Các ông lớn xe hơi phản ứng thế nào trước Tổng thống Trump?

Dù chưa là những quyết định chính thức nhưng dòng trạng thái giới hạn 140 ký tự trên Twitter của ông Trump cũng khiến các hãng xe không thể ngồi yên.
Vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Donald Trump khiến các hãng xe lớn tại Mỹ phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh? Vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Donald Trump khiến các hãng xe lớn tại Mỹ phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh?
Ngoài lời tuyên chiến với giới truyền thông, các hãng xe cũng nhận những lời đe dọa áp thuế cao, liên quan đến các sản phẩm sản xuất bên ngoài nhưng nhập và bán cho người Mỹ.

CEO tập đoàn Fiat Chrysler đánh giá những gì ông Trump đang thể hiện là chưa có tiền lệ. Các hãng xe nước ngoài như Toyota, BMW, Daimler đều tỏ rõ sự thận trọng và mong muốn có được tiếng nói chung với chính quyền mới của nước Mỹ. Bởi với tầm quan trọng là một trong những thị trường tiêu thụ ôtô lớn nhất thế giới, thành bại khi kinh doanh tại Mỹ ảnh hưởng rất lớn đến vị thế các hãng xe trong ngành công nghiệp ôtô nói chung.

Tại triển lãm lớn đầu tiên trong năm 2017, Detroit, phóng viên Motortrend thực hiện loạt phỏng vấn những người đứng đầu các hãng xe. 

Sergio Marchionne, CEO tập đoàn Fiat Chrysler (FCA)

Các ông lớn xe hơi phản ứng thế nào trước Tổng thống Trump? ảnh 1

Sergio Marchionne, CEO tập đoàn Fiat Chrysler. 

Phản ứng của ông trước lời đe dọa của ông Trump áp thuế cao ôtô sản xuất tại Mexico và xuất sang Mỹ?

Chúng tôi sẽ chấp thuận điều đó khi các đạo luật thay đổi. Nếu ngài tổng thống quyết định thiết lập mức thuế nhập khẩu như đã nói, chúng tôi buộc phải chấp thuận. FCA đã không phải thay đổi điều gì khi Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) vẫn còn hiệu lực. Nhưng bây giờ chúng tôi có thể phải chấp thuận thay đổi. 

Chính ông Trump ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của FCA?

Đó không phải là động thái rào trước của FCA trước quyết định của ông Trump. Nó đơn giản là phần mở rộng những gì đã được lên kế hoạch trước đó.

Chúng tôi chưa nói chuyện với ông Trump và cố vấn của ông ấy. Nhưng nếu thuế quan mới được thiết lập, bất kỳ sản xuất nào của FCA ở Mexico xuất sang Mỹ sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế. Chúng tôi buộc phải rút lui. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra.

Thực tế, ngành công nghiệp Mexico đến nay đã có nhiều năm là đối tác với thị trường ôtô Mỹ. Nhưng nếu giữa hai bên không còn dấu gạch nối, duy trì sản xuất ở Mexico là việc làm mạo hiểm của FCA.

FCA có e ngại về tác động tương tự đối với hoạt động sản xuất tại Canada?

Những gì tôi được biết có vẻ như "dòng trạng thái Trump" trên Twitter không đề cập đến Canada. Hy vọng là không có điều đó. Việc kinh doanh liên quan đến hai vấn đề thuế, phí kết hợp. Nếu chúng tôi không thu hồi được chi phí sản xuất xe, điều đó quả là thảm họa. Tôi muốn đề cập đến nhà máy Windsor, Ontario (Canada), nơi mẫu minivan Chrysler Pacifica được sản xuất.

Bill Ford, chủ tịch Ford

Các ông lớn xe hơi phản ứng thế nào trước Tổng thống Trump? ảnh 2

Bill Ford, chủ tịch Ford. 

Bill Ford đã có cuộc nói chuyện với tổng thống Trump, một tỷ phú với một tỷ phú. Chính ông Ford đã gọi điện cho vị tổng thống mới của Mỹ để thông báo về việc hủy kế hoạch đầu tư nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD tại Mexico. Quyết định đưa ra không lâu sau dòng trạng thái của ông Trump nhắm vào hãng xe Mỹ.

Ông đã nói chuyện với ngài tổng thống?

Tôi đã nói chuyện với ông Trump một tuần trước khi đưa ra quyết định hủy kế hoạch đầu tư nhà máy tại Mexico. Ông ấy là người dễ gần, dễ tiếp chuyện. Tôi thấy vui về điều đó.

Có phải ông Trump buộc chính sách điều hành của Ford phải thay đổi nơi sản xuất xe theo ý ông ấy muốn?

Không. Chúng tôi là người đưa ra quyết định. Đó là một quyết định kinh doanh đúng đắn. Chúng tôi sẽ luôn đưa ra các quyết sách đúng cho Ford. Điều quan trọng là chúng tôi đã thông báo cho ông ấy biết. Chúng tôi hiểu các chính sách của ông Trump và biết rằng nó sẽ đi về đâu.

Sản xuất ở Canada có bị ảnh hưởng không?

Canada là nơi tốt cho sản xuất của chúng tôi. Tôi không nghĩ điều đó sẽ thay đổi.

Ông đã nói gì khi tiếp chuyện với ngài tổng thống?

Chúng tôi đã thảo luận về nhiều thứ: chính sách thương mại, biến động tiền tệ, chính sách thuế, những điều ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của Ford. Ông Trump là người hiểu biết và tôn trọng ý kiến người khác.

Một vài dấu hiệu tích cực ban đầu, đặc biệt là chính sách thuế khiến chúng tôi thấy hứng khởi. Mức thuế thu nhập đối với doanh nghiệp được hạ thấp là điều mọi công ty tại Mỹ mong muốn. Ông Trump cho thấy sẵn sàng chấp thuận với viễn cảnh ấy.

Mark Reuss, Phó chủ tịch điều hành General Motors (GM)

Các ông lớn xe hơi phản ứng thế nào trước Tổng thống Trump? ảnh 3

 Mark Reuss, phó chủ tịch điều hành GM.

ấn đề với riêng GM là mẫu hatchback Cruze sản xuất tại Mexico có thể chịu thuế nhập khẩu cao khi nhập vào thị trường Mỹ.

GM có kế hoạch gì trước động thái của ông Trump?

CEO Mary Barra đã nhận lời đề nghị của ngài tổng thống tham gia vào hội nghị bàn tròn cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác. Chúng tôi mong muốn là đối tác tốt với chính quyền mới của nước Mỹ. NAFTA hay những điều luật khác đã được thiết lập trong nhiều năm qua. Các ngành công nghiệp trên thế giới đều phải tuân theo những điều luật như thế. Các hãng xe cũng không ngoại lệ.

Với chính quyền mới, ông thấy điều đó mang đến thuận lợi hay khó khăn trực tiếp đối với các hãng xe?

Rõ ràng ông ấy là con người với đầu óc kinh doanh. Tôi nghĩ ông ấy hiểu và mong muốn mang ích lợi trở lại cho cổ đông, các nhà tuyển dụng Mỹ. Tạo ra những sản phẩm tốt và làm điều đó một cách thành công. Tôi tin rằng ông ấy hiểu tất cả những điều đó. Đó là tín hiệu tích cực chứ không phải điều gì xấu cả.

Jim Lentz, CEO Toyota Bắc Mỹ

Các ông lớn xe hơi phản ứng thế nào trước Tổng thống Trump? ảnh 4

Jim Lentz, CEO Toyota Bắc Mỹ. 

Toyota là hãng xe nước ngoài đầu tiên nhận cảnh báo về mẫu Corolla sản xuất tại nhà máy Guanajuato, Mexico.

Hoạt động của Toyota trong thời gian tới sẽ như thế nào dưới thời tổng thống Trump?

Chúng tôi đang phản ứng lại với bộ phận truyền thông của ông ấy, không nhất thiết là với ông Trump. Tôi không nghĩ mọi người đều phản đối các dự định của ông ấy như tạo việc làm nhiều hơn, nâng cao thu nhập cho người dân, kinh tế phát triển hơn. Tất cả chúng ta sẽ được lợi từ những điều đó, đặc biệt là ngành công nghiệp ôtô.

Người dân sẽ có nhiều tiền hơn để sắm ôtô, giá xăng có thể duy trì mức rẻ như hiện nay. Điều đó giúp chúng tôi duy trì doanh số hơn 17 triệu xe tiêu thụ mỗi năm tại Mỹ. Những gì chúng tôi đang cố gắng giải quyết là đối mặt với nhà tại Mexico bị "cô lập". Trong 60 năm qua, chúng tôi đã đầu tư 22 tỷ USD tại Mỹ. Và trong 5 năm tới cũng tại đây, chúng tôi sẽ đầu tư thêm 10 tỷ USD.

Ông có e ngại về việc ông Trump áp thuế nhập khẩu xe nhưng trừ Canada?

Nếu ông ấy có ý định áp thuế các sản phẩm làm bên ngoài, thì sẽ là tất cả chứ không ngoại lệ với Canada. Ông ấy sẽ không thể chọn cái này, bỏ cái kia.

Nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không còn, áp lực có thể nảy sinh giữa các hãng xe Nhật với nước Mỹ?

Đã có nhiều thỏa thuận được thực hiện giữa các quốc gia. Ví dụ New Zealand và Australia đều trở thành thành viên của TPP. Chúng tôi đã có những thỏa thuận thương mại với hai quốc gia này. Toyota sản xuất Highlander tại Mỹ và xuất khẩu cho hai thị trường đó. Thật dễ dàng khi chúng ta có những thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác. Không phải vì TPP không còn mà Toyota không thể xuất khẩu xe. Mà là dễ dàng hơn nếu có TPP.

Điều gì xảy ra khi Toyota sản xuất Corolla trên đất Mỹ?

Chúng tôi tính toán rằng chi phí có thể tăng 1.000 USD cho mỗi xe sản xuất tại Mỹ. Hãy hình dung rằng chi phí ấy áp dụng cho những mẫu xe phổ thông. Và thật khó để chuyển chi phí gia tăng ấy sang cho người tiêu dùng. Chúng tôi có thể phải điều chỉnh lượng xe theo hướng bù trừ, điều chỉnh lượng sản xuất tổng của Toyota. 

Tôi e ngại những hậu quả không lường trước như tăng trưởng toàn ngành giảm sút, sản xuất xe bị cắt giảm, việc làm cũng giảm theo. Điều đó tạo hiệu ứng ngược đối với những gì chúng tôi đang làm. Và rõ ràng là không vui chút nào.

Trong số các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng khi thuế nhập khẩu mới được áp dụng, ngành ôtô ở mức như thế nào?

Ngành bán lẻ có thể sẽ bị tổn thương khá nhiều. Nhưng xét theo tỷ lệ phần trăm, ngành công nghiệp ôtô bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngành năng lượng khó khăn hơn. Hàng không vũ trụ được lợi nhất.

Ian Robertson, thành viên hội đồng quản trị BMW AG

Các ông lớn xe hơi phản ứng thế nào trước Tổng thống Trump? ảnh 5

Ian Robertson, thành viên hội đồng quản trị BMW AG. 

Ông nghĩ sẽ có những thuận lợi hay khó khăn gì trước những tác động về mặt thương mại từ chính quyền Donald Trump?

Tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để nói đến những gì sắp xảy ra, nhưng chúng tôi được khuyến khích bởi những gì chúng tôi thấy. Kinh tế đang đi đúng hướng. Tôi nghĩ điều đó tốt cho thị trường ôtô trong năm nay. Nói chung, chúng tôi đang cảm thấy khá ổn.

Nơi sản xuất lớn nhất của chúng tôi tại Spartanburg, nam California đang nhận khoản đầu tư một tỷ USD. Công suất từ 400.000 xe đến 450.000 xe, SUV X7 mới cung cấp cho toàn cầu sẽ được sản xuất tại đây. Và chúng tôi sẽ xuất khẩu xe với giá trị khoảng 10 tỷ USD mỗi năm từ Mỹ. Đó là lượng xuất khẩu lớn hơn bất kỳ nhà sản xuất nào khác tại đất nước này.

Chúng tôi đã đầu tư tổng cộng 7,5 tỷ USD cho nhà máy ở Spartanburg và cần 8.000 nhân công trực tiếp. Đây là ngôi nhà thứ hai của chúng tôi, không có khoản đầu tư ở bất cứ quốc gia nào khác nhiều hơn tại Mỹ.

Ông có e ngại về mảng xe điện sẽ không còn chú trọng khi Mỹ có chính quyền mới?

Tôi nghĩ mảng xe điện sẽ trở thành một phần trong danh mục đầu tư mà chúng tôi đang hướng đến. Tôi muốn đề cập đến con số 100.000 xe đã bán cho đến trước thời điểm hiện tại. Bạn biết rằng năm nay BMW đang có kế hoạch bán 100.000 xe điện. Nhưng kế hoạch đặt ra là hơn 2 triệu chiếc, nên con số kể trên là tương đối nhỏ.

Dieter Zetsche, CEO tập đoàn Daimler

Các ông lớn xe hơi phản ứng thế nào trước Tổng thống Trump? ảnh 6

Dieter Zetsche, CEO Daimler. 

Daimler có phải thay đổi hành động hay kế hoạch nào không?

Chúng tôi tin rằng chúng tôi có những kế hoạch hợp lý để tiến về phía trước. Chúng tôi đã hợp tác tốt với chính quyền cũ. Do đó không có vấn đề gì khi chính quyền mới lên thay. Chính trị tạo lập nên bộ khung cho các hoạt động kinh tế, các công ty phải điều chỉnh nếu điều đó là cần thiết.

Có một chủ nghĩa dân túy mạnh mẽ chống lại toàn cầu hóa. Vấn đề xảy đến với ngành công nghiệp ôtô như thế nào, và phải làm gì để giải quyết nó?

Đó là một vấn đề lớn. Lịch sử luôn luôn biến chuyển và tôi hy vọng có một tương lai tốt đẹp.

Johan De Nysschen, chủ tịch Cadillac

Các ông lớn xe hơi phản ứng thế nào trước Tổng thống Trump? ảnh 7

Johan De Nysschen, chủ tịch Cadillac.

Nếu ông Trump có lời phát biểu trên Twitter nhắm vào công ty ông, Cadillac sẽ có kế hoạch gì? Ông có lo sợ về lời đe dọa kiểu đó?

Không. Tôi không hề e ngại về những lời phát ngôn của ông Trump trên Twitter. Không cần thiết phải chú ý đến điều đó. Rõ ràng là chưa có gì chắc chắn về các chính sách của chính quyền mới. Việc của chúng tôi là chờ đợi và quan sát. Thẳng thắn mà nói, chúng tôi mong muốn hợp tác với chính quyền của ông Trump để tạo nên một ngành công nghiệp ôtô Mỹ mạnh mẽ, mang tính cạnh tranh toàn cầu. Và chúng tôi muốn giúp định hình các chính sách và thực hiện nó.

Với hiểu biết sau nhiều lần tiếp xúc với ông Trump, ông có ngạc nhiên về những lời nói hay hành động của vị tổng thống mới của Mỹ?

Không. Nếu bạn gặp ai đó trong môi trường kinh doanh và nói chuyện kinh doanh, bạn không bao giờ cần biểu lộ rõ khuynh hướng chính trị nhưng vụn vặt. Tôi đoán bản thân mình cũng theo dõi cuộc bầu cử diễn ra với sự quan tâm như những công dân Mỹ khác.

Hakan Samuelsson, CEO hãng xe Volvo

Các ông lớn xe hơi phản ứng thế nào trước Tổng thống Trump? ảnh 8

Hakan Samuelsson, CEO phân mảng xe du lịch của Volvo. 

Điều gì có thể tác động đến Volvo khi ông Trump bắt đầu công việc mới ở cương vị tổng thống?

Chúng ta hãy xem nhưng gì đang diễn ra. Volvo có một vị thế khác so với Ford hay Toyota. Chúng tôi không có cơ sở sản xuất nào ở Mexico. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Volvo, chúng tôi đầu tư ở Mỹ, tức nhà máy ở nam Carolina. Và nhà máy sẽ sử dụng 50% lượng cung cho thị trường Mỹ, phần còn lại cho xuất khẩu. Chúng tôi đang xuất khẩu ôtô từ Mỹ, tạo nên công ăn việc làm ở đây.

Một số xe của Volvo buộc phải sản xuất ở Thụy Điển. Chúng tôi không thể sản xuất xe ở mọi quốc gia, chi phí là rất đắt đỏ. Mùa hè sang năm, những chiếc sedan S60 sẽ bắt đầu đi vào sản xuất tại Mỹ để xuất khẩu sang châu Á và châu Âu.


vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục