Bí kíp để trở thành môi giới thành công

(ĐTCK) Trong lĩnh vực môi giới bất động sản, gần thành công có nghĩa là bạn vẫn đang thất bại. Vậy một người môi giới bất động sản thành công phải như thế nào?

1 Nghề môi giới bất động sản là một trong những nghề có thu nhập cao, nhưng cũng là nghề có mức độ đào thải rất lớn, tới 80 - 90%. Tính ra, cứ 10 người vào nghề thì may ra có 1 - 2 người trụ lại với nghề, còn số người thực sự thành công với nghề còn nhỏ hơn nữa.

Để biết thế nào là một môi giới thành công, có lẽ phải đi từ ngọn ngành của nghề, sau đó là nhiệm vụ mà chúng ta cần làm để đạt được thành công.

Môi giới đầu tiên đại diện cho người bán và bắt đầu bằng việc môi giới một giao dịch thông qua các tiếp thị bất động sản, tìm kiếm người mua. Lẽ dĩ nhiên, môi giới còn làm rất nhiều việc khác, nhưng đây là khái niệm nguyên thủy của người môi giới và nó là căn bản để định hướng với từng người khi bước chân vào nghề này.

Ở Việt Nam, những giai đoạn phát triển đầu tiên, nghề này mang tính tự phát và thường bị hiểu nhầm là "cò", tuy nhiên, theo thời gian, nghề môi giới đã có bước phát triển hơn và đã được pháp luật thừa nhận. Nếu như cò đất là những người sử dụng các mánh khóe để làm ăn, thì những người môi giới nhà đất lại sử dụng kiến thức chuyên môn về bất động sản, tầm nhìn và khả năng đánh giá thị trường để có thể tư vấn tốt nhất cho khách hàng của mình, qua đó mang lại lợi ích cho mình.

Nhìn thì có vẻ dễ dàng, nhưng nghề môi giới lại là nghề được coi là khó khăn nhất, bởi nếu nói vui thì môi giới dường như là "Giáo sư biết tuốt", chỉ làm sao thuyết phục khách hàng và khiến họ tin tưởng rằng mình sẽ là người mang lại lợi ích tốt nhất cho họ. Vài người có năng khiếu hoặc đã có kiến thức nền tảng tốt từ trước có thể nhanh chóng bước chân vào nghề (chưa nói đến thành công hay không), nhưng những người chưa có kiến thức nền tảng, quả thực bước chân vào nghề như đi trên con đường trải dài gai hoa hồng với đủ thử thách.

Kiến thức, đương nhiên phải có. Kỹ năng, lại càng cần. Tầm nhìn, càng phải có. Đạo đức, bắt buộc phải giữ. Và cuối cùng, đương nhiên, phải có thu nhập và thu nhập phải khá, chí ít là để nuôi sống được bản thân.

Chỉ nội đủ các tiêu chí này đã thấy nghề môi giới vất vả như thế nào, nên không quá khó hiểu khi  nhiều nhân viên môi giới thường cảm thấy thất vọng với những việc họ đã lựa chọn. Họ cảm thấy bị vướng bận với quy trình, bí kíp, kiến thức, kỹ năng và thật sự không bao giờ hiểu rằng, vậy thành công với nghề này nằm ở đâu. Tại sao cùng 1 xuất phát điểm, có người vào nghề nhanh nhưng có người lại vào chậm như vậy?

Bí kíp để trở thành môi giới thành công ảnh 1

2 Thực tế, với những năm từng trải với nghề, người viết nhận thấy rằng, nếu nói làm môi giới là dễ thành công nhất cũng đúng, nhưng cũng là nghề khó thành công nhất cũng chẳng sai. Sự khác biệt là ở việc phải nhìn nhận đúng về thành công của nghề và những nhân tố quan trọng về thành công.

Nó không nằm ở sự chỉ bảo của người khác hay bài học của người khác, mà nằm ở chính mỗi môi giới. Chỉ có điều, chúng ta có nhìn nhận ra hay không và có sẵn sàng đi theo con đường đó hay không.

Tất cả những người bán bất động sản thường bỏ qua những điều quan trọng và có ý nghĩa đằng sau WHAT - những gì mà họ làm và HOW - cách mà họ thực hiện nó. Chắc chắn, các nhân viên môi giới thành công trên thị trường nhận thức và hiểu rõ WHY - mục đích họ làm những việc đó so với những nhân viên kinh doanh khác vẫn đang vật lộn trên thị trường.

Khởi nguyên của mọi thành công hay thất bại của cá nhân đều xuất phát từ các tố chất của con người đó. Mỗi lĩnh vực, ngành nghề cần một tố chất khác nhau để phù hợp với yêu cầu công việc. Tố chất ở đây không chỉ là sự thông minh, mà ở một đỉnh cao, thông minh chỉ là một lợi thế có sẵn.

Bí kíp để trở thành môi giới thành công ảnh 2

Đối với các giao dịch bất động sản, khoảng thời gian từ lúc bắt đầu giao dịch đến khi kết thúc thường dài hơn so với các giao dịch mua bán hàng hóa thông thường khác, nên trong quá trình đó luôn tiềm ẩn rủi ro khó lường. Điều đó đòi hỏi nhà môi giới cần phải hết sức kiên trì và tận tâm trong công việc cho đến khi giao dịch kết thúc và đi đến thành công.

Kiên trì và tận tâm trong công việc không chỉ trong một thương vụ, mà cần phải rèn luyện và phát triển trong suốt sự nghiệp của nhà môi giới. Để trở thành nhà môi giới thành công, yếu tố đầu tiên không gì khác chính là niềm đam mê, lòng kiên trì và sự tận tâm. Đây chính là ngọn đuốc dẫn dắt bạn phải làm gì để thành công trong công việc.

Bất kể ngành kinh doanh đó là gì, thì sự am hiểu về thị trường bạn đang tham gia là yếu tố không thể thiếu. Về cơ bản, để có được sự thấu hiểu sâu sắc về thị trường, bạn phải tìm hiểu các thông tin liên quan đến nguồn cung bất động sản, sản phẩm của các công ty tham gia đầu tư, phân khúc sản phẩm đó ứng với mỗi loại khách hàng.

Bằng quan sát và tìm hiểu thông tin thực tế, bạn cũng phải biết nhu cầu thực của người mua tại thời điểm hiện tại và tương lai như thế nào, mặc dù để dự đoán được điều này là rất khó.

Tổng hợp các kiến thức về thị trường bất động sản, về xu thế mua bán, đầu tư, thông tin tài chính, các dự án sẽ hình thành trong tương lai là kiến thức vô cùng quý báu, giúp bạn tư vấn cho khách hàng bán hiệu quả.

Kiến thức sâu sắc về thị trường trong phân khúc bạn tham gia hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc tư vấn cho khách hàng và cũng chính là một ưu thế để bạn tới gần hơn với sự thành công về nghề nghiệp. Kiến thức này bạn cũng có thể tự bổ trợ thêm bằng các kiến thức kinh tế học và marketing.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Môi giới bất động sản Việt Nam/Founder King Broker/Co - Founder batdongsan.vn
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục