Chỉ số chính của thị trường chứng khoán Hàn Quốc là Kospi giảm 2,8% trong phiên giao dịch ngày 6/12/2024, còn chỉ số Kosdaq (tập trung vào các doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ) mất hơn 5% giá trị, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Trong khi đó, giá trị đồng Won giảm khoảng 1% so với USD.
Mặc dù các quan chức Seoul nỗ lực ngăn chặn thị trường tránh khỏi khủng hoảng, nhưng những bất ổn về vị trí lãnh đạo đất nước đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý nhà đầu tư. Chỉ số Kospi giảm thêm 2,78% trong phiên giao dịch ngày 9/12, nâng tổng mức giảm lên hơn 5% kể từ khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành lệnh thiết quân luật đêm 3/12/2024.
Sau khi áp đặt thiết quân luật, ông Yoon Suk Yeol đã bị điều tra hình sự và cấm xuất cảnh, trong khi hàng nghìn người tụ tập tại thủ đô để tham gia các cuộc biểu tình yêu cầu ông này từ chức, đồng thời yêu cầu Quốc hội luận tội Tổng thống.
Chủ tịch Đảng Quyền lực Nhân dân Han Dong-hoon cho biết, Thủ tướng Han Duck-soo sẽ tạm thời điều hành quốc gia, trong khi đảng này chuẩn bị kế hoạch “rút lui” cho Tổng thống. Tuy nhiên, các nghị sĩ đối lập chỉ trích động thái này là vi hiến.
Các quan chức kinh tế và tài chính cấp cao họp gần như hàng ngày, song vẫn còn câu hỏi lớn về việc ai đang điều hành Hàn Quốc.
Homin Lee, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại Lombard Odier cho rằng, ngoài viễn cảnh khủng hoảng hiến pháp kéo dài, Hàn Quốc còn phải đối mặt với những bất ổn liên quan đến tính hợp pháp của thỏa thuận mới do đảng cầm quyền đề xuất và khả năng đối phó của Chính phủ trước những thay đổi về chính sách sắp tới của chính quyền Mỹ (khi ông Donal Trump nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 2025 - 2029)”.
Ông Lee Kyoung-Min, chiến lược gia tại Daishin Securities nhận xét: “Khả năng xảy ra kịch bản xấu nhất cho Kospi là khá chắc chắn. Ngay cả với những diễn biến nhỏ, Kospi cũng có thể chao đảo do liên tục trải qua quãng thời gian mệt mỏi, thất vọng. Cùng với đó, tâm lý nhà đầu tư đã bị tổn thương nặng nề đi kèm những vấn đề về cung cầu tích tụ bao lâu nay”.
Theo một tuyên bố chung của các cơ quan tài chính Hàn Quốc, các nhà hành pháp cam kết sẽ huy động mọi biện pháp có thể để giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến động chính trị lên nền kinh tế và theo dõi thị trường tài chính 24/7. Giới cầm quyền dự kiến triển khai quỹ 300 tỷ Won (209 triệu USD) để mua cổ phiếu trong chương trình “Value-Up”, đồng thời tiếp tục sử dụng quỹ 200 tỷ Won đã có.
Ngoài ra, quỹ bình ổn chứng khoán trị giá 10.000 tỷ Won sẵn sàng được sử dụng khi cần thiết. Hiện tại, chưa có nhiều thông tin về việc quỹ bình ổn sẽ được sử dụng như thế nào và vào thời điểm nào.
Lần giải ngân gần nhất của quỹ này là năm 2008. Các cơ quan tài chính có thể sẽ theo dõi tốc độ sụt giảm, đồng thời theo dõi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân, những người đã rút ra hơn 1.000 tỷ Won trong hai phiên giao dịch ngày 5 và 6/12/2024.
Ông Jung In Yun, CEO của Fibonacci Asset Management Global Pte cho rằng, quỹ bình ổn có thể giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư, song chưa đủ để xoa dịu nỗi sợ hãi trên thị trường.
Các chuyên gia tại Goldman Sachs Group Inc. dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Hàn Quốc thấp hơn kỳ vọng chung ở mức 1,8%, bởi rủi ro ngày càng nghiêng về phía tiêu cực.
Về mặt tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự kiến sẽ thực hiện nhiều biện pháp, bao gồm tăng cường thanh khoản ngắn hạn nếu biến động tăng cao.
Đồng Won đã mất giá hơn 2% so với USD khi bất ổn chính trị diễn ra, đồng thời được ghi nhận là đồng tiền châu Á mới nổi duy nhất giảm giá so với đồng bạc xanh.
Áp lực suy yếu của đồng Won được kỳ vọng sẽ giảm bớt nếu Quỹ hưu trí quốc gia Hàn Quốc điều chỉnh lại danh mục đầu tư, tăng tỷ trọng chứng khoán trong nước thay vì tài sản nước ngoài.