Do Nhà nước hiện vẫn đang nắm 87% cổ phần tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) nên việc doanh nghiệp này phải đảm bảo năm nào cũng có lãi để chia cổ tức cho Nhà nước là chuyện được quan tâm hàng đầu.
Trên thực tế, yêu cầu “doanh nghiệp làm ăn có lãi, bảo toàn vốn của Nhà nước” khiến cho các công ty đã cổ phần nhưng vẫn còn vốn nhà nước chi phối như Habeco luôn phải đau đáu tính toán, cân đối giữa mục tiêu làm ăn có lợi nhuận và đưa ra các chương trình nhằm giữ thị phần, nâng cao thương hiệu.
Trong ngành bia, cạnh tranh để chiếm thị phần đang ngày càng quyết liệt khi 3 trong số 4 ông lớn trên thị trường đều là các công ty có vốn nước ngoài chi phối hoặc sở hữu 100% là Sabeco, Heineken và Carlsberg. Duy nhất còn Habeco là Nhà nước đang giữ cổ phần chi phối và kế hoạch bán tiếp phần vốn này tuy đã được nhắc tới nhưng chưa chốt được thời gian cụ thể.
Tuy nhiên, Habeco lại đang phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ các thương hiệu bia và đã bị mất thị phần vào tay đối thủ. Đơn cử sản lượng của các nhà máy thuộc Sabeco tại khu vực quanh Hà Nội cũng đã là 400 triệu lít/năm, bằng nửa sản lượng của Habec. Còn nhà máy của Heineken ở Thường tín cũng đã tăng gấp đôi công suất. Lãnh đạo Habeco cũng đặt mục tiêu không mất thêm thị phần vào tay các đối thủ như Sabeco, Heineken.
“Miếng bánh thì vẫn vậy trong khi các đối thủ liên tục mở rộng quy mô. Do vậy, Habeco phải cố gắng, nỗ lực chiến đấu và thay đổi từng ngày để lấy lại thị phần", ông Thanh nói.
Những sản phẩm mới của Habeco trong chiến dịch thay đổi hình ảnh và nhận diện
Trong 2 năm trở lại đây khi có dàn lãnh đạo mới, Habeco đã lột xác rất nhiều trong việc tạo dựng hình ảnh mới về thương hiệu, xây dựng các chính sách và hệ thống bán hàng mới, thay đổi và cho ra mặt hàng loạt sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại, tái cấu trúc hoạt động hay tìm đối tác để thoái vốn tại các công ty thành viên.
Năm 2019, tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm của Habeco đạt 401 triệu lít. Doanh thu đạt 7.562 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 502 tỷ đồng và chia cổ tức 12,6%.
Tuy nhiên bước vào năm 2020, Habeco và các doanh nghiệp bia khác gặp không ít khó khăn bởi tác động kép từ Nghị định 100 và Covid-19. Nhiều nhà hàng, khu du lịch đã phải tạm ngừng hoạt động, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bia giảm mạnh.
Trong 4 tháng đầu năm, các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách chỉ đạt 44-50%. Lợi nhuận trước thuế giảm 93% cùng kỳ, khi chỉ đạt gần 16 tỷ đồng. Nhiều đơn vị sản xuất của Habeco phải ngừng hoạt động, cắt giảm lao động, tiền lương.
Theo ông Ngô Quế Lâm, Tổng giám đốc Habeco, trong tình hình đó, Habeco và các công ty con vẫn phải duy trì lực lượng lao động nòng cốt, thanh toán các khoản phải trả thuế, phải trả nhà cung cấp, trả lương cho người lao động, trả lãi vay ngân hàng.
Sản lượng bán hàng trong tháng 4/2020 giảm sâu, chỉ bằng 15% kế hoạch với 46 triệu lít. Tình hình tháng 5 và tháng 6/2020 đã khả quan hơn với lượng bán đạt 84% và 95% so với cùng kỳ nhưng tính chung 6 tháng mới đạt 50% kế hoạch, khoảng 110 triệu lít.
Dù vậy, sản lượng tiêu thụ tăng trở lại trong 2 tháng qua đã giúp doanh nghiệp này lãi 100 tỷ đồng.
Nói về triển vọng 6 tháng cuối năm, ban lãnh đạo Habeco cho hay, rất chờ trông vào tình hình suôn sẻ như hiện nay trong phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, nếu trời tiếp tục nắng nóng như trong tháng 6 cũng giúp tiêu thụ bia tốt hơn so với có thiên tai bão lũ.
Mục tiêu của năm 2020 cũng giảm so với 2019. Theo đó, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chính khoảng 225 triệu lít, doanh thu bán hàng gần 4.224 tỷ đồng, thấp hơn 45% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận dự kiến cũng giảm xuống 248 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến chia 6%.
“Chúng tôi tiếp tục định hướng vào sản phẩm bình dân và làm tốt công tác tiêu thụ bởi cũng xác định, do ảnh hưởng của Covid nên thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra Habeco sẽ lập các công ty thương mại ở khu vực miền Trung và miền Nam để thâm nhập và củng cố các thị trường này”, ông Thanh nói.