
Mới đây, các nhà chức trách đã bỏ phiếu ủng hộ những thay đổi quan trọng về luật để buộc các thành viên hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm pháp lý trước tất cả các cổ đông. Hiện các nhà hoạch định chính sách đang tập trung vào làn sóng cải cách tiếp theo, bao gồm cải thiện hệ thống bỏ phiếu bầu chọn thành viên hội đồng quản trị và giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu quỹ, tất cả đều nhằm mục tiêu kiểm soát các tập đoàn gia đình (chaebol) của quốc gia này.
Sau khi bán tháo cổ phiếu Hàn Quốc trong 9 tháng liên tiếp tính đến tháng 4, các quỹ đầu tư nước ngoài đang quay trở lại thị trường. Các chiến lược gia tại các ngân hàng đầu tư toàn cầu bao gồm Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Citigroup và Morgan Stanley đã nâng hạng tín nhiệm cho thị trường Hàn Quốc kể từ đầu tháng 6. Chỉ số Kospi đã tăng 33% kể từ đầu năm nay, góp phần đưa giá trị thị trường chứng khoán vượt mốc 2.000 tỷ USD đầu tiên sau ba năm.
"Các cuộc cải cách sẽ góp phần tiếp tục sự chuyển dịch văn hóa đang diễn ra và sẽ làm giảm khả năng các cổ đông nắm quyền kiểm soát buộc phải tái cấu trúc vốn có lợi cho họ bằng cách gây bất lợi cho các cổ đông thiểu số…Chúng tôi vẫn đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu Hàn Quốc rất cao", Jonathan Pines, Giám đốc danh mục đầu tư khu vực châu Á ngoại trừ Nhật Bản của Federated Hermes cho biết.
Các nhà chức trách Hàn Quốc đang tìm cách tái hiện lại sự thành công trong việc thúc đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản, nơi mà việc thúc đẩy cải cách doanh nghiệp đã giúp nâng cao định giá và thúc đẩy đà tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán nước này. Niềm lạc quan về việc Hàn Quốc nghiêm túc giải quyết hiện tượng "chiết khấu Hàn Quốc" đã tăng lên kể từ khi tân Tổng thống Lee Jae Myung đặt việc nâng cao tiêu chuẩn quản trị và cải thiện lợi nhuận thị trường chứng khoán lên hàng đầu.
![]() |
Khối ngoại quay lại mua ròng thị trường chứng khoán Hàn Quốc. |
Dòng vốn mua ròng từ các quỹ đầu tư nước ngoài vào Hàn Quốc đã vượt hơn 3 tỷ USD chỉ riêng trong tháng 7, lớn hơn tổng lượng mua ròng trong hai tháng trước đó.
"Chúng tôi đang chứng kiến một sự thay đổi lớn trong quản trị doanh nghiệp…Điều này không đòi hỏi một môi trường toàn cầu tích cực. Đây là những điều gần giống như một chút tự lực cánh sinh”, Joshua Crabb, người đứng đầu bộ phận cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương tại Robeco Hong Kong cho biết.
Sau khi thảo luận về vòng sửa đổi bộ luật thương mại mới nhất vào đầu tháng này, các nhà lập pháp dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua vào ngày 4/8. Trong vòng bỏ phiếu này, các nhà lập pháp sẽ thúc đẩy việc bắt buộc áp dụng hệ thống bỏ phiếu tích lũy cho các công ty niêm yết nhằm thúc đẩy sự đa dạng trong hội đồng quản trị.
Với hệ thống bỏ phiếu tích luỹ, một cổ đông thường nhận được số phiếu bầu bằng với số cổ phiếu họ nắm giữ nhân với số ghế trong hội đồng quản trị được bầu. Điều này sẽ cho phép các cổ đông thiểu số tập hợp phiếu bầu và bầu ít nhất một thành viên hội đồng quản trị phù hợp với lợi ích của mình, chẳng hạn như ủng hộ việc mua lại cổ phiếu hoặc chia trả cổ tức nhiều hơn.
Một đề xuất khác sẽ được xem xét là giới hạn số lượng thành viên ủy ban kiểm toán mà các cổ đông lớn có thể đề cử.
Cổ phiếu quỹ
Vấn đề về cổ phiếu quỹ đã trở thành một điểm nóng ở Hàn Quốc. Cổ phiếu quỹ có thể được các công ty chuyển nhượng cho các bên thân thiết, chẳng hạn như thành viên gia đình hoặc các công ty liên kết - những người sau đó có thể bỏ phiếu cùng họ để trao thêm quyền lực cho gia đình kiểm soát mà không làm tăng quyền sở hữu thực tế.
Mặc dù không trực tiếp nằm trong chương trình nghị sự của vòng sửa đổi bộ luật doanh nghiệp này, nhưng đề xuất bắt buộc hủy bỏ cổ phiếu quỹ vẫn là trọng tâm chính của Tổng thống Lee Jae Myung khi theo đuổi mục tiêu đầy tham vọng “Kospi 5.000”. Chỉ số Kospi hiện đang gần mức 3.200 điểm.
Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các tập đoàn. Lee Han-joo, trợ lý cấp cao của Tổng thống Lee Jae Myung cho biết việc này nên được thực hiện theo từng giai đoạn "để tránh bất ổn".
Theo một nguồn tin thân cận, các cơ quan chức năng đang thảo luận nhiều phương án khác nhau về vấn đề cổ phiếu quỹ. Các phương án bao gồm việc tạo ra một mô hình tương tự như mô hình của Đức cho đến việc áp dụng một phương pháp nghiêm ngặt hơn, yêu cầu tất cả cổ phiếu quỹ hiện có phải được hủy bỏ trong vòng sáu tháng.
Trong đó, mô hình của Đức yêu cầu các công ty phải bán cổ phiếu quỹ vượt quá 10% vốn điều lệ trong vòng ba năm kể từ ngày mua.
“Nếu chúng ta đặt mục tiêu chỉ số Kospi đạt mốc 5.000 điểm, tôi tin rằng việc hủy bỏ cổ phiếu quỹ là điều cần thiết…Đó là cách lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng lên và ROE cao hơn sẽ thúc đẩy tỷ lệ giá trên sổ sách”.
Trong một cuộc khảo sát gần đây với 300 công ty niêm yết do Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc công bố, khoảng 77% cho biết việc sửa đổi luật thương mại tiếp theo có thể "tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh doanh".
"Những thành quả đột phá phần lớn được thúc đẩy bởi tâm lý, và điều đó đã không còn nữa…Trong tương lai, chúng ta cần ban hành luật tốt hơn để khuyến khích tăng giá trị và bản thân các công ty cần phải thực sự tạo ra những thay đổi", Xin-Yao Ng, Giám đốc đầu tư tại Aberdeen Investments, cho biết.