Những tháng đầu năm 2020 được xem là thời điểm khó khăn nhất với Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN) trong nhiều năm trở lại đây.
Đại dịch Covid-19 bùng phát và quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch lây lan khiến người tiêu dùng tránh những hàng quán đông người, lưu lượng khách du lịch cũng giảm mạnh… dẫn tới sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp ngành đồ uống giảm đáng kể, bao gồm cả Habeco.
Báo cáo tài chính riêng của Habeco cho thấy, trong quý I/2020, Tổng công ty đạt 626,4 tỷ đồng doanh thu, giảm 51,5% so với cùng kỳ 2019, dẫn tới lợi nhuận trước thuế đạt 3,65 tỷ đồng, giảm 97,8%, cho dù đã nỗ lực tiết giảm mạnh chi phí.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu quý đầu năm nay của Habeco đạt 773,8 tỷ đồng, giảm 50,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình khó khăn tại nhiều đơn vị thành viên khiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất âm 95,6 tỷ đồng - ghi nhận quý sụt giảm lợi nhuận mạnh nhất của Habeco trong hơn chục năm trở lại đây.
Trong bối cảnh khó khăn đó, Habeco đã chủ động tìm kiếm các giải pháp linh hoạt để thích ứng với tình hình mới.
Cụ thể, về hoạt động kinh doanh, với đặc thù thị trường tiêu thụ bia Việt Nam tập trung tại kênh tiêu dùng tại chỗ (chiếm đến 70% tổng tiêu thụ - theo số liệu của Euromonitor), một mặt, Habeco tiếp tục cho ra mắt thêm nhiều dòng sản phẩm mới như Bia hơi Hà Nội 500 ml, keg 2l; Bia lon Hanoi Bold và Hanoi Light, Bia Hà Nội 1890… có mẫu mã đẹp, chất lượng cao nhằm đáp ứng đa dạng thị hiếu người tiêu dùng.
Mặt khác, Habeco đẩy mạnh kênh phân phối online, vận chuyển trực tiếp tới người tiêu dùng để phù hợp với điều kiện hạn chế tụ tập nơi đông người.
Đáng chú ý, việc cho ra mắt sản phẩm bia dưới dạng đóng lon phù hợp với khách hàng có nhu cầu tiêu dùng tại chỗ như nhà hàng, khách sạn, quán bia…, cũng như với các kênh bán hàng trực tuyến, siêu thị, tiệm tạp hóa…; đẩy mạnh phát triển thương hiệu thông qua những phương thức hiện đại, trẻ trung, gần gũi với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Công tác quản trị chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất cũng được chú trọng, giúp biên lợi nhuận gộp hợp nhất trong quý đầu năm đạt 19,2%, chỉ giảm nhẹ so với mức 21,4% của cùng kỳ năm trước.
Với việc giá các nguyên vật liệu đầu vào như lúa mạch, Malts… trong xu hướng giảm, cùng với đó là định vị lại và phát triển một số dòng sản phẩm trung - cao cấp, tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng chi phí, biên lợi nhuận của Habeco được cho là sẽ sớm tăng trở lại khi sản lượng tiêu thụ được cải thiện.
Báo cáo tài chính của Habeco cũng cho thấy nợ vay tại các đơn vị thành viên duy trì xu hướng giảm trong quý đầu năm 2020, cho dù dòng tiền kinh doanh còn khó khăn do điều kiện thị trường.
Đáng chú ý, trong kỳ, Công ty mẹ Habeco không phát sinh bất cứ khoản vay, cho vay nào, hoạt động kinh doanh hoàn toàn được chủ động bằng nguồn vốn tự có.
Tính đến 31/3/2020, dư nợ vay trên báo cáo hợp nhất đã giảm 74,3 tỷ đồng so với đầu năm; tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn tiếp tục ở mức an toàn là 5,8%; chi phí lãi vay trong kỳ giảm 26,7% so với cùng kỳ 2019, qua đó giảm áp lực lên lợi nhuận.
Dự báo hoạt động kinh doanh còn khó khăn, Habeco đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2020 với sản lượng sản xuất và tiêu thụ 225 triệu lít, doanh thu 4.238,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thế 297 tỷ đồng, giảm tương ứng 43,9% và 50% so với thực hiện năm 2019.
Dẫu vậy, với việc dịch bệnh đang được khống chế tốt tại Việt Nam, các hoạt động kinh tế, du lịch trong nước từng bước quay trở lại bình thường, đặc biệt là sự chủ động trong sản xuất - kinh doanh… sẽ là những yếu tố được kỳ vọng giúp Habeco có thể về đích sớm hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, Habeco cũng định hướng đẩy nhanh công tác thoái vốn tại các công ty thành viên hoạt động kém hiệu quả nhằm bảo toàn và thu hồi vốn đầu tư, để từ đó vừa có thêm nguồn vốn kinh doanh, vừa giúp cơ cấu tổ chức tinh gọn và hiệu quả hơn.