Chứng khoán châu Á năm 2021: Triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp cao, nhưng nỗi lo Covid-19 vẫn lơ lửng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số thị trường chứng khoán châu Á là người thắng lớn nhất trong kỷ nguyên Covid-19 nhờ thành công trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 và được dự báo sẽ tăng cao hơn nữa trong năm 2021.
Chứng khoán châu Á năm 2021: Triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp cao, nhưng nỗi lo Covid-19 vẫn lơ lửng

Chỉ số MSCI Asia Emerging Market đã tăng 63% so với mức thấp nhất trong tháng 3, vượt trội so với hầu hết các thị trường trên thế giới bao gồm cả chứng khoán Mỹ.

Winnie Chwang, Giám đốc danh mục đầu tư của Công ty Quản lý quỹ Matthews Asia cho biết: “Khả năng kiểm soát dịch bệnh của châu Á giúp tăng sự chắc chắn từ góc độ triển vọng lợi nhuận. Dữ liệu kinh tế của các quốc gia ở châu Á, chẳng hạn như Trung Quốc tiếp tục nổi bật với những cơ hội hấp dẫn”.

Chwang là một trong 6 nhà phân tích và quản lý quỹ đã trao đổi với Nikkei Asia về xu hướng thị trường chứng khoán thúc đẩy năm 2020 và những gì sẽ xảy ra vào năm 2021. Cả 6 chiến lược gia đều đặt cược vào các thị trường chứng khoán mới nổi ở châu Á, ngoại trừ Philippines, với kỳ vọng duy trì đà tăng của các thị trường trong năm nay.

Thị trường chứng khoán châu Á đang bước vào năm 2021 với mức tăng cao. Một loạt cổ phiếu niêm yết mới và triển vọng đối với các cổ phiếu chu kỳ đã giúp thúc đẩy giá cổ phiếu châu Á tăng vọt vào năm 2020, cũng như sự gia tăng mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân.

Thuận lợi từ triển vọng tăng trưởng lợi nhuận

Theo dữ liệu từ Refinitiv, tổng cộng 855 công ty đã niêm yết cổ phiếu tại châu Á vào năm 2020, thu về tổng cộng 112 tỷ USD, tăng 69% so với năm 2019. Các công ty Trung Quốc chiếm 82% tổng số niêm yết mới.

Năm 2021 có thể sẽ bận rộn không kém, vì hơn 360 công ty đang xếp hàng để ra mắt thị trường trong năm nay.

Việc các công ty niêm yết mới trong năm 2021 không những đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của nhà đầu tư đối với cổ phiếu châu Á, mà còn giúp thay đổi cấu trúc của các chỉ số cổ phần trong khu vực. Các công ty công nghệ hiện chiếm 44% trong chỉ số MSCI châu Á ngoài Nhật Bản, tăng từ 11% vào đầu thập kỷ. Điều này có thể tạo thêm động lực cho cổ phiếu của khu vực, vì các nhà phân tích cho rằng chỉ số này nên đưa ra mức định giá cao hơn trước.

Chỉ số này đang giao dịch ở mức P/E 15 lần so với mức trung bình 10 năm là 13 lần.

Theo các chiến lược gia, các nhà đầu tư đặt hy vọng cao nhất vào Trung Quốc và Hàn Quốc, tiếp theo là Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan. Điều này dựa trên giả định rằng tăng trưởng kinh tế sẽ ổn định, bảng cân đối kế toán mạnh mẽ sẽ cho phép các công ty vay và đầu tư và áp lực thuế sẽ giảm bớt.

Goldman Sachs kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp của châu Á sẽ tăng 16% trong năm 2021, trong khi Citigroup và Nomura dự đoán sẽ tăng hơn 20% trong trường hợp tốt nhất. Các nhà phân tích của Credit Suisse dự báo, tăng trưởng 19% cho khu vực châu Á, vượt xa mức tăng 15% mà họ mong đợi đối với phần còn lại của thế giới.

Các nhà phân tích của Credit Suisse cũng dự đoán, năm 2021 sẽ bắt đầu một "siêu chu kỳ lợi nhuận mới" trong thập kỷ tới, với việc mở rộng tăng trưởng lợi nhuận hai con số để đảo ngược mức tăng trưởng một con số đáng thất vọng trong 10 năm qua.

Dan Fineman, đồng Trưởng bộ phận chiến lược cổ phần châu Á - Thái Bình Dương tại Credit Suisse cho biết: “Thị trường chứng khoán châu Á chưa bao giờ giảm trong một năm mà tăng trưởng ROE và tăng trưởng EPS tăng nhanh trong 17 năm qua”.

Lựa chọn hàng đầu của Dan Fineman là Hàn Quốc với kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng 43% nhờ sự phục hồi kinh tế đang diễn ra và xuất khẩu tăng vọt lên mức được thấy lần cuối trước khi bắt đầu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Jim McCafferty, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cổ phần khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Nomura ở Hồng Kông cho biết, sẽ có một sự phục hồi lợi nhuận mạnh mẽ vào năm 2021.

“Thành phần chỉ số châu Á hiện tại khá khác biệt với một số công ty đang hướng đến các lĩnh vực tăng trưởng bền vững lớn hơn, chẳng hạn như công nghệ, thương mại điện tử và trò chơi”.

Thách thức từ sự cố triển khai vắc xin vẫn là yếu tố khó lường

McCafferty cũng lập luận rằng: "Khía cạnh quan trọng hơn đối với triển vọng chứng khoán năm 2021 là triển vọng bình thường hóa vào năm 2022".

Tuy nhiên, trong khi các xu hướng rộng cho thấy nhiều lợi nhuận hơn vào năm 2021, các chiến lược gia cũng đang thận trọng sau một năm đầy biến động.

Những rủi ro chính trong năm tới bao gồm sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trong khu vực, kết quả đáng thất vọng do vắc xin hoặc sự chậm trễ trong việc phân phối và quản lý vắc xin. Việc dỡ bỏ các biện pháp kích thích tài khóa đã giữ cho các nền kinh tế phát triển cũng có thể gây tổn hại đến niềm tin của nhà đầu tư.

Dữ liệu từ Goldman Sachs cho thấy, sự gia tăng gần đây về số ca nhiễm Covid-19 ở các nền kinh tế châu Á từ Nhật Bản đến Hồng Kông (Trung Quốc) đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu không khỏi lo lắng, Goldman Sachs đã bán ròng chứng khoán châu Á lần đầu tiên trong gần 11 tuần vào tháng 12.

Vũ Duy Bắc
Theo Nikkei Asia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục