Thông tin tại Hội thảo “Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức cho thấy, làn sóng dịch vụ tài chính số đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nhóm công tác Tài chính vi mô Việt Nam cho biết, sự xuất hiện của các FinTech với khả năng giúp hoàn thiện các sản phẩm tài chính hiện có, cũng như phát triển các kênh phân phối mới, sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho các sản phẩm và dịch vụ tài chính minh bạch.
Cùng với đó là giá cả phải chăng, chất lượng cao và dễ dàng tiếp cận cho phụ nữ, từ đó tăng quyền tự chủ tài chính, hỗ trợ sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động và cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, bà Mai cho rằng, hoạt động tài chính vi mô áp dụng giải pháp công nghệ đem lại nhiều lợi ích cho phụ nữ như cung cấp sự riêng tư, bảo mật và giúp họ kiểm soát tài chính tốt hơn; tạo cơ hội tiết kiệm chính thức, giảm hoặc loại bỏ chi phí cao liên quan đến tiết kiệm không chính thức; cải thiện khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với hệ thống tín dụng chính thức; giảm thời gian đi lại để tiếp cận với ngân hàng hoặc thanh toán các chi phí tiện ích; hỗ trợ quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh và sản xuất…
Dẫu vậy, thực tiễn cho thấy, các tổ chức tài chính vi mô chưa ứng dụng FinTech vào hoạt động tài chính vi mô, đặc biệt là trong các hoạt động hướng tới phụ nữ, một phần do các tổ chức này đang tập trung đầu tư, đổi mới hệ thống công nghệ thông tin, trong khi nguồn lực còn hạn chế.
“Phần lớn các tổ chức tài chính vi mô, đặc biệt là các tổ chức nhỏ hoặc mới thành lập, vẫn còn nhiều hạn chế về tiềm lực tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực để có thể triển khai kế hoạch, chiến lược hợp tác với các công ty FinTech nhằm mở rộng cơ sở khách hàng, phát triển sản phẩm - dịch vụ và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng nữ”, bà Mai chia sẻ.
Về phía cơ quan quản lý, NHNN được đánh giá đã rất nỗ lực và đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập một hệ sinh thái và khuôn khổ pháp lý phù hợp, tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vi mô từng bước hội nhập vào hệ thống ngân hàng - tài chính.
Dù vậy, những nỗ lực này được nhận định là chưa bắt kịp với tốc độ phát triển và nhu cầu khách hàng là phụ nữ trong khu vực tài chính vi mô ở Việt Nam hiện nay, cũng như tiềm năng của khu vực này trong việc ứng dụng FinTech mở rộng tập khách hàng và đóng góp cho việc phổ cập tài chính, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội.
“Việt Nam đang ở giai đoạn đầu là tập trung phát triển tài chính vi mô thông qua các đề án. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tài chính vi mô ứng dụng FinTech về cơ bản mới chỉ áp dụng trong hoạt động thanh toán. Điều này đang tạo ra một rào cản lớn cho việc gia nhập thị trường và sự tồn tại của các tổ chức tài chính vi mô”, bà Mai phân tích.
TS. Phạm Ngọc Long, Tổ chức Tài chính vi mô M7-MFI cho rằng, cần có sự trợ giúp đối với các tổ chức tài chính vi mô thiết lập quan hệ đối tác với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính số dưới hình thức công ty FinTech hiện có tại thị trường Việt Nam như MoMo, Payoo, VNPT E-Pay, F88, Ngân lượng…
Khi điều kiện cho phép, có thể hỗ trợ một số khách hàng của tổ chức tài chính vi mô trở thành các đại lý của các nhà cung cấp “ví điện tử”, giúp doanh nghiệp tự chủ và tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống kênh, đại lý phân phối các sản phẩm dịch vụ tài chính số cho các tổ chức tài chính vi mô, kiện toàn hạ tầng công nghệ thông tin để chuyển đổi dần tài chính vi mô sang tài chính số, đồng thời sửa đổi, bổ sung khung khổ pháp lý, chính sách khác nhằm khuyến khích dịch vụ tài chính số lĩnh vực tài chính vi mô…
“Vấn đề đặt ra cho lĩnh vực tài chính vi mô ở Việt Nam hiện nay là cần chuẩn bị tốt để tranh thủ sự trợ giúp có tính nền tảng từ các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam thông qua hệ thống các kênh phân phối hiện hữu và số hóa, các đối tác tin cậy cung cấp dịch vụ và các mô hình tuần tự, bền vững”, ông Long nhấn mạnh.