Ngân hàng Chính sách xã hội là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020, ông Ketut Kusuma, Điều phối viên quốc gia về lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Tôi rất ấn tượng với những thành tựu Ngân hàng Chính sách xã hội đã đạt được, đặc biệt là thành tựu trong những năm gần đây”.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho Ngân hàng Chính sách xã hội Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho Ngân hàng Chính sách xã hội

Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay gần 10 tỷ USD

Số liệu được ông Ketut Kusuma dẫn, đó là đến thời điểm 30/11/2020, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay gần 6,5 triệu hộ gia đình với dư nợ gần 10 tỷ USD thông qua mạng lưới toàn quốc bao gồm 63 chi nhánh tỉnh, 625 phòng giao dịch huyện, 10.426 điểm giao dịch ở cấp xã và gần 173.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Thông qua mạng lưới này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiếp cận khoảng 92% tổng số hộ vay và chiếm tới 87% giá trị tổng các khoản cho vay trong thị trường tài chính vi mô Việt Nam (MIX 2018).

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Ngân hàng Chính sách Xã hội phát biểu tại hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Ngân hàng Chính sách Xã hội phát biểu tại hội nghị.

“Mô hình tín dụng dành cho phát triển hay tín dụng chính sách với sự hỗ trợ của Chính phủ là mô hình đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên số mô hình thành công và bền vững cho đến nay không nhiều, trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, hiện đang là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam và là một trong những ngân hàng cung cấp tài chính vi mô lớn nhất châu Á”, ông Ketut Kusuma, nhận định.

Hơn thế, ông Ketut Kusuma cho biết, từ năm 2018, trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ khung tài chính toàn diện tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã thực hiện Báo cáo đánh giá về Ngân hàng Chính sách xã hội, mục đích là đánh giá hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu trong chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020 và đề xuất các giải pháp để tham khảo cho chiến lược giai đoạn tiếp theo của Ngân hàng Chính sách xã hội.

“Kết quả cho thấy Ngân hàng Chính sách xã hội đã cơ bản đạt được những mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển giai đoạn từ 2011 đến 2020 là đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ và thực sự đã hướng tới một môi trường đa dạng sản phẩm hơn.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã có một bộ sản phẩm tín dụng với hơn 20 chương trình tín dụng cho các loại nhu cầu vay khác nhau, được cung cấp ở mức lãi suất ưu đãi hoặc lãi suất gần với thị trường. Tín dụng là sản phẩm chính của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng tiết kiệm đang tăng dần từ mức thấp đến mức đáng kể”, ông Ketut Kusuma nói.

Vẫn còn khó khăn, tồn tại và vướng mắc

Bên cạnh những thành quả đạt được, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch Ngân hàng Chính sách xã hội nhận định, việc thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020 còn một số khó khăn, tồn tại và vướng mắc.

Thứ nhất, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Thứ hai, cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự phù hợp với yêu cầu thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội có thời hạn cho vay dài và để cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển bền vững.

Thứ ba, nguồn vốn để cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội mới được ban hành chưa được bố trí kịp thời hoặc bố trí nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Thứ tư, chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều, tại một số địa phương tỷ lệ nợ quá hạn còn cao, nhất là các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; một số chương trình tín dụng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thứ năm, tại một số nơi, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức với hoạt động tín dụng chính sách chưa được gắn kết; một số hộ nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thể thoát nghèo bền vững.

Thứ sáu, với sự gia tăng khối lượng giao dịch và phát sinh yêu cầu nghiệp vụ mới, hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng đã bộc lộ một số hạn chế, chỉ đáp ứng hoạt động nghiệp vụ trong phạm vi nội bộ, chưa cung cấp dịch vụ ra ngoài cho khách hàng. Nếu triển khai ngân hàng số, các dịch vụ trực tuyến... cần phải đầu tư, nâng cấp hệ thống nhằm tăng tính sẵn sàng của dịch vụ, đồng thời, đảm bảo an toàn, bảo mật, tuân thủ đầy đủ các quy định.

Tiếp tục hiện đại hóa mô hình hoạt động

Nhìn về tương lai, ông Ketut Kusuma gợi ý một trong những điểm quan trọng Ngân hàng Chính sách xã hội về cơ bản có thể tiếp tục hiện đại hóa mô hình hoạt động, cải tiến các sản phẩm theo hướng tự động hóa.

Ví dụ: có thể xem xét đầu tư phát triển thanh toán điện tử, thanh toán kỹ thuật số và các dịch vụ khác mà Ngân hàng Chính sách xã hội có thể cung cấp để phục vụ toàn diện hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

“Tôi nghĩ rằng điều này cực kỳ quan trọng đối với tương lai của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát huy khả năng và tiềm năng phục vụ ngày càng nhiều đối tượng yếu thế hơn, tập trung vào những phân khúc mà các ngân hàng thương mại bỏ qua ví dụ như cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại cho các khách hàng ở vùng sâu, vùng xa.

Việc này giúp Ngân hàng Chính sách xã hội có thể tận dụng được thế mạnh về mạng lưới và độ bao phủ khách hàng, giữ vững xu hướng tỷ lệ nhận cấp bù từ Chính phủ trên tổng dư nợ ngày càng giảm nhưng có khả năng phục vụ số lượng khách hàng ngày càng tăng, tiến tới bền vững về tài chính”, ông Ketut Kusuma nói.

Thống đốc NHNN Việt Nam trao tặng Bằng khen cho các cán bộ
Thống đốc NHNN Việt Nam trao tặng Bằng khen cho các cán bộ

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, qua việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ đã tập trung được nguồn lực lớn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội là cốt lõi trong thực hiện thắng lợi của Chiến lược phát triển. Ngoài nguồn vốn chủ yếu là do Ngân sách Trung ương cấp, đã động viên được nguồn vốn Ngân sách địa phương tham gia với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”.

Thứ hai, quá trình xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển phải bám sát vào các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Thứ ba, kiên trì thực hiện xã hội hóa và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị về thực hiện tín dụng chính sách xã hội là nhân tố quyết định đến thành công của thực hiện Chiến lược phát triển.

Thứ tư, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tích cực cụ thể hóa các nội dung Chiến lược phát triển và có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các nội dung Chiến lược phát triển. Đồng thời chủ động phối kết hợp với Bộ, Ban, ngành liên quan để nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển cũng như biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thứ năm, tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo mục tiêu quy định của Chính phủ; triển khai thực hiện sâu sắc hơn theo mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn tín dụng xã hội đặc thù phù hợp với thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị Việt Nam; nâng cao chất lượng cách thức hoạt động nghiệp vụ giao dịch xã để thực hiện công khai, minh bạch và có sự giám sát của chính quyền cơ sở, của cộng đồng, qua đó tiết giảm được chi phí cho người dân, đưa tín dụng chính sách xã hội gần dân, tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Ông Ketut Kusuma nói: “Ngân hàng Thế giới đánh giá cao mô hình Ngân hàng Chính sách xã hội và sẽ công khai đăng Báo cáo đánh giá trên trang website của Ngân hàng Thế giới nhằm thúc đẩy việc chia sẻ và trao đổi kiến thức với các tổ chức tài chính Nhà nước trên toàn cầu. Là nhà cung cấp tài chính vi mô hàng đầu tại Việt Nam, hành trình phát triển của Ngân hàng Chính sách xã hội mang lại những kinh nghiệm và bài học quý giá cho các Chính phủ các nước khác”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục