CEO Harley-Davidson và cuộc gặp gỡ quan trọng tại Nhà Trắng

(ĐTCK) Khi các lãnh đạo của Harley-Davidson phóng dàn mô tô phân khối lớn vào sân Nhà Trắng, họ đã được Tổng thống Trump chào đón với câu khẩu hiệu vui: “Made in America, Harley-Davidson” (Hãy chế tạo tại nước Mỹ, Harley-Davidson).
CEO Matt Levatich và các lãnh đạo của Harley-Davidson phóng dàn mô tô phân khối lớn vào Nhà Trắng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó tổng thống Mike Pence

Mới đây, ông Matt Levatich, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng xe mô tô Mỹ Harley-Davidson đã có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Donald Trump, Phó tổng thống Mike Pence và các quan chức chính phủ tại Nhà Trắng. Nội dung của cuộc gặp gỡ xoay quanh các vấn đề từ cải cách thuế cho đến thương mại.

Khi các lãnh đạo của Harley-Davidson phóng dàn mô tô phân khối lớn vào sân Nhà Trắng, họ đã được Tổng thống Trump chào đón với câu khẩu hiệu vui: “Made in America, Harley-Davidson” (Hãy chế tạo tại nước Mỹ, Harley-Davidson).

Với Tổng thống Donald Trump - người vẫn đang thúc đẩy tiến trình thực hiệm cam kết bảo hộ việc làm cho người lao động Mỹ, cuộc gặp gỡ với lãnh đạo của hãng xe môtô Harley-Davidson là một trong nhiều cuộc gặp gỡ thể hiện cam kết lấy lại công việc cho người lao động Mỹ từ các nhà máy đặt ở nước ngoài.

Trước đó, ông Trump đã gặp gỡ các CEO của các hãng sản xuất truyền thống trong nước như Dow Chemical Co, Whirlpool Corp, Lockheed Martin Corp và US Steel Corp.

“Chúng tôi muốn giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng tạo ra nhiều việc làm và nhiều nhà máy hơn ở Hoa Kỳ và các bạn là một ví dụ tuyệt vời để làm điều đó”, ông Trump nói với CEO Harley-Davidson.

Trong quá khứ, Harley-Davidson từng nhiều lần nhận được sự trợ giúp của Chính phủ Mỹ. Kể từ năm 2000, hãng mô tô này đã được hưởng lợi từ 54,5 triệu USD tiền trợ cấp của địa phương và tiểu bang, cùng với hơn 2 tỷ USD tiền hỗ trợ thanh khoản của liên bang, theo số liệu của Good Jobs First - một tổ chức theo dõi ưu đãi kinh doanh có trụ sở tại Washington.

Phần lớn các khoản trợ cấp này đến từ tiểu bang Missouri, nơi mà công ty đã mở một nhà máy vào năm 1998. Theo Good Jobs First, Missouri đã trao cho Harley khoảng 44 triệu USD, chủ yếu qua hình thức giảm nghĩa vụ thuế thu nhập của Harley tại tiểu bang này, đổi lại công ty phải đáp ứng được việc tuyển dụng và một số mục tiêu khác.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính cuối năm 2008 - đầu năm 2009, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng gián tiếp trợ giúp cho Harley bằng cách trợ quản thị trường thương phiếu.

Lần này, cuộc gặp gỡ với tân Tổng thống Mỹ cũng có ý nghĩa quan trọng với tương lai của hãng mô tô 114 tuổi, do công ty vừa có nhà máy tại Mỹ, vừa lắp ráp và sản xuất xe ở một số nơi khác trên thế giới, trong đó có Ấn Độ.

Chính sách kinh tế mới mà Tổng thống Donald Trump tuyên bố được cho sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất của hãng xe mô tô Mỹ.

Trả lời phỏng vấn trên Fox Business Network, ông Levatich cho biết: “Đó là một cuộc họp quan trọng. Tổng thống và chính quyền đã nói tới những vấn đề quan trọng đối với các nhà sản xuất lớn của Hoa Kỳ như Harley”.

“Họ đã thực sự lắng nghe. Họ muốn lắng nghe những gì chúng tôi muốn nói, bởi có rất nhiều vấn đề phức tạp cần được làm rõ, dù là việc cải cách thuế hay các vấn đề thương mại”, Levatich nói.

CEO Harley-Davidson nhận định, việc thuế doanh nghiệp có thể được cắt giảm tới 20% sẽ cho phép hãng xe mô tô này tái đầu tư kinh doanh. Harley-Davidson cũng sẽ được hưởng lợi từ việc điều chỉnh mã số thuế vốn đang được tranh luận tại quốc hội, mà theo đó, các công ty Mỹ sẽ được miễn thuế trên phần doanh thu xuất khẩu. Tuy nhiên, chính sách này cũng đồng thời ngăn chặn các công ty khấu trừ chi phí hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu.

Mặt khác, hãng sản xuất mô tô có trụ sở tại Milwaukee cho biết, chính sách thuế như vậy có thể tạo ra lợi thế cho công ty trong cuộc cạnh tranh gay gắt với các đối thủ là các nhà sản xuất giá rẻ của Nhật Bản.

“Từ những ngày đầu tiên, Harley đã luôn đầu tư mạnh vào việc sản xuất tại Mỹ và chúng tôi là một đại diện tiêu biểu cho nền sản xuất của quốc gia”, Levatich nói.

Harley-Davidson cũng đang vật lộn tìm hướng để kích cầu tại quê nhà, nơi mà khách hàng cốt lõi của công ty đang ngày càng già đi. Năm ngoái, doanh số bán của Harley-Davidson trên toàn cầu giảm 1,6%. Trong đó, tại thị trường Mỹ, nơi Harley-Davidson chiếm tới hơn 50% thị phần, doanh số bán của thương hiệu này giảm 3,9% xuống còn 161.658 xe bán ra.

Sự sụt giảm của thị trường Mỹ đã góp phần vào sự suy giảm tới 8% của lợi nhuận ròng, xuống 692 triệu USD, dù tổng doanh thu trên toàn cầu của Harley-Davidson năm 2016 vẫn ổn định ở mức 6 tỷ USD.

Levatich cho biết, Harley-Davidson sẽ đầu tư vào một chiến lược dài hạn để “xây dựng thế hệ Harley-Davidson tiếp theo”. Công ty đã tăng doanh số bán hàng với nhóm thanh niên, phụ nữ, người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha.

Trong 5 năm tới, Harley-Davidson có kế hoạch cho ra mắt 50 mẫu xe mới, hứa hẹn sẽ tạo sức ảnh hưởng đáng kể trên thị trường; cùng với đó là mở thêm từ 150 đến 200 đại lý mới trên toàn cầu.

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục