khủng hoảng chính trị ở Hy Lạp, khiến gia tăng lo ngại về công cuộc cải cách để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công của nước này. Trong khi đó, Italia lại bị S&P hạ định mức tín nhiệm nợ, càng làm giới đầu tư không yên tâm, khi nó cho thấy, cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng euro chưa qua.
Kết thúc phiên 12/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 161,07 điểm (-2,49%), xuống 6.300,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 267,80 điểm (-2,72%), xuống 9.594,73 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 116,93 điểm (-2,77%), xuống 4.108,93 điểm.
Trong tuần, FTSE 100 giảm 6,56%, DAX giảm 4,88% và CAC 40 giảm tới 7,03%.
Khác với chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán Nhật Bản lại có phiên tăng khá cuối tuần khi dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ được công bố. Dữ liệu tích cực từ Mỹ cũng giúp đồng USD tăng trở lại so với đồng yên, qua đó giúp các công ty xuất khẩu của Nhật Bản được hưởng lợi và gián tiếp đẩy chứng khoán tăng.
Trong khi đó, giới đầu tư chứng khoán Hồng Kông lại thận trọng khi các dữ liệu tích cực từ Mỹ khiến khả năng FED tăng lãi suất ngày càng trở nên cao hơn. Trong tuần, chỉ số Hang Seng giảm hơn 3%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2014.
Kết thúc phiên 12/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 114,18 điểm (+0,66%), lên 17.371,58 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 63,34 điểm (-0,27%), xuống 23.249,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 12,43 điểm (+0,42%), lên 2.938,17 điểm.
Trong tuần, Nikkei 225 giảm 3,06%, Hang Seng giảm 3,14%, trong khi Shanghai Composite gần như đi ngang khi tăng nhẹ 0,02%.
Dù được hỗ trợ bởi thông tin không tích cực từ kinh tế thế giới, nhưng giá vàng vẫn giảm trong phiên cuối tuần. Giá vàng giảm do áp lực từ giá dầu giảm và đồng USD vẫn đang mạnh. Trong khi đó, tuần giao dịch tới là tuần khá khó đoán khi là tuần giao dịch đầy đủ cuối cùng của năm 2014 và cũng là tuần diễn ra cuộc họp của FED để bàn về chính sách tiền tệ. Vì vậy, không khó hiểu khi giới đầu tư trên thị trường vàng tỏ ra thận trọng.
Kết thúc phiên 12/12, giá vàng giao ngay giảm 5,6 USD (-0,46%), xuống 1.221,80 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 giảm 3,1 USD (-0,25%), xuống 1.222,5 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 2,45%, trong khi giá vàng giao tháng 2/2015 tăng tốt hơn với mức 2,7%.
Theo cuộc khảo sát của Kitco, trong số 36 người tham gia cuộc khảo sát tuần này, có 21 người trả lời. Trong đó, 10 người nhận định giá vàng sẽ tăng trong tuần giao dịch cuối cùng của năm, trong khi 6 người cho rằng, giá vàng sẽ giảm và 5 người dự đoán giá kim loại quý sẽ đi ngang. Tham gia cuộc khảo sát là đại diện các đại lý vàng, ngân hàng đầu tư, nhà đầu tư vàng tương lai và các nhà phân tích kỹ thuật.
Một số nhà đầu tư trên thị trường vàng ngạc nhiên khi giá vàng được giữ khá tốt trước sự yếu kém của giá dầu, kéo hầu hết các thị trường hàng hóa khác và thị trường chứng khoán giảm mạnh.
"Có những yếu tố tác động tiêu cực lên giá vàng như giá dầu yếu, đồng USD mạnh, nhu cầu vàng vật chất không mạnh, thậm chí giảm. Tuy nhiên, giá vàng sẽ khó xuống dưới mức 1.215 USD/ounce", Afshin Nabavi, Trưởng bộ phận Giao dịch của hãng MKS (Thụy Sĩ) SA có trụ sở tại Geneva nhận định và cho rằng, giá vàng có thể đã tìm thấy được sự hỗ trợ trong tuần tới khi những nhà đầu tư lớn chốt sổ trước khi kết thúc năm 2014. Hơn nữa, tuần tới là tuần giao dịch đầy đủ cuối cùng của năm 2014, vì vậy sự thận trọng sẽ được đặt lên hàng đầu. Khi thanh khoản thấp, giá cũng sẽ ít biến động hơn.
Trong khi đó, Kevin Grady, chủ sở hữu Phoenix Futures and Options cho biết, giá vàng đang được nâng đỡ bởi lực mua, chính điều này giúp vàng thoát khỏi vòng xoáy của giá dầu giảm. Mức giá mục tiêu của vàng là 1.239,6 USD/ounce.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư cho rằng, dù giá vàng được giữ khá tốt trước sự sụt giảm của giá dầu, nhưng họ không nhìn thấy đà tăng của vàng trong tuần tới.
Trong khi đó, lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu sau dữ liệu kém khả quan của Trung Quốc được công bố, làm gia tăng lo lắng về dư thừa nguồn cung, khiến giá dầu thô tiếp tục lao dốc trong phiên cuối tuần, xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2009. Giá dầu thô giảm 50% kể từ tháng 6.
Kết thúc phiên 12/12, giá dầu thô Mỹ giảm 2,14 USD/thùng (-3,70%), xuống 57,81 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,83 USD (-2,96%), xuống 61,85 USD/thùng.