Cảnh báo ứng dụng mạo danh Bộ Công an

0:00 / 0:00
0:00

Bộ Công an vừa phát hiện được một phần mềm gián điệp có tên gọi là “Bộ Công an” do các đối tượng xấu sử dụng, để đe doạ và yêu cầu người sử dụng phải cài đặt trên điện thoại dùng hệ điều hành Android.

App giả mạo Bộ Công an trên điện thoại hệ điều hành Android. App giả mạo Bộ Công an trên điện thoại hệ điều hành Android.

Mới đây, Bộ Công an vừa phát hiện được một phần mềm gián điệp có tên gọi là “Bộ Công an” và có hình biểu tượng Công an hiện do các đối tượng xấu sử dụng, để đe doạ và yêu cầu người sử dụng phải cài đặt trên điện thoại dùng hệ điều hành Android.

Điều nguy hiểm là khi nạn nhân thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng này, thì điện thoại sẽ bị chiếm quyền điều khiển, tất cả các thông tin trong quá trình sử dụng điện thoại đều bị thu thập và bị sử dụng vào các mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người sử dụng.

Vậy, người sử dụng nên làm gì khi thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng mạo danh Bộ Công an này?

Thực tế, theo tìm hiểu, đã có khá nhiều người bị gọi điện thoại đe doạ, hoặc được yêu cầu chuyển tiền, nhận tiền và cài đặt ứng dụng có tên là Bộ Công an.

Một người dùng nam cho biết: "Tôi cũng từng nhận được cuộc gọi người ta xưng danh là cơ quan điều tra tội phạm yêu cầu tôi phải chuyển tiền tiết kiệm và đề nghị tôi cài ứng dụng có tên là Bộ Công an."

Một người dùng khác cũng cho biết: "Tôi đã từng nhận cuộc gọi xưng danh là cơ quan công an, yêu cầu tôi phải khai báo hết số tiền mà mình gửi tiết kiệm. Tôi trả lời là không có tiền gửi tiết kiệm, thì sau một hồi đe dọa đủ kiểu, thì chúng bảo tôi cần phải cảnh giác, bảo vệ thông tin cá nhân của mình và đề nghị tôi cài ứng dụng cái app gì đấy của Bộ Công an."

Bộ Công an cho biết, khi cài đặt ứng dụng giả mạo này, người sử dụng sẽ bị chiếm quyền điều khiển trên điện thoại. Điều này có nghĩa là tội phạm mạng có thể lấy các thông tin, dữ liệu trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android của người dùng.

Nếu người sử dụng truy cập vào các trang web quan trọng của ngân hàng, hay truy cập vào thư điện tử cá nhân,… thì tội phạm mạng có thể lấy được cả tên tài khoản, mật khẩu, thậm chí còn nhận được mã OTP dùng một lần (từ tin nhắn sms trên điện thoại đó).

Chính vì vậy, đã có nhiều người sau khi bị theo dõi vì cài đặt ứng dụng giả mạo này đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Điều đáng nói là người sử dụng khi bị gọi điện thoại đe doạ còn được nhìn thấy phòng làm việc với rất nhiều người mặc quân phục giống như của công an.

Đó chính là lý do khá nhiều người đã bị lừa cài đặt ứng dụng này trong thời gian gần đây, như nhận định của ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ BKAV gốc rễ vẫn là mạo danh cơ quan chức năng, để đánh lừa người dùng, để xem hình ảnh.

Chúng bố trí một phòng tương tự như phòng của cơ quan chức năng hoặc có những người mặc đồng phục ngồi xung quanh, để tạo niềm tin cho người dùng đấy là cơ quan chức năng đang liên hệ.

"Bản chất đấy chính là một phần mềm gián điệp - phần mềm theo dõi điện thoại của người dùng. Khi mà cài đặt rồi, thì ứng dụng này sẽ theo dõi toàn bộ tất cả những thông tin trên điện thoại của người dùng, mà người dùng không hề hay biết. Ứng dụng là Bộ Công an, nhưng thực ra công an không có ứng dụng đấy, thế thì gỡ đi hết"- ông Tuấn Anh nói.

Như vậy, sau khi gỡ, người sử dụng cần thay đổi ngay mật khẩu các tài khoản cá nhân như tài khoản ngân hàng, tài khoản thư điện tử,…

Bên cạnh đó, người sử dụng nên cài đặt các phần mềm an ninh của các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo mật uy tín, để giúp tự động rà quét, phát hiện và đưa ra các cảnh báo về sự nguy hiểm nếu như các ứng dụng chuẩn bị cài đặt có thể nghe lén, đọc tin nhắn,… trên thiết bị của người sử dụng.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục