Phố Wall có phiên giao dịch đầu tuần ảm đạm khi nhà đầu tư dường như đã muốn nghỉ ngơi sớm, bởi chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày nghỉ lễ Tạ Ơn. Thanh khoản của thị trường trong phiên đầu tuần chỉ 6,18 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 20 ngày 7,2 tỷ cổ phiếu.
Điểm nhấn trong phiên giao dịch đầu tuần trên phố Wall đến từ việc giảm mạnh của 2 cổ phiếu chăm sóc sức khỏe Pfizer và Allergan khi thỏa thuận sáp nhập bị thất bại.
Thông tin kinh tế đáng chú ý được công bố trong phiên đầu tuần là doanh số bán nhà của Mỹ giảm 3,4% trong tháng 10, xuống 5,36 triệu đơn vị, cho thấy sự suy giảm nhẹ trong đà phục hồi của thị trường nhà đất. Tuy nhiên, so với năm trước, doanh số bán nhà tháng 10 của Mỹ vẫn tăng 3,9% so với năm trước và thị trường nhà ở của Mỹ đang được kỳ vọng có năm tăng trưởng tốt nhất trong 8 năm.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp hiện chỉ ở mức 5% cũng cho thấy, thị trường nhà ở của Mỹ cơ bản vẫn sẽ mạnh.
Kết thúc phiên 23/11, chỉ số Dow Jones giảm 31,13 điểm (-0,17%), xuống 17.792,68 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,58 điểm (-0,12%), xuống 2.086,59 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 2,44 điểm (-0,05%), xuống 5.102,48 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng đóng cửa giảm nhẹ trong phiên đầu tuần, nhưng không phải do tác động từ vụ nổ bom tại Nhật Bản, mà chủ yếu là do nội tại của các cổ phiếu niêm yết. Cổ phiếu nhóm khai mỏ giảm khá mạnh do giá kim loại giảm vì tác động của đồng USD tăng mạnh, cũng như nhu cầu của Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất giảm.
Kết thúc phiên 23/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 29,14 điểm (-0,46%), xuống 6.305,49 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 27,52 điểm (-0,25%), xuống 11.092,31 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 21,85 điểm (-0,44%), xuống 4.889,12 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, thông tin đáng chú ý nhất trong phiên đầu tuần không đến từ vấn đề kinh tế, mà chủ yếu là về vấn đề an ninh, chính trị. Theo đó, một vụ nổ đã xảy ra tại ngôi đền Yasukuni vào sáng 23/11, nơi sẽ diễn ra lễ hội “Festival of First Fruits”. Tuy nhiên, do đây là ngày nghỉ giao dịch của chứng khoán Nhật Bản, nên vụ nổ chưa ảnh hưởng tới các thị trường của Nhật Bản.
Trong khi đó, vụ nổ này không hề ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán khác trong khu vực, cũng như châu Âu. Sau phiên tăng khá cuối tuần trước, chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm nhẹ trở lại trong phiên đầu tuần do chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm của chứng khoán đại lục và nhà đầu tư cũng đang trở nên thận trọng trước khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12.
Kết thúc phiên 23/11, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 88,82 điểm (-0,39%), xuống 22.665,9 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 20,18 điểm (-0,56%), xuống 3.610,31 điểm.
Trong khi chứng khoán ảm đạm vì thiếu thông tin tác động, thì vàng tiếp tục có phiên giao dịch đáng thất vọng do chịu sức ép của đồng USD. Trong phiên đầu tuần mới, sau khi hạ nhiệt trong phiên thứ Năm tuần trước, đồng USD đã tăng liên tiếp trở lại trong 2 phiên gần đây là và lên mức cao nhất gần 8 tháng rưỡi trong ngày đầu tuần. Chỉ số USD so với rổ tiền tệ chung chỉ còn cách mức đỉnh 100,33 được xác lập hồi 13/3 không còn xa.
Chính sức mạnh của đồng bạc xanh đã đẩy giá vàng xuống mức sâu hơi, dù có lúc cũng đã cố gắng phục hồi sau vụ nổ bom tại Nhật Bản. Kết thúc phiên đầu tuần, giá vàng mất mốc 1.070 USD/ounce và hiện đang ở mức thấp nhất 5 năm rưỡi.
Kết thúc phiên 23/11, giá vàng giao ngay giảm 8,5 USD (-0,79%), xuống 1.068,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 9,9 USD (-0,92%), xuống 1.066,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 giảm 9,7 USD (-0,90%), xuống 1.066,6 USD/ounce.
Giá dầu thô lúc đầu phiên thứ Hai đã tăng mạnh sau khi Ả Rập Saudi cho biết, đã sẵn sàng ngồi lại với các nhà sản xuất dầu mở khác để tìm cách ổn định giá dầu. Tuy nhiên, sau đó, giá dầu thô nhanh chóng giảm trở lại khi Công ty Báo cáo thị trường Genscape đưa ra dự báo, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng thêm 2,2 triệu thùng trong tuần trước. Còn theo cuộc thăm dò của Reuters với các nhà phân tích, con số này là 1,1 triệu thùng.
Dù là con số nào, nhưng việc kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng trở lại sau khi giảm nhẹ tuần trước cho thấy, khả năng dư cung vẫn còn lớn và cùng với sức mạnh của đồng USD, nó đã khiến giá dầu thô nhanh chóng đảo chiều.
Kết thúc phiên 23/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,15 USD/thùng (-0,36%), xuống 41,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,17 USD (+0,38%), lên 44,83 USD/thùng.