Trung Quốc hạ cánh cứng, cả thế giới sẽ chao đảo

(ĐTCK) Hiện nay, việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã có nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu. 
Trung Quốc hạ cánh cứng, cả thế giới sẽ chao đảo

Tuy nhiên, Một nhóm các chuyên gia tại Oxford Economics vừa hoàn thiện một báo cáo cho thấy vai trò to lớn hơn mọi người nghĩ của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới.

Sau 30 năm tăng trưởng thần tốc, tính tới hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc chiếm 11% GDP toàn cầu và khoảng 10% giao dịch thương mại trên thế giới. Trung Quốc thậm chí còn đóng vai trò lớn hơn khi chiếm tới 11% nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ và từ 40-70% nhu cầu tiêu thụ các loại hàng hóa khác, theo nghiên cứu của Oxford Economics.

Hệ thống tài chính của Trung Quốc cũng khổng lồ khi có cung tiền (money supply) lớn hơn Mỹ và chiếm khoảng 20% cung tiền trên toàn cầu.

Vì vậy, Trung Quốc hắt hơi thì cả thế giới sẽ cảm cúm.

Nhật Bản không chỉ chịu đựng tình trạng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm xuống mà xuất khẩu sang Hàn Quốc và các quốc gia châu Á khác cũng giảm do tất cả đều chịu ảnh hưởng từ việc Trung Quốc giảm tốc.

Trước tiên, đối với thương mại, khối lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm khoảng 4% trong 3 quý đầu năm nay, sau khi tăng trung bình 11% mỗi năm trong giai đoạn 2004-2014. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc khiến giao dịch thương mại hàng hóa toàn cầu giảm 0,4% trong 9 tháng đầu năm 2015.

Những quốc gia chịu tổn thất lớn nhất chính là các đối tác có mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc và những quốc gia có nền kinh tế mở cửa. Phần lớn các nền kinh tế phát triển đều đang chứng kiến cảnh các hoạt động thương mại với Trung Quốc chùng xuống, trong số đó, Đức là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Nghiên cứu của Oxford Economics cũng cho thấy, việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc mang tới tác động gián tiếp làm giảm GDP của các đối thương thương mại của mình thông qua hoạt động ngoại thương toàn cầu. Ví dụ, Nhật Bản không chỉ chịu đựng tình trạng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm xuống mà xuất khẩu sang Hàn Quốc và các quốc gia châu Á khác cũng giảm do tất cả đều chịu ảnh hưởng từ việc Trung Quốc giảm tốc.

Một tác động tiêu cực khác là tới giá cả hàng hóa, nền kinh tế Trung Quốc càng tăng trưởng chậm lại thì giá cả hàng hóa trên thị trường càng giảm mạng, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa có dấu hiệu tăng lên trong những năm gần đây. Đây sẽ là tin xấu đối với các quốc gia xuất khẩu chủ lực như Australia và Brazil.

Bên cạnh đó, một hiệu ứng lan tỏa mà ít người nghĩ tới đó là việc giá dầu sụt giảm khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút sẽ khiến các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ cũng như các quỹ đầu tư của họ có ít tiền hơn để đầu tư vào các tài sản tài chính khác.

Thứ hai, đối với thị trường tài chính,  một mối nguy cơ là việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại tạo nên những “sóng ngầm” trên thị trường tài chính Trung Quốc và có thể lan tỏa ra toàn cầu. Đối với vấn đề này, việc thị trường tài chính Trung Quốc không hoàn toàn “mở cửa” trở thành một yếu tố tích cực bởi nó hạn chế bớt phần nào tác động khi kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng. Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn, điển hình như Hong Kong, Singapore, Mỹ, Nhật Bản… 

Thêm vào đó, lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia trên toàn cầu cũng bị đe dọa nếu tốc độ tăng trưởng tại Trung Quốc tiếp tục hạ xuống. Hiện tại, các công ty nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc khoảng, 1,5 nghìn tỷ USD, vậy nên nếu doanh thu từ thị trường này lao dốc, lợi nhuận toàn cầu cũng sẽ đi xuống.

Lam Phong ( Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục