Nhà Trắng kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng dầu khi giá xăng dầu tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (11/8), Nhà Trắng cho biết, đã kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng nhằm chống lại giá xăng dầu leo ​​thang trong bối cảnh lo ngại rằng lạm phát gia tăng có thể làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế do đại dịch Covid-19.
Nhà Trắng kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng dầu khi giá xăng dầu tăng

Các quan chức từ Chính quyền Tổng thống Biden đã nói chuyện với đại diện từ lãnh đạo Ả Rập Xê Út trong tuần này, cũng như với đại diện từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và các thành viên OPEC+ khác.

Nhà Trắng cho biết, thỏa thuận vào tháng 7 của OPEC+ nhằm tăng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày hàng tháng bắt đầu từ tháng 8 và kéo dài đến năm 2022 “đơn giản là không đủ trong “thời điểm quan trọng trong sự phục hồi toàn cầu”.

“Chúng tôi đang tham gia với các thành viên OPEC + có liên quan về tầm quan trọng của thị trường cạnh tranh trong việc thiết lập giá cả. Các thị trường năng lượng cạnh tranh sẽ đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định và đáng tin cậy, và OPEC+ phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ sự phục hồi”, Cố vấn An ninh Quốc gia của Mỹ, Jake Sullivan cho biết trong tuyên bố.

Giá xăng tăng vọt

Giá xăng đã tăng mạnh trong năm nay do nhu cầu đối với các sản phẩm xăng dầu quay trở lại. Theo AAA, mức trung bình cho một gallon xăng ở Mỹ là 3,186 USD vào hôm 10/8, tăng từ 3,143 USD so với một tháng trước.

Vào tháng 5, mức trung bình cho một gallon xăng trên toàn nước Mỹ đã vượt mốc 3 USD lần đầu tiên kể từ năm 2014.

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết: “Tổng thống thừa nhận rằng giá xăng có thể gây ảnh hưởng đến ngân sách gia đình. Tổng thống muốn chính quyền của mình sử dụng bất kỳ công cụ nào để giúp hạ giá xăng dầu, khí đốt”.

Giá xăng tăng sau khi giá dầu phục hồi. Vào tháng 4/2020, hợp đồng dầu thô WTI lần đầu tiên giảm xuống mức âm kỷ lục do đại dịch làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ.

Sau đó OPEC+ đã đưa ra quyết định chưa từng có vào tháng 4/2020 để cắt giảm gần 10 triệu thùng/ngày trong nỗ lực hỗ trợ giá trong khi các nhà sản xuất Mỹ cũng giảm sản lượng.

Những đợt cắt giảm nguồn cung cùng với sự phục hồi của nhu cầu đã đẩy giá dầu trở lại trên 70 USD/thùng mặc dù giá dầu đã giảm nhẹ so với mức đó trong những phiên gần đây.

OPEC+ vẫn đang cắt giảm khoảng 6 triệu thùng/ngày và có kế hoạch đưa số lượng dầu cắt giảm dần quay trở lại thị trường.

Theo dữ liệu mới nhất từ ​​Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của Mỹ đạt trung bình 11,2 triệu thùng/ngày trong tháng 5, giảm so với mức cao trước đại dịch là 13 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, giá xăng dầu tăng mạnh đang gây áp lực lên phía người tiêu dùng.

Hành động của chính quyền Tổng thống Biden

Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) “giám sát thị trường xăng dầu Mỹ” và “giải quyết bất kỳ hành vi bất hợp pháp nào có thể góp phần làm tăng giá cho người tiêu dùng”.

Bức thư từ Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC) gửi FTC kêu gọi cơ quan quản lý xem xét các yếu tố góp phần làm tăng giá khí đốt trong nỗ lực đảm bảo rằng người tiêu dùng không chấp nhận một hóa đơn không hợp lý.

“Với bộ công cụ để theo dõi giá cả ngành, xem xét hoạt động mua bán sáp nhập, thực hiện các nghiên cứu thị trường và điều tra các hành vi thao túng thị trường và chống cạnh tranh, FTC có vị thế tốt để dẫn đầu nỗ lực đánh giá những gì đang xảy ra ở Mỹ thị trường xăng dầu và thực hiện bất kỳ bước cần thiết nào để giải quyết các hành vi bất hợp pháp”, theo nội dung bức thư từ từ Hội đồng Kinh tế Quốc gia.

NEC cũng kêu gọi Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (FERC), Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) và tổng chưởng lý của bang giải quyết vấn đề này.

“Việc FTC đang xem xét kỹ lưỡng thị trường này có thể có tác động tương đối nhanh chóng tới giá cả trên thị trường dầu mỏ. Những người tham gia trên thị trường này đang nhận ra rằng cơ quan có thẩm quyền thực thi đang xem xét cẩn thận những gì đang diễn ra”, quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục