Hơn nữa, công nghệ tài chính (Fintech) đang tăng tốc, với việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp phép cho hơn 40 công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.
Do đó, thật đáng ngạc nhiên khi các tổ chức tài chính vi mô không có được động lực phát triển tương tự. Hiện tại, chưa đầy 1% dân số là khách hàng của các tổ chức tài chính vi mô và kể cả với mặt bằng thấp này, tốc độ tăng trưởng vẫn chậm. Nhìn sang những nước láng giềng, lĩnh vực tài chính vi mô đang phát triển mạnh mẽ. Ví dụ, tại Philippines và Campuchia, mỗi nước có số khách hàng tài chính vi mô nhiều gấp 3 lần và dư nợ cho vay tài chính vi mô nhiều gấp 4 lần so với Việt Nam.
Để thu hẹp khoảng cách này, các tổ chức tài chính vi mô Việt Nam cần phải mở rộng đối tượng khách hàng. Hiện nay, các tổ chức này mới phục vụ khoảng 1,3% lượng khách hàng của ngân hàng.
Thực tế, từ năm 2017 đến năm 2019, mặc dù dư nợ cho vay tài chính tăng nhanh, nhưng số lượng khách hàng lĩnh vực này chỉ tăng trung bình 2%/năm và chủ yếu tập trung tại 2 tổ chức tài chính vi mô lớn nhất. Sự “lệch pha” này cho thấy đà tăng trưởng được thúc đẩy bởi việc cung cấp cho khách hàng hiện hữu các khoản vay lớn hơn, chứ không phải do gia tăng số lượng khách hàng. Cho những khách hàng đáng tin cậy vay thêm là tốt, nhưng sẽ không cải thiện được mức độ bao trùm tài chính - một trong những mục tiêu chính của tài chính vi mô.
Ông Donald Lambert, Chuyên gia cấp cao Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về phát triển khu vực tư nhân |
Việt Nam đặt ra mục tiêu mở rộng tín dụng vi mô tới 70% dân số trưởng thành và để đạt được mục tiêu đó, 7 tổ chức tài chính vi mô hàng đầu sẽ cần tăng lượng khách hàng của họ lên 9% mỗi năm trong 5 năm tới, thay vì chỉ 2%/năm như thời gian qua. Mở rộng hơn, để thu hẹp khoảng cách với các nước láng giềng, không chỉ các tổ chức tài chính vi mô hiện hữu cần mở rộng tệp khách hàng nhanh hơn, mà thị trường tài chính vi mô Việt Nam còn phải thu hút thêm những tổ chức mới.
Phải khẳng định là công nghệ tài chính sẽ có khả năng vươn tới các nhóm khách hàng chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng, các ngân hàng cũng ngày càng mở rộng dịch vụ cho những khách hàng có thu nhập thấp và hoàn toàn chính xác khi nói tài chính tiêu dùng đang là một trong những phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường tài chính Việt Nam, trong đó có vai trò quan trọng của tài chính vi mô, cho dù mức độ thâm nhập còn hạn chế.
Các tổ chức tài chính vi mô không chỉ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thống, mà cả các mạng lưới chuyên môn và giáo dục. Các tổ chức này thường sẵn sàng làm việc ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi các nhà cung cấp khác không mấy mặn mà và tài chính vi mô đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ khi nhiều ý kiến cho rằng, đây là nguồn vốn vay tốt nhất để bắt đầu kinh doanh.
Không khó để thấy, sự tăng trưởng chậm chạp của các tổ chức tài chính vi mô là hệ quả của định hướng phát triển lĩnh vực này. Mặc dù Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, song hầu hết các tổ chức tài chính vi mô có xu hướng hoạt động như các tổ chức phi chính phủ.
Các tổ chức phi chính phủ đã khai sinh ra phong trào tài chính vi mô, nhưng khi hoạt động này đủ lớn mạnh, nhiều tổ chức tài chính vi mô bên ngoài Việt Nam nhận ra rằng, họ có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn bằng định hướng thương mại. Định hướng này có thể khiến khách hàng phải trả lãi suất cao hơn, nhưng bù lại, sẽ có nhiều khách hàng được phục vụ tốt hơn, vì các tổ chức tài chính vi mô định hướng thương mại có thể thu hút tốt các nguồn vốn cũng như nhân sự giỏi phục vụ cho mục đích tăng trưởng.
Để các tổ chức tài chính vi mô phát triển và mở rộng cơ sở khách hàng, cần có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế pháp lý, bắt đầu từ quyền sở hữu. Quy định hiện tại đòi hỏi cổ đông lớn nhất của một tổ chức tài chính vi mô phải là một tổ chức chính trị hoặc tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, các tổ chức này thường có nhiều hạn chế về năng lực tài chính, sự nhạy bén trong kinh doanh… nên hiệu quả hoạt động không cao.
Những hạn chế về sở hữu còn cản trở thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính vi mô. Lâu nay, các tổ chức tài chính vi mô nước ngoài không được phép hoạt động tại Việt Nam, mà chỉ các ngân hàng ngoại được phép cấp tín dụng vi mô, nhưng đây lại là những ngân hàng có truyền thống tránh đầu tư vào các tổ chức tài chính vi mô trong nước, chưa kể tỷ lệ góp vốn của họ nếu có cũng không được lớn hơn tỷ lệ nắm giữ của các tổ chức chính trị hoặc tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức tài chính vi mô đó.
Bên cạnh đó, cũng cần thay đổi cách thức hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô. Hiện nay, theo quy định, các khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô được giới hạn ở mức tối đa 50 triệu đồng (tương đương khoảng 2.200 USD)/khách hàng nên sẽ khó thu hút khách hàng mới cũng như giữ chân khách hàng cũ, bởi nếu có nhu cầu vay nhiều hơn cũng không được.
Ngoài ra, những quy định nghiêm ngặt cũng ngăn cản các tổ chức tài chính vi mô phát triển hệ thống mạng lưới, làm giảm hiệu quả hoạt động và sức hút đối với các nhà cung cấp vốn.
Trên thế giới, hầu như không bên cho vay nào cấp vốn cho một tổ chức tài chính vi mô chưa được cấp phép. Để giải quyết vấn đề này, nhiều quốc gia áp dụng khung cấp phép đa mức, trong đó mức rộng nhất có thể cho phép tổ chức tài chính vi mô nhận tiền gửi, còn mức hẹp hơn thì phạm vi hoạt động nhỏ hơn và tất nhiên đòi hỏi tuân thủ ít quy định hơn.
Còn ở Việt Nam, chỉ có một loại giấy phép và trong số hơn 180 tổ chức tài chính vi mô hiện hữu, chỉ 4 tổ chức đạt được giấy phép này. Có ý kiến cho rằng, các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam bị kìm hãm vì họ không thể tiếp cận nguồn tài chính, nhưng tôi không cho là như vậy.
Mặc dù có khả năng Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hoặc một tổ chức tài chính nhà nước khác được giao nhiệm vụ cấp vốn cho các tổ chức tài chính vi mô, nhưng việc cho phép mở rộng quyền sở hữu và hoạt động sẽ giúp ích nhiều hơn trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng của các tổ chức này.
Nói cách khác, khi cơ chế “mở” hơn, các tổ chức tài chính vi mô sẽ có cơ hội tiếp cận được các khoản vay bán buôn từ cả ngân hàng nước ngoài lẫn trong nước. Ở một số thị trường, các tổ chức tài chính vi mô thậm chí có thể phát hành trái phiếu.
Tất nhiên, việc mở cơ chế không có nghĩa là tất cả các tổ chức tài chính vi mô phải từ bỏ định hướng phi chính phủ của họ, nhưng sự cấp thiết của việc mở rộng khả năng tiếp cận tài chính đòi hỏi các mô hình hoạt động thương mại và phi chính phủ phải cùng tồn tại.
Theo kinh nghiệm quốc tế, một quốc gia có thu nhập trung bình thấp không nên có số lượng tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép nhiều hơn 10 lần các tổ chức tài chính vi mô được cấp phép. Do đó, Việt Nam cần sớm thay đổi cơ chế pháp lý để thúc đẩy tài chính vi mô phát triển, từ đó đạt được mục tiêu bảo đảm mọi người đều được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế.
Độc giả quan tâm có thể tải ấn phẩm của ADB’/’ADB publications.