Lo ngại kinh tế Nga khủng khoảng, giới đầu tư tìm nơi trú ẩn

(ĐTCK) Việc đồng rup giảm xuống mức đáy mới so với đồng USD, trong khi giá dầu thô tiếp tục bị bán tháo khiến giới đầu tư tìm đến các kênh đầu tư trú ẩn an toàn.
Phố Wall đảo chiều cuối phiên do cổ phiếu tiêu dùng và công nghệ - Ảnh: Reuters Phố Wall đảo chiều cuối phiên do cổ phiếu tiêu dùng và công nghệ - Ảnh: Reuters

Cổ phiếu năng lượng trở lại giúp phố Wall hồi phục và duy trì đà tăng tốt. Phố Wall hồi phục đầu phiên còn do nhà đầu tư đặt cược vào khả năng FED sẽ có chương trình hỗ trợ mới trước bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với tăng trưởng chậm lại, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, đến nửa cuối phiên, nhóm cổ phiếu tiêu dùng và công nghệ bị bán tháo, đã đẩy các chỉ số quay đầu giảm trở lại

Các đại gia công nghệ và tiêu dùng như Microsoft, Apple, PepsiCo đều giảm mạnh. Trong đó, cổ phiếu Apple và PepsiCo bị ảnh hưởng do sụt giảm doanh thu của Nga.

Sau động thái tăng lãi suất cơ bản bất ngờ tới 6,5 điểm phần trăm, lên 17%/năm của Ngân hàng Trung ương Nga, đồng rup của Nga cũng giảm xuống mức kỷ lục so với đồng USD khi giá dầu bị bán tháo mạnh. Việc đồng rup mất giá mạnh khiến Apple quyết định tạm đóng cửa trang bán hàng trực tuyến ở Nga, trong khi doanh thu từ Nga năm 2013 của PepsiCo đóng góp 7,4%, nên những biến động gần đây của kinh tế Nga khiến cổ phiếu này bị giảm mạnh.

Những diễn biến của kinh tế Nga khiến giới đầu tư càng lo lắng về kinh tế toàn cầu, bất chấp nền kinh tế Mỹ vẫn đang có tín hiệu tích cực.

Kết thúc phiên 16/12, chỉ số Dow Jones giảm 111,97 điểm (-0,65%), xuống 17.068,87 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,89 điểm (-0,85%), xuống 1.972,74 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 57,32 điểm (-1,24%), xuống 4.547,83 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại hồi mạnh vào cuối phiên khi giá dầu thô hồi phục nhờ lực cầu bắt đáy, giúp cổ phiếu năng lượng hồi phục mạnh trở lại. Một số nhà đầu tư cho rằng, chứng khoán châu Âu hồi phục khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Nga đã có những động thái mang tính xây dựng có thể làm giảm căng thẳng ở Ukraine. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, nếu đúng như vậy thì các biện pháp mà Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga sẽ giảm bớt và kinh tế Nga sẽ bớt khó khăn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đây chỉ là phiên hồi kỹ thuật sau phiên quá bán trước đó do phản ứng với việc Nga tăng lãi suất mạnh bất ngờ từ Nga.

Kết thúc phiên 16/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 149,11 điểm (+2,41%), lên 6.331,83 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 229,88 điểm (+2,46%), lên 9.563,89 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 87,82 điểm (+2,19%), lên 4.093,20 điểm.

Lo ngại về tình hình kinh tế Nga càng làm tăng lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ yếu, cũng như giá nhiên liệu sụt giảm mạnh, nên giới đầu tư tìm đến một số kênh đầu tư an toàn hơn, như đồng yên Nhật Bản, khiến đồng bạc này tăng mạnh trong phiên thứ Ba, qua đó ảnh hưởng tiêu cực lên TTCK Nhật Bản. Chỉ số Nikkei 225 giảm mạnh hơn 2% trong phiên này, xuống mức thấp nhất 6 tuần rưỡi.

Trong khi đó, bất chấp sự khởi sắc ở TTCK đại lục, chứng khoán Hồng Kông vẫn có phiên giảm điểm khá mạnh trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 16/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 344,08 điểm (-2,01%), xuống 16.755,32 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 357,35 điểm (-1,55%), xuống 22.670,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 68,10 điểm (+2,31%), lên 3.021,52 điểm.

Giá vàng trong phiên thứ Ba đã giao dịch đầy biến động khi có những cú đảo chiều đột ngột. Đang giao dịch lình xình dưới ngưỡng 1.200 USD/ounce trong phiên giao dịch châu Á, giá vàng bất ngờ tăng vọt khi bước vào phiên giao dịch châu Âu, lên 1.217,5 USD/ounce khi những diễn biến từ kinh tế Nga khiến giới đầu tư lo ngại kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Tuy nhiên, cũng giống như lúc đảo chiều tăng, giá kim loại quý này sau đó bất ngờ lao mạnh khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, xuống đến mức thấp nhất trong ngày 1.188,6 USD/ounce trước khi bật trở lại và giằng qua quanh ngưỡng 1.195 USD/ounce trước khi kết thúc phiên có được mức tăng nhẹ.

Giá giảm mạnh trở lại trong phiên giao dịch Mỹ khi giới đầu tư đẩy mạnh bán ra do lo ngại FED sẽ quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp kết thúc vào ngày thứ Tư này.

Trong khi đó, giá vàng giao tương lai vẫn trên đà giảm để đưa mức giá về sát với giá vàng giao ngay.

Kết thúc phiên 16/12, giá vàng giao ngay tăng 1,5 USD (-0,13%), xuống 1.195,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 giảm 13,4  USD (-1,11%), xuống 1.194,3 USD/ounce.

Trên thị trường nhiên liệu, giá dầu thô tiếp tục bị bán tháo mạnh trong phiên thứ Ba. Tuy nhiên, nhờ lực cầu bắt đáy sau đó, đà giảm của loại năng lượng này được hãm bớt, thậm chí giá dầu thô Mỹ còn hồi phục nhẹ trở lại.

Kết thúc phiên 16/12, giá dầu thô Mỹ tăng 0,02 USD/thùng (+0,04%), lên 55,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,2 USD (-2,00%), xuống 59,86 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục