Chia sẻ về nghề môi giới bất động sản, một vị giám đốc công ty bất động sản lớn tại TP.HCM cho biết, việc bùng phát quá nhiều doanh nghiệp môi giới, trong khi thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng khiến ngành môi giới hoạt động khá tự phát và bát nháo.
Theo vị giám đốc này, hiện nay, thị trường có hàng trăm nghìn nhân viên môi giới và ai cũng có thể nhận mình là người môi giới bất động sản, từ anh xe ôm, chị bán café, bán nước, các bạn phát tờ rơi…
"Thử hỏi trong số hàng trăm nghìn môi giới bất động sản, có bao nhiêu người có chứng chỉ hành nghề môi giới? Bao nhiêu người đã bị xử phạt theo Điều 38, Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định về người hành nghề môi giới, định giá không có chứng chỉ hành nghề? Cơ quan nào đang quản lý những người hành nghề môi giới bất động sản? Quản lý ra sao? Các biện pháp chế tài là gì? Đó là những câu hỏi chưa có lời giải", vị này nói.
Cũng theo vị này, môi giới bất động sản là một nghề không phải ai cũng làm được. Ở các nước phát triển, để được cấp chứng chỉ hành nghề là cả một quá trình, mất nhiều thời gian và có rất nhiều điều kiện như: Hồ sơ cá nhân trong sạch, tốt nghiệp tối thiểu phổ thông trung học, phải được qua đào tạo môi giới ở các học viện, cơ sở giáo dục do chính phủ, tiểu bang, liên bang cấp phép, phải được học thật, thi thật và cuối cùng là phải tuyên thệ trước khi nhận chứng chỉ hành nghề…
Tại Việt Nam, theo báo cáo hồi tháng 7/2019 của Hội Môi giới bất động sản, hiện có khoảng 90% nhân viên môi giới chưa qua đào tạo, dẫn đến hoạt động môi giới bị thả nổi, chất lượng thấp, thiếu tính chuyên nghiệp.
Mới đây, ngày 21/11, trên một số mặt báo đã đăng tin về “lễ ra quân” cho nhân viên môi giới bán dự án Mipec Rubik360 với thông điệp: Hơn 1.000 “chiến binh” tham dự lễ ra quân dự án Mipec Rubik360.
Việc doanh nghiệp “ra quân” bán dự án là điều hết sức bình thường nhưng điều khiến nhiều người thắc mắc là việc họ gọi những nhân viên môi giới của mình là “chiến binh”.
Trên Bách khoa toàn thư Wikipedia, định nghĩa “chiến binh” là những người có sức khỏe, thành thạo các kỹ năng chiến đấu, võ thuật và tham gia các cuộc chiến đấu (bằng tay không hoặc với vũ khí).
Vậy, những “chiến binh” môi giới bất động sản này sẽ chiến đấu với ai, khách hàng hay nhân viên môi giới của các dự án khác?
Gần đây, thị trường bất động sản khá nóng bởi những chiêu trò lừa đảo xuất phát từ môi giới. Điển hình như việc lãnh đạo Công ty Alibaba bị cơ quan điều tra bắt giam, khởi tố tội lừa đảo.
Theo cơ quan điều tra, công ty này đã lừa tới gần 7.000 khách hàng, với số tiền lên tới hơn 2.500 tỷ đồng. Hay mới đây, lãnh đạo Công ty Hoàng Kim Land cũng bị khởi tố vì bị cáo buộc lừa đảo tương tự như Alibaba.
Để có một môi trường lành mạnh và dần đi vào nề nếp của nghề môi giới địa ốc, còn rất nhiều việc cần thay đổi. Thị trường bất động sản không thể phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp nếu như không có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp quản lý nhằm lập lại trật tự, kỷ cương cho ngành môi giới bất động sản. Hãy trả lại cho những người hành nghề chân chính, chuyên nghiệp sự tôn trọng của cộng đồng.