Chính danh nghề môi giới

(ĐTCK) Con số hơn 80% giao dịch bất động sản trên thị trường được thực hiện thông qua các nhà môi giới chuyên nghiệp phần nào cho thấy đóng góp và tầm quan trọng của đội ngũ này với thị trường.
Chính danh nghề môi giới

Với gần 2.000 người tham gia, sự kiện Ngày hội Môi giới bất động sản (VARS) diễn ra cuối tuần qua không chỉ đánh dấu mốc 5 năm thành lập Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, mà còn là khoảng thời gian Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi 2014 có hiệu lực. Đây là văn bản pháp lý chính thức đưa môi giới bất động sản thành nghề thực thụ, được bảo hộ và giám sát bởi pháp luật.

Trước đó, dù đã xuất hiện khá lâu, thậm chí trước cả lúc thị trường bất động sản Việt Nam được khai sinh, môi giới bất động sản chưa bao giờ được coi là một nghề thực thụ. Cái hỗn danh “cò đất” có lẽ cũng bắt nguồn từ sự thiếu danh chính ngôn thuận như trên.

Mặc dù vậy, xét ở góc độ nào thì đây cũng là những cầu nối quan trọng trong hoạt động giao dịch địa ốc.

Là người có nhiệm vụ kết nối cung - cầu, một mặt người môi giới giúp cho khách hàng tìm đến những sản phẩm bất động sản phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính. Mặc khác, họ cũng là người định hướng giúp các nhà phát triển bất động sản tạo lập thị trường, ghi nhận phản hồi ý kiến của thị trường, để từ đó góp ý xây dựng sản phẩm phù hợp nhu cầu khách hàng.

Không những vậy, với kinh nghiệm từ thực tiễn, những người môi giới chuyên nghiệp cũng góp phần tham gia phản biện chính sách, góp phần cải thiện những bất cập trong các quy định hiện hành, để từ đó sửa đổi, hướng thị trường sang trạng thái phát triển ổn định và bền vững.

Con số hơn 80% giao dịch bất động sản trên thị trường được thực hiện thông qua các nhà môi giới chuyên nghiệp trong nhiều năm qua phần nào cho thấy đóng góp và tầm quan trọng của đội ngũ này với thị trường.

Tuy nhiên, như đã nói, những người môi giới đã thể hiện được vai trò quan trọng chỉ là những môi giới "chuyên nghiệp" chứ không phải "tay ngang". Theo cùng số lượng những người làm chuyên nghiệp đang không ngừng lớn mạnh, thì thực trạng hiện nay số người "bán chuyên" hoạt động trái pháp luật cũng ngày một nhiều, mà chưa có giải pháp xử lý ổn thỏa.

Thời gian qua, những “tổ sâu” như Địa ốc Alibaba, Angel Lina, Hoàng Kim Land... bị “tróc nã” vì lừa đảo khách hàng mới chỉ là "phần nổi trong tảng băng" của tình trạng "cò đất" bát nháo, gây náo loạn thị trường. Ghi nhận của Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, có rất nhiều dạng môi giới "nửa chìm, nửa nổi", thậm chí cả những “tay to” đứng sau nhiều vụ sốt đất tại nhiều địa phương, tổ chức móc ngoặc với những môi giới làm việc ở các sàn chuyên nghiệp để lừa gạt khách hàng.

Là một trong những môi giới kỳ cựu của ngành bất động sản, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Maxland thừa nhận tư duy “chụp giật”, nâng giá và tranh thủ vẫn còn nặng ở không ít môi giới. Nhiều người vẫn chưa thoát ra được cái bóng của một thời làm môi giới không cần kiến thức, cho dù xu hướng phát triển của thị trường bất động sản hiện nay đã rất khác.

Điều ông Diễn nói về cái lỗi chủ quan của nhiều môi giới là đúng, nhưng còn một mặt nữa. Đó là pháp luật và quy trình quản lý theo hệ thống trong lĩnh vực môi giới, giao dịch bất động sản vẫn còn nhiều bất cập, chắp vá.

Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi 2014 là văn bản pháp lý quan trọng cho việc định danh môi giới là một nghề thực thụ. Tuy nhiên, vấn đề là dù được định danh chính thức, nhưng hiện nay cơ chế giám sát và chế tài xử lý vi phạm của những người hoạt động trong nghề này lại vừa thiếu, vừa yếu.

Đã có rất nhiều đề xuất, kiến nghị khác nhau được đưa ra, nhưng đến nay cơ chế xử lý vẫn theo kiểu "sai đâu, xử đấy, rồi cảnh báo".

Và cảnh báo không được thì… cấm!?

Câu chuyện hàng loạt địa phương như Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc buộc phải ra lệnh cấm, hạn chế chuyển nhượng đất đai trong thời gian vừa qua khi thị trường quá nóng cho thấy, việc thiếu cơ chế và chế tài xử lý khiến việc thúc đẩy hình thành một thị trường ở một địa phương có tiềm năng là khó khăn như thế nào.

Không ngẫu nhiên khi sau một thời gian dài, VARS lại vừa quay trở lại với đề xuất giao dịch qua sàn.

Thực tế, giao dịch qua sàn (Agents) là quy định hầu như bắt buộc tại các nước phát triển. Chính vì quy định giao dịch qua sàn nên việc cấp giấy phép thành lập sàn không dễ dàng. Người được cấp phép phải hội đủ các yếu tố: đã thông qua các khóa học chuyên ngành riêng để mở “sàn”, kinh nghiệm làm việc, số giao dịch trong 3 năm gần nhất và có xác nhận từ các công ty mà người hành nghề môi giới từng hoạt động trước đây.

Ngoài ra, quy định hoạt động của những người môi giới cũng rất ngặt nghèo khi phải trở thành các hội viên của Hiệp hội do Chính phủ thành lập và mọi giao dịch đều phải báo cáo qua Hiệp hội.

Có như vậy mới đảm bảo minh bạch hoạt động của những người môi giới bất động sản và qua đó là của cả thị trường địa ốc.   

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục