Trong báo cáo hàng tháng được công bố hôm thứ Năm (12/8), Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng nâng dự báo về nguồn cung từ các đối thủ cạnh tranh bao gồm cả các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ trong năm tới, một động lực tiềm năng cho những nỗ lực của OPEC+ nhằm cân bằng thị trường dầu mỏ.
"Nền kinh tế toàn cầu đang tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức có thể dễ dàng làm giảm đà tăng trưởng. Đặc biệt là các tiến triển liên quan đến Covid-19 sẽ cần được giám sát chặt chẽ", OPEC cho biết trong báo cáo.
Quan điểm của OPEC trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khi cơ quan này cắt giảm triển vọng nhu cầu dầu cũng trong một báo cáo đưa ra cùng ngày. Cơ quan dự báo của chính phủ Mỹ cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2021, nhưng đã cắt giảm cho nhu cầu dầu năm 2022.
Giá dầu Brent giao dịch trên 71 USD/thùng sau khi báo cáo được công bố. Giá dầu Brent đã tăng lên mức cao trước đại dịch trên 77 USD/thùng trong năm nay bởi kỳ vọng phục hồi kinh tế và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ mặc dù mối quan tâm về biến thể Delta vẫn là vấn đề quan trọng.
OPEC cho biết, nhu cầu dầu sẽ tăng 5,95 triệu thùng/ngày trong năm nay và không thay đổi so với dự báo của tháng trước. Trong năm 2022, việc sử dụng nhiên liệu sẽ tăng thêm 3,28 triệu thùng/ngày, tương tự dự báo tháng trước.
OPEC cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 lên 5,6% từ 5,5% với giả định tác động của đại dịch sẽ được kiềm chế, mặc dù OPEC cũng cảnh báo về "những bất ổn đáng kể".
“Đường đi của đại dịch Covid-19 sẽ là nhân tố bao trùm tác động đến tốc độ phục hồi ngắn hạn, với sự xuất hiện tiềm tàng của các biến thể Covid-19 mới hoặc các đột biến gây ra nguy cơ đặc biệt”, OPEC cho biết.
Báo cáo cũng cho thấy sản lượng cao hơn từ OPEC và dự báo nhiều nguồn cung hơn từ các đối thủ vào năm 2022, bao gồm các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.
OPEC+ đang dần gỡ bỏ việc cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục được đưa ra vào năm ngoái khi đại dịch làm sụt giảm nhu cầu. Vào tháng 7, OPEC+ đã đồng ý tăng dần sản lượng lên 400.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 8.
Báo cáo dự báo nguồn cung từ các đối thủ của OPEC sẽ tăng 2,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022, nhiều hơn 840.000 thùng/ngày so với tháng trước, một phần do quyết định bơm nhiều dầu hơn ra thị trường của OPEC+ và giá cao hơn thúc đẩy nhu cầu đầu tư.
OPEC dự báo sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng 560.000 thùng/ngày vào năm 2022, tăng 60.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước sau khi sản lượng dầu đá phiến sụt giảm trong năm nay.
“Tại Mỹ, các nhà khai thác vẫn giữ kỷ luật cao trong giai đoạn 2020-2021. Tuy nhiên, số lượng giàn khoan tiếp tục tăng lên, nhiều giếng khoan đang bị phá hủy và nhiều đội khai thác hơn được triển khai, các công ty một lần nữa sẽ đầu tư mạnh vào lĩnh vực này”, OPEC cho biết.
Theo đó, việc Mỹ tăng thêm sản lượng sẽ hạn chế tăng trưởng nhu cầu đối với dầu thô của OPEC trong năm tới. OPEC nhận thấy thế giới cần 27,6 triệu thùng/ngày từ các thành viên OPEC, giảm 1,1 triệu thùng/ngày so với dự báo trong tháng trước nhưng về lý thuyết vẫn cho phép OPEC sản xuất nhiều dầu hơn.