Cải thiện thanh khoản: Có giải pháp, nhưng ai làm?

(ĐTCK) Giá trị giao dịch trên thị trường cổ phiếu những tháng gần đây liên tục giảm mạnh, ảnh hưởng đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cũng như hoạt động huy động vốn cổ phần nhằm thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp. Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận một số ý kiến gợi mở giải pháp thúc đẩy thanh khoản. 
Cải thiện thanh khoản: Có giải pháp, nhưng ai làm?

Cải thiện thanh khoản, điều quan trọng nhất cần làm là loại bỏ các rủi ro của việc thanh toán

Cải thiện thanh khoản: Có giải pháp, nhưng ai làm? ảnh 1

Ông Tsuyoshi Imai,Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Nhật Bản.

Cách đơn giản nhất để cải thiện thanh khoản của TTCK là thu hút thêm các thành viên tham gia thị trường, đặc biệt là tổ chức đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, có một chướng ngại khi thực hiện điều này, đó là vấn đề thanh toán.

Ðể giảm rủi ro cho các đối tác tham gia giao dịch, việc thanh toán chứng khoán và tiền luôn phải đảm bảo nguyên tắc giao chứng khoán đồng thời với việc thanh toán tiền, hay còn gọi là nguyên tắc DVP (Delivery Versus Payment).

Thời hạn của việc thanh toán được quyết định bởi chu kỳ thanh toán. Tùy thuộc vào điều kiện của từng nước mà chu kỳ thanh toán áp dụng có thể là T+0, T+1, T+2 hay T+3.

Các tổ chức đầu tư nước ngoài luôn thiết lập hoạt động dựa theo nguyên tắc DVP, nhưng tại Việt Nam, việc thanh toán T+0 chưa được triển khai trên thị trường cơ sở, trong khi đã triển khai trên thị trường phái sinh.

Ðây là vấn đề cần cải thiện trên TTCK, mà kỳ vọng lớn nhất là Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có thể tổ chức hệ thống lưu ký và thanh toán với mức độ tương đương tiêu chuẩn hoặc thực tiễn của các thị trường quốc tế.

Ðể nâng cao thanh khoản của thị trường, điều quan trọng nhất là loại bỏ các rủi ro của việc thanh toán.

Cần giữ ổn định tiền tệ và lãi suất ở mức thấp

Cải thiện thanh khoản: Có giải pháp, nhưng ai làm? ảnh 2

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam.

Bối cảnh chung của thị trường chứng khoán thế giới chưa thực sự ổn định nên dòng tiền ngoại chưa quay lại mạnh mẽ, thậm chí khối ngoại liên tiếp rút ròng trong thời gian gần đây, ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Từ nay đến cuối năm, nếu không có các yếu tố tạo đột biến, hỗ trợ thị trường tăng trưởng và kích thích dòng tiền mới tham gia thì rất khó để thanh khoản quay trở lại mặt bằng cao.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn còn khá nhỏ so với khu vực, vì vậy cần thiết đưa nhiều doanh nghiệp lên niêm yết, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, qua đó đáp ứng tiêu chí đầu tư của các tổ chức lớn.

Nới room, đa dạng các sản phẩm phái sinh cũng là yếu tố cần để thu hút thêm các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.

Một điểm khá nghịch lý là trên sàn chứng khoán tập trung có hơn 1.600 doanh nghiệp, nhưng các quỹ lớn gặp khó khăn trong việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư, do những cổ phiếu “như ý” lại hết room.

Trong bối cảnh vĩ mô năm nay chịu nhiều tác động từ thị trường quốc tế thì việc giữ ổn định tiền tệ và lãi suất thấp sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng.

Hai nhóm ngành chính mang tính định hướng thị trường là ngân hàng và bất động sản cần được quan tâm nhiều nhất.

Ðối với ngành ngân hàng thì năm nay là năm cuối tới hạn xử lý các khoản nợ xấu và gấp rút tăng vốn để đạt chuẩn Basel II, vì vậy cuộc đua giữa các ngân hàng sẽ gay cấn.

Ðiểm hấp dẫn ở đây là nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn ở vùng giá thấp và nhà đầu tư đang chờ tín hiệu rõ ràng hơn để giải ngân.

Riêng nhóm bất động sản, sau giai đoạn trầm lắng từ đầu năm những doanh nghiệp có quỹ đất sạch và nguồn vốn dồi dào nhiều khả năng sẽ được nhà đầu tư quan tâm.

Từ nay đến cuối năm, yếu tố vĩ mô ổn định sẽ là điểm cộng giúp các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia thị trường nhiều hơn. Tôi cho rằng, thị trường hiện tại không phải để bán ra, mà là chờ cơ hội để tích lũy nhiều hơn.

Thúc đẩy doanh nghiệp lớn lên sàn sau cổ phần hóa

Cải thiện thanh khoản: Có giải pháp, nhưng ai làm? ảnh 3

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta.

Tăng thanh khoản thị trường, tôi cho rằng, yếu tố căn cơ nhất vẫn là cổ phiếu vốn hoá lớn, cần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước lớn sau cổ phần hóa nhanh chóng đưa cổ phiếu lên sàn.

Hiện nay, những cổ phiếu vốn hoá lớn và có yếu tố cơ bản tốt, ngoại trừ những mã hiện hữu trên sàn niêm yết thì đa phần đang nằm ở sàn UPCoM; trong khi đó, UPCoM chưa có chỉ số UPCoM Premium để cung cấp nguồn giao dịch ký quỹ (margin) cho nhóm này, qua đó gia tăng thanh khoản.

Yếu tố quan trọng không thể không nói đến là vấn đề mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. Có rất nhiều cổ phiếu được khối ngoại ưa thích, nhưng không thể mua vì hết room.

Hy vọng Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ bỏ bớt các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, qua đó có những tác động tốt đến thị trường chứng khoán, nhất là lĩnh vực logistic, ngân hàng...

Giải pháp ngắn hạn có thể thực hiện được là thiết kế thêm nhiều bộ chỉ số chứng khoán. Mới đây, HOSE đã công bố 3 chỉ số mới, đó là thông tin tích cực. Khi thành lập được nhiều chỉ số, các quỹ có cơ sở để xây dựng thêm nhiều quỹ ETF.

Hiện dòng tiền từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... muốn tham gia đầu tư cổ phiếu hết room, họ có thể mua thông qua chứng chỉ quỹ ETF.

Ðặc điểm thuận lợi cho sản phẩm này là các nhà đầu tư châu Á khá ưa chuộng và phát triển mạnh, giúp gia tăng thanh khoản của thị trường.

Các cơ quan quản lý có thể cho phép các quỹ đầu tư tự thành lập quỹ ETF với những tiêu chuẩn riêng, chỉ số riêng.

Hiện các quỹ vẫn bám sát chỉ số do các Sở giao dịch lập ra, chứ chưa được tự làm như nhiều quỹ trên thế giới, chẳng hạn Van Eck.

Ðối với một số sản phẩm mới triển khai, như chứng quyền có bảo đảm (CW), đây chưa phải là công cụ giải quyết bài toán thanh khoản, mà là sản phẩm có đòn bẩy cao giúp nhà đầu tư tăng lợi nhuận khi thị trường có diễn biến tốt.

Tạo được điều kiện thị trường cơ sở tốt, CW sẽ giúp nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận, ngược lại, thị trường cơ sở không tốt thì chắc chắn CW sẽ bị ảnh hưởng.

Ðẩy mạnh cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp lớn

Cải thiện thanh khoản: Có giải pháp, nhưng ai làm? ảnh 4

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Everest.

Cần đẩy mạnh cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp, tổng công ty lớn nhằm thu hút thêm nguồn vốn mới vào TTCK. Thanh khoản được cải thiện sẽ là điều kiện tốt hơn để đạt tiêu chí nâng hạng thị trường.

Tuy nhiên, công tác này dự kiến chưa có sự thay đổi tích cực trong ngắn hạn.

Nhà đầu tư đang chuyển sang vị thế phòng thủ cao do thị trường phụ thuộc không nhỏ vào diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Ðầu tư chứng khoán dựa vào niềm tin, nhưng niềm tin của nhiều nhà đầu tư chưa có chỗ bấu víu vững chắc, chưa kể nỗi lo khủng hoảng kinh tế toàn cầu ở mức nhẹ có thể xảy ra.

Sắp tới, kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất và Trung - Mỹ nối lại đàm phán cho cuộc thương chiến, qua đó thu hút dòng tiền khối ngoại và kích hoạt lại dòng tiền trong nước vào TTCK.

Mở rộng đối tượng nhà đầu tư ngoại thông qua nới room

Cải thiện thanh khoản: Có giải pháp, nhưng ai làm? ảnh 5

Ông Ðỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS).

Ðể thúc đẩy thanh khoản của thị trường cổ phiếu, cần triển khai các sản phẩm mang yếu tố kỹ thuật như giao dịch trong ngày, nghiệp vụ này đã được nghiên cứu từ lâu nhưng đến nay chưa có thêm thông tin về tiến độ.

Ðặc biệt, cơ quan quản lý nên mở rộng đối tượng nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường thông qua giải pháp nới “room”.

VNCS tiếp xúc rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài và cảm nhận rõ rào cản về room thực sự cần giải quyết. Bên cạnh đó, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được giảm bớt.

Ngoài ra, các sản phẩm mới cần nhanh chóng được triển khai, bù đắp phần nào cho câu chuyện room ngoại chậm trễ như cổ phiếu không có quyền biểu quyết.

Ðây là giải pháp để giải quyết vấn đề nới room, nhất là ở những lĩnh vực, ngành nghề có sức hút nhưng chưa thể nới ngay giới hạn sở hữu nước ngoài như ngân hàng và các cổ phiếu hết room như hiện nay.

Thế giới bất ổn khiến nhà đầu tư thận trọng với quyết định mua

Nhà đầu tư Trần Ðình Phong

Dòng tiền đang rút ra và chưa vào lại thị trường nên thanh khoản kém là dễ hiểu. Tình hình thế giới bất ổn lại thêm một số nhà kinh tế dự báo khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm có thể xảy ra, khiến nhà đầu tư thận trong trong quyết định mua.

Các cổ phiếu có câu chuyện riêng tăng giá và cổ phiếu cơ bản tốt đã giảm giá sâu thì nhà đầu tư đang túc tắc mua vào. Với các cổ phiếu khác, nhà đầu tư nhìn chung là hạn chế mua và một số công ty chứng khoán khuyến nghị nên đứng ngoài thị trường.

Tôi nghĩ, nhà đầu tư đang lo ngại nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường chứng khoán sẽ lao dốc, trong khi chứng khoán Việt Nam không thể tách rời chứng khoán thế giới. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế bị đẩy lùi thì dòng tiền sẽ vào lại thị trường và thanh khoản tăng lên.

Nhóm phóng viên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục