Sau phiên tăng mạnh ngày thứ Tư sau khi Chủ tịch FED Janet Yellen cho biết trong cuộc họp báo sau cuộc họp 2 ngày rằng, FED đánh giá cao triển vọng kinh tế của Mỹ, nhưng lo ngại về khả năng kinh tế thế giới, nên sẽ giữ sự “kiên nhẫn” trong quyết định tăng lãi suất.
Thông tin này dường như chỉ được kịp hấp thụ chút ít trong phiên thứ Tư, phần lớn tác động còn lại đã được phản ánh trong phiên thứ Năm.
Trong phiên giao dịch thứ Năm, giá dầu thô lại lao dốc trở lại sau tín hiệu tích cực của phiên trước, tuy nhiên, bất chấp việc này, các chỉ số chính của phố Wall cũng có phiên tăng điểm mạnh thứ 2 liên tiếp với mức tăng hơn 2,4%. Phiên trước, các chỉ số cũng tăng trên dưới 2%, đánh dầu mức tăng trong 2 phiên mạnh nhất kể từ cuối năm 2011.
Về các thông tin kinh tế mới công bố, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ giảm 6.000 người trong tuần trước, xuống mức 289.000 người. Trong khi đó, các dữ liệu khác cho thấy, hoạt động nhà máy ở khu vực giữa Đại Tây Dương đã bị hãm mạnh trong tháng 12, sau khi tăng mạnh trong tháng 11, nhưng sản lượng vẫn ở mức tích cực.
Kết thúc phiên 18/12, chỉ số Dow Jones tăng 421,28 điểm (+2,43%), lên 17.778,15 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 48,34 điểm (+2,40%), lên 2.061,23 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 104,08 điểm (+2,24%), lên 4.748,40 điểm.
Trong khi đó, ngoài dư âm từ quyết định của FED, chứng khoán châu Âu còn nhận được thông tin hỗ trợ tích cực từ nội bộ khối khi lãnh đạo đảng đối lập chính Syriza Alexis Tsipras cho biết, ông muốn có một cuộc đàm phán giảm nợ với Liên minh châu Âu và sẽ giữ Hy Lạp ở lại khối đồng tiền chung euro nếu đảng của ông chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm tới. Theo thăm dò gần đây, đảng này đang dẫn đầu.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế Nga không có chuyển biến xấu hơn cũng giúp giới đầu tư tạm yên lòng và các cổ phiếu của các công ty có làm ăn ở thị trường Nga cũng không bị bán tháo như trước.
Đà hứng khởi lan tỏa ra khắp thị trường, vì vậy, dù giá dầu thô lao dốc trở lại, nhưng cổ phiếu năng lượng vẫn có mức tăng mạnh, góp phần giúp các chỉ số chính của khu vực tăng tới trên dưới 3%.
Kết thúc phiên 18/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 129,52 điểm (+2,04%), lên 6.466,00 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 266,63 điểm (+2,79%), lên 9.811,06 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 137,58 điểm (+3,35%), lên 4.249,49 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng có phiên giao dịch tích cực hôm thứ Năm. Chứng khoán Nhật Bản tăng hơn 2,3%, mức tăng mạnh nhất kể từ 4/11 và lên mức cao nhất 6 tuần rưỡi khi FED quyết định “kiên nhẫn” với việc tăng lãi suất. Chứng khoán Hồng Kông cũng phục hồi mạnh trở lại cũng nhờ hiệu ứng tích cực từ phố Wall trong phiên trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục sau những phiên tăng mạnh đã điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 18/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 390,32 điểm (+2,32%), lên 17.210,05 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 246,37 điểm (+1,09%), lên 22.832,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 3,50 điểm (-0,11%), xuống 3.057,52 điểm.
Việc FED chưa vội tăng lãi suất đã hỗ trợ cho vàng, cũng như các thị trường hàng hóa được định giá bằng đồng USD. Ngoài ra, lo ngại về tình hình kinh tế Nga và thế giới nói chung cũng giúp vai trò trú của kim loại quý được nâng lên. Tuy nhiên, đà tăng của vàng trong phiên thứ Năm bị hãm lại bởi các yếu tố “ngoài thị trường”. Theo đó, việc chứng khoán tăng mạnh đã kích thích nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường này, khiến sự lấp lánh của vàng giảm đi tính hấp dẫn. Ngoài ra, việc đồng USD sau đó hồi phục trở lại cũng cản trở đà tăng của vàng.
Kết thúc phiên 18/12, giá vàng giao ngay tăng 9 USD (+0,76%), lên 1.197,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 tăng 0,3 USD (+0,03%), lên 1.194,8 USD/ounce.
Sau phiên hồi phục ngày thứ Tư, giá dầu thô lại tiếp tục sụt giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 18/12, giá dầu thô Mỹ giảm 2,36 USD/thùng (-4,36%), xuống 54,11 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,91 USD (-3,22%), xuống 59,27 USD/thùng.