Khi được công bố là ứng cử viên chính thức của đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ, tỷ phú này đã tuyên bố: "Chủ nghĩa quốc gia, chứ không phải toàn cầu hóa, sẽ là cương lĩnh của chúng tôi" và "Chúng ta (nước Mỹ) sẽ không bao giờ ký các hiệp định thương mại không có lợi". Trong các phát biểu trước đó, Trump cũng từng đổ lỗi chính toàn cầu hóa đã "xóa sạch tầng lớp trung lưu của Mỹ".
Trên CNBC, David Roche - Chủ tịch kiêm chiến lược gia toàn cầu tại Independent Strategy hôm qua nhận định Trump làm Tổng thống sẽ là rủi ro thực sự cho các thị trường.
"Ông ta có thể đảo ngược toàn cầu hóa - quá trình đang đóng vai trò nền tảng cho lợi nhuận của các thị trường tài chính. Do nó tác động trực tiếp đến hoạt động của chứng khoán", ông cho biết, "Tức là khi đó, thay vì mua hàng từ các thương hiệu toàn cầu, anh sẽ chỉ mua được hàng trong nước thôi". Roche cũng nhận định các sự kiện chính trị đang ngày càng ảnh hưởng lớn đến biến động trên thị trường tài chính.
Dù vậy, Peter Oppenheimer - chiến lược gia cổ phiếu toàn cầu tại Goldman Sachs cho biết về phương diện hỗ trợ thị trường chứng khoán, cả ông Trump và bà Clinton đều sẽ có một số tác động có lợi.
"Càng gần đến ngày bầu cử, thị trường càng biến động mạnh. Nhưng vẫn có yếu tố hỗ trợ tiềm năng là cả hai người đều có xu hướng tăng chi tiêu tài khóa", ông cho biết.
Trong một bài nói chuyện hồi tháng 6, Trump đã kết tội Trung Quốc thực hiện "các vụ ăn cắp bản quyền trí tuệ nghiêm trọng". Ông cũng chỉ trích nước này thao túng tiền tệ và bán phá giá hàng hóa.
Tỷ phú cho rằng bà Hillary Clinton là người "sùng bái chủ nghĩa toàn cầu hơn chủ nghĩa quốc gia" và rằng ủng hộ các hiệp định thương mại như TTIP (Hiệp định Thương mại Tự do Xuyên Đại Tây Dương) sẽ là dấu chấm hết cho hoạt động sản xuất tại Mỹ.
Roche tin chắc các quan điểm cô lập như vậy cho thấy Trump muốn chấm dứt vai trò cảnh sát toàn cầu của Mỹ. "Tôi cho rằng rủi ro từ Trump là nếu đắc cử, ông ta sẽ có quyền lực đảo ngược hệ thống an ninh mà Mỹ đang duy trì cho cả thế giới".