Chờ đợi CPI tháng 1, giới đầu tư hạn chế đặt cược vào cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall giảm điểm trong phiên đầu tuần (7/2), khi kết quả kinh doanh ở một số công ty lớn gây thất vọng và tâm lý chờ đợi dữ liệu CPI tháng 1 đã khiến giới đầu tư hạn chế đặt cược.
Chờ đợi CPI tháng 1, giới đầu tư hạn chế đặt cược vào cổ phiếu

Dịch vụ truyền thông là lĩnh vực hoạt động kém nhất của S&P 500, giảm 2,2% trong bối cảnh cổ phiếu của Meta (Facebook) giảm 5%. Cổ phiếu của gã khổng lồ truyền thông xã hội này đã giảm 28% trong tháng này sau báo cáo kết quả kinh doanh quý cuối cùng năm 2021 đáng thất vọng.

Các cổ phiếu khác như Alphabet, công ty mẹ của Google giảm 2,9%, trong khi Twitter, Match Group đều giảm khoảng 2%.

Cổ phiếu Netflix với triển vọng yếu kém trong tháng 01/2022, đã giảm thêm 2%, sau khi công ty đầu tư Needham cho biết chiến lược hiện tại của Netflix không thể chiến thắng trong cuộc chiến phát trực tuyến.

Ở những nơi khác, cổ phiếu Tyson Foods tăng hơn 12,2% sau khi công bố lợi nhuận vượt kỳ vọng, trong khi cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị y tế Zimmer Biomet sụt 9% sau báo cáo lợi nhuận.

Mùa báo cáo thu nhập tiếp tục với những cái tên sẽ công bố kết quả vào ngày mai như Pfizer, Harley-Davidson, Lyft, Chipotle và Yum China.

Đến nay đã có 56% số công ty trong S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý vừa qua, trong đó có 77% đạt lợi nhuận vượt dự báo và 76% đạt doanh thu vượt dự báo, theo dữ liệu của FactSet.

Ngày thứ Năm tới (10/2), Bộ Lao động Mỹ sẽ thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1. Các nhà kinh tế dự báo tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái là 7,2%, cao nhất kể từ tháng 2/1982.

“Với tâm trạng lo lắng trước báo cáo CPI, nhà đầu tư có thể sẽ tránh những cổ phiếu tăng trưởng”, chuyên gia Chris Hussey của Goldman Sachs nhận định.

Kết thúc phiên 7/2, chỉ số Dow Jones tăng 1,39 điểm (+0,00%), lên 35.091,13 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,66 điểm (-0,37%), xuống 4.483,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 82,34 điểm (-0,58%), xuống 14.015,67 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng trở lại vào thứ Hai, khi cổ phiếu khai thác tăng và báo cáo thu nhập khả quan đã vượt qua nỗi lo về chu kỳ thắt chặt chính sách đang rình rập và căng thẳng địa chính trị.

Chỉ số STOXX 600 của châu Âu nhích 0,81% sau khi mất 0,7% trong tuần trước.

Các công ty khai thác đã dẫn đầu đà phục hồi, tăng 1,2% khi giá nhôm ở Trung Quốc tăng 3%, được củng cố bởi những lo ngại về nguồn cung và kỳ vọng về nhu cầu mạnh mẽ, trong khi giá thép và quặng sắt của Trung Quốc tăng sau khi nhà hoạch định nhà nước kêu gọi xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh hơn.

Cổ phiếu Rio Tinto và Anglo American lần lượt tăng 1,1% và 1,6%.

Ở những nơi khác, cổ phiếu Aurubis AG, nhà sản xuất đồng lớn nhất châu Âu, tăng 4,7% sau khi xác nhận lợi nhuận hàng quý tăng 85%.

Tập đoàn ô tô Pháp Faurecia tăng 3,1% sau khi cho biết đặt mục tiêu đạt doanh số trên 33 tỷ euro (37,72 tỷ USD) vào năm 2025, với tỷ suất lợi nhuận hoạt động hơn 8,5%.

Kết thúc phiên 7/2: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 57,07 điểm (+0,76%) lên 7.573,47 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 107,08 điểm (+0,71%), lên 15.206,64 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 57,87 điểm (+0,83%), lên 7.009,25 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã giảm, khi kết quả kinh doanh đáng thất vọng đã đánh gục một số công ty công nghiệp.

Chứng khoán Trung Quốc tăng vọt, khi các thị trường bắt kịp đà tăng của tuần trước trên thị trường chứng khoán toàn cầu và phục hồi sau đợt bán tháo mạnh được thấy trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Chứng khoán Hồng Kông gần như không đổi, do mức tăng của cổ phiếu năng lượng và tài chính bù đắp cho đà giảm của các gã khổng lồ công nghệ.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, trong bối cảnh các trường hợp nhiễm mới Covid-19 tăng cũng làm suy yếu tâm lý thị trường.

Kết thúc phiên 7/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 191,12 điểm (-0,70%), xuống 27.248,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 68,14 điểm (+2,03%), lên 3.429,58 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 6,26 điểm (+0,02%), lên 24.579,55 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 5,20 điểm (-0,19%), xuống 2.745,06 điểm.

Giá vàng thế giới phiên đầu tuần tăng mạnh khi nỗi lo lạm phát chiếm lĩnh thị trường, với việc Mỹ sẽ thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1, với dự báo báo tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái là 7,2%, cao nhất kể từ tháng 2/1982.

Kết thúc phiên 7/2, giá vàng giao ngay tăng 11,9 USD lên 1.820,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 giảm không đáng kể xuống 1.820,6 USD/ounce.

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên đầu tuần 7/2, chủ yếu do những dấu hiệu về tiến triển trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran.

Bên cạnh đó, chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) - một thước đo cho thấy nhà đầu tư đang mua vào quá mức và thị trường đã trên đà hướng đến một đợt điều chỉnh giá.

Kết thúc phiên 7/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,99 USD (-1,08%), xuống 91,32 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,58 USD (-0,63%), xuống 92,69 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ