Lời hối thúc OPEC+ khó có tác dụng
Viện Dầu khí Mỹ (API - tổ chức đại diện cho ExxonMobil, Chevron và nhiều công ty năng lượng lớn khác), nhóm vận động hành lang đầy quyền lực của ngành dầu khí Mỹ, cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden nên tìm cách để thúc đẩy sản xuất dầu trong nước trước khi hướng ra bên ngoài.
"Bạn (Tổng thống Biden - BTV) nên nghĩ đến trước tiên là các nhà sản xuất Mỹ, chứ không phải Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - một tổ chức đã nắm thóp nước mình trong nhiều thập kỷ bởi họ là nhà cung cấp hàng đầu của chúng ta", Chủ tịch Viện Dầu khí Mỹ, ông Mike Sommers bình luận trên CNN.
Đáp lại, một quan chức Nhà Trắng khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm "thị trường năng lượng ổn định và đáng tin cậy tại thời điểm quan trọng này" trước sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch.
"Tổng thống Biden đã nói rõ rằng ông ấy muốn người Mỹ được tiếp cận với năng lượng ở mức giá phải chăng, kể cả khi bơm tại cột", vị quan chức Mỹ nhấn mạnh.
Giá xăng trung bình tại Mỹ đang cận kề ngưỡng cao nhất trong 7 năm qua, ở mức 3,18 USD/gallon, tăng đáng kể so với mốc 2,18 USD trong năm ngoái, theo số liệu từ nền tảng theo dõi biến động giá nhiên liệu AAA Gas Prices.
Giá năng lượng tăng cao là do nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho máy bay và ô tô tăng vọt trở lại khi ngày càng nhiều người Mỹ ra đường sau khi tiêm phòng Covid-19.
OPEC và các đồng minh của mình, gồm có Nga (gọi tắt là OPEC+) đã siết chặt nguồn cung dầu mỏ mà họ đã cắt giảm khai thác khi đại dịch bùng phát trong hơn 1 năm qua, và từng bước nới lỏng sản lượng dầu mỏ ra thị trường.
Giữa tuần này, chính quyền Tổng thống Biden đã kêu gọi OPEC+ tăng thêm sản lượng khai thác để đối phó với tình trạng giá năng lượng leo thang. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đề cập trong một khuyến cáo rằng OPEC+ "cần hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ sự phục hồi".
Trước ông Biden, cựu Tổng thống Donald Trump cũng từng có động thái tương tự với OPEC, mặc dù ông Trump từng thống trị lĩnh vực năng lượng Mỹ. Ông Trump có bước đi bất thường khi đề nghị OPEC cắt giảm sản lượng để cứu các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ trước tác động của việc giá dầu lao đáy lịch sử do đại dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu trong OPEC+.
Tuy nhiên, trong lưu ý gửi đến khách hàng trong tuần này, Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs đánh giá, động thái tiếp cận OPEC+ vừa qua của Nhà Trắng "không có khả năng thuyết phục" hiệu quả trong ngắn hạn, bởi ngân hàng này lo ngại nhu cầu dầu mỏ đang suy yếu do các biện pháp chống dịch được siết chặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.
Nhiên liệu hóa thạch đang bị đàn áp?
Vốn hưởng lợi nhất định từ việc sản xuất năng lượng trong nước, Viện Dầu khí Mỹ hô hào rằng việc cởi trói cho các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ sẽ là giải pháp tốt hơn cho tình thế hiện nay.
"Chúng ta đang có lợi thế chiến lược của một cuộc cách mạng năng lượng bắt đầu từ thời Tổng thống Obama. Chúng ta nên làm mọi cách để khuyến khích sản xuất (dầu mỏ) ở Mỹ", ông Mike Sommers nhận định.
Chủ tịch Viện Dầu khí Mỹ chỉ trích chính quyền Biden về việc đàn áp pháp lý đối với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. "Chúng ta đang nói về một chính quyền thực sự trong 8 tháng đầu cầm quyền đã không làm gì khác ngoài việc cố gắng hạn chế sự phát triển ngành dầu khí của Mỹ", ông Mike Sommers nói.
Vào ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Biden lập tức đưa Mỹ tham gia lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, yêu cầu tạm ngừng hoạt động thuê khoan dầu khí tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực, và thu hồi giấy phép của dự án đường ống dẫn nhiên liệu Keystone XL - một dự án gây tranh cãi và dự kiến khó có thể tiến hành vận chuyển dầu từ Canada đến Mỹ cho đến năm 2023.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã cho tạm dừng hoạt động cho thuê khoan dầu khí tại các vùng đất và vùng lãnh hải của liên bang Mỹ. Tuy nhiên, động thái này đã bị tòa án liên bang tạm thời ngăn chặn vào tháng 6 vừa qua.
"Tôi không cho rằng những gì ông Biden đã làm trong 8 tháng đầu tiên cầm quyền là lý do duy nhất khiến giá cả tăng cao như hiện nay", Chủ tịch Viện Dầu khí Mỹ đánh giá. "Không nghi ngờ gì khi các thế lực thị trường đang hiện hữu", đại diện Viện Dầu khí Mỹ nói thêm.
Mặt khác, ông Sommers thừa nhận rằng, việc tạm dừng hoạt động cho thuê khai thác dầu khí mà Viện Dầu khí đã phản đối mạnh mẽ, không ảnh hưởng đến giá cả hiện nay. Thay vào đó, Chủ tịch Viện Dầu khí Mỹ lại cho rằng, động thái này cùng với việc hủy bỏ dự án đường ống nhiên liệu Keystone XL đã làm tăng thêm sự bất ổn chính sách và sẽ không kích thích đầu tư vào ngành năng lượng Mỹ trong tương lai.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ không ra tay giải cứu tình hình hiện nay. Thật vậy, quy định pháp lý không phải là lý do duy nhất khiến sản lượng dầu của Mỹ phục hồi chậm lại sau đại dịch Covid-19.
Sau khi đốt tiền điên cuồng ở thập kỷ trước, các công ty dầu mỏ Mỹ đang phải chịu áp lực rất lớn từ Phố Wall trong việc phải đào tạo lại nhiều hơn và chia sẻ lợi nhuận với các cổ đông. Họ không vội vàng giải cứu thị trường dầu mỏ.
"Kỷ luật tài chính đang diễn ra trong vết dầu loang hiện nay. Trọng tâm hiện nay là bù đắp lại các nhà đầu tư đã mất quá nhiều tiền trong thập kỷ qua, đặc biệt là vào năm 2020", Chủ tịch Viện Dầu khí Mỹ nêu.
Dễ hiểu là cách tiếp cận cứng rắn hơn của chính quyền Mỹ hiện nay đối với ngành dầu khí đang được thúc đẩy bởi tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu, đặc biệt là sau khi nhiều quy định môi trường bị gạt bỏ trong 4 năm dưới thời cựu Tổng thống Trump.
Tháng 5 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng thế giới cần ngừng khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ngay lập tức để ngăn chặn thảm họa khí hậu.
Quan chức Nhà Trắng đánh giá, giá khí đốt hiện thấp hơn so với nửa đầu thập niên 2010 và sát với biến động thị trường năm 2018 - thời điểm giữa nhiệm kỳ của chính quyền Trump. Nhưng vị này cho rằng: "Chúng ta vẫn phải thận trọng".