Cần thiết phải xây dựng một cơ chế bán buôn tín dụng cho tài chính vi mô

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù tài chính vi mô ở Việt Nam ra đời và phát triển từ hơn 3 thập kỷ, tuy nhiên bán buôn tín dụng từ đó giúp các tổ chức tài chính vi mô mở rộng nguồn vốn để cho vay vẫn là một vấn đề khá mới mẻ.
Cần thiết phải xây dựng một cơ chế bán buôn tín dụng cho tài chính vi mô

Tại Hội thảo “Kinh nghiệm xây dựng khuôn khổ chính sách nhằm phát triển và vận hành cơ chế bán buôn tín dụng cho các tổ chức tài chính vi mô do Viện Chiến lược Ngân hàng tổ chức, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nhóm công tác tài chính vi mô chia sẻ, tại các ngân hàng thương mại, với khoản vay 10 tỷ đồng chỉ có 1 khách hàng nhưng ở tài chính vi mô là hàng trăm thậm chí lên hàng nghìn khách.

Lý do khiến những người làm tài chính vi mô phải quản lý danh mục khách hàng lớn được bà Mai cho biết, những khoản vay của tài chính vi mô rất nhỏ, chỉ trị giá 1 triệu và nhiều nhất cũng chỉ đến 20 - 30 triệu đồng, nhưng cũng rất ít món vay có giá trị lớn như vậy. Có nhiều nguyên nhân và một trong những nguyên nhân đó là các tài chính vi mô không có đủ nguồn lực để cho vay.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, tổ chức tài chính vi mô ra đời và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Các tổ chức này có chức năng hỗ trợ cho đối tượng người cận nghèo, giúp họ phát triển và trở thành khách hàng tương lai của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các tổ chức tài chính vi mô hoạt động ở một phạm vi giới hạn, tệp khách hàng giới hạn vì vậy gặp khó khăn trong việc mở rộng thu hút nguồn vốn để cho vay.

TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng phát biểu tại Hội thảo.

TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng phát biểu tại Hội thảo.

Về thị trường tài chính vi mô và nhu cầu vốn, bà Mai cho biết, về quy mô của các tài chính vi mô chính thức bao gồm 4 tổ chức, 62 chi nhánh hoạt động tại 25 tỉnh, thành phố. Nguồn vốn chủ yếu từ tiền gửi khách hàng, vốn chủ sở hữu, vốn vay, tài trợ rất ít. Trong khi đó, khách hàng liên tục tăng (dù có giảm nhẹ sau Covid-19) với gần 700.000 khách hàng, bên cạnh đó, các chỉ số như PAR30, OSS, ROA, ROE khá tốt…

Đối với hoạt động của các chương trình, dự án tài chính vi mô, có 69 chương trình, dự án tài chính vi mô: 3 NGO nước ngoài, 2 NGO trong nước chủ yếu tiếp nhận vốn tài trợ và tiền gửi tiết kiệm bắt buộc. Khách hàng của nhóm này cũng liên tục tăng với PAR30, OSS, ROA, ROE khá tốt…

Đánh giá về thị trường tài chính vi mô, bà Mai nhận định: “Tiềm năng phát triển chính thức và lâu dài là lớn với nhu cầu về nguồn vốn lớn”.

Theo đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Hồng Yến, Trưởng bộ môn, Học viện Ngân hàng cho biết, mặc dù tài chính vi mô ở Việt Nam ra đời và phát triển từ hơn 3 thập kỷ, tuy nhiên bán buôn tín dụng từ đó giúp các tổ chức tài chính vi mô mở rộng nguồn vốn để cho vay vẫn là một vấn đề khá mới mẻ. Trong khi đó, các ví dụ điển hình của Quỹ bán buôn tín dụng có thể kể đến Afghanistan, Bangladesh, Bosnia, Pakistan, Trung Quốc… với 5 bài học kinh nghiệm, đó là: việc lựa chọn mô hình phù hợp; việc khơi thông nguồn vốn cho tài chính vi mô; khuyến khích sự phát triển thị trường tài chính vi mô tăng số lượng tổ chức tài chính vi mô đủ điều kiện: về điều kiện vận hành cơ chế bán buôn tín dụng một cách hiệu quả; về cơ chế chính sách và khuôn khổ pháp lý.

“Kinh nghiệm quốc tế gợi mở nhiều khả năng áp dụng mô hình này tại Việt Nam để thúc đẩy tiếp cận vốn trong tài chính vi mô và góp phần tăng cường năng lực của các tổ chức tài chính vi mô. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới mẻ chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên những quy định pháp lý cần phải được rà soát, nghiên cứu thận trọng”, bà Yến nói.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra, thực tế tại Việt Nam, cơ chế cho vay bán buôn tài chính vi mô đã manh nha có và được thực hiện bởi Quỹ Hỗ trợ tín dụng trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Quỹ hỗ trợ tín dụng ra đời từ dự án tín dụng Việt - Bỉ. Đồng thời, đề xuất ba mô hình/cơ chế bán buôn tín dụng tài chính vi mô. Cụ thể, phương án một là thành lập Quỹ đầu tư tài chính vi mô thuộc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam nhằm thực hiện chức năng bán buôn tín dụng cho các tổ chức tài chính vi mô.

Phương án hai là hình thành và phát triển chức năng bán buôn tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, trong đó lựa chọn thí điểm trước tiên tại Agribank. Phương án ba là cho phép các ngân hàng thương mại được cho vay hợp vốn với các tổ chức tài chính vi mô.

Trao đổi tại Hội thảo, các ý kiến đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một cơ chế bán buôn tín dụng, tuy nhiên, để cơ chế này có thể được hình thành và vận hành cần phải có sự tham gia chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ, NHNN và các Bộ ngành có liên quan. Trước tiên là mang tính chính sách và lâu dài hướng theo sự phát triển của thị trường và cơ chế thương mại hoá thì mới có thể duy trì hoạt động của cơ chế bán buôn lâu dài.

Ông Vũ Quốc Bình, Phó chủ tịch Quỹ VietGiving-Chương trình tài chính vi mô VietED chia sẻ, các tổ chức tài chính vi mô giúp người dân thoát nghèo nhưng họ vẫn chưa đạt chuẩn khi vay của ngân hàng nên các tổ chức tài chính vi mô tiếp tục đóng vai trò là bệ đỡ. Do đó, cần nhiều hơn sự hỗ trợ để các tổ chức tài chính vi mô được thực hiện sứ mệnh của mình.

“Đã 'bập' vào tài chính vi mô là 'nghiện', bởi mong muốn cháy bỏng, thôi thúc giúp người dân thoát nghèo”, bà Mai nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục