“Bom xịt” trên UPCoM

(ĐTCK) Trái với cảnh được tranh mua trong đợt đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), cổ phiếu nhiều doanh nghiệp khi lên sàn UPCoM lại giao dịch đìu hiu.

Nghịch lý dòng tiền nhà đầu tư

Là doanh nghiệp có công suất phát điện lớn nhất cả nước, Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco 3) được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện, nhất là sau phiên IPO thành công của một ông lớn ngành điện khác là PV Power. Thế nhưng, chỉ có 7,4 triệu cổ phần về tay nhà đầu tư trên tổng số 267 triệu cổ phần đấu giá, tương ứng chỉ bán được 2,7%.

Lên giao dịch trên UPCoM vào ngày 21/3 với giá tham chiếu 24.800 đồng/cổ phần, cổ phiếu PGV của EVN Genco 3 đã có 4 phiên lao dốc liên tiếp. Đến nay, thị giá PGV quanh quẩn ở mức 14.300 đồng/cổ phần, khối lượng giao dịch mỗi phiên chỉ từ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu.

Nhà đầu tư hững hờ với cổ phiếu PGV từ IPO sang tới UPCoM cũng đành một nhẽ. Nhưng có không ít cổ phiếu ở cảnh tranh mua ồ ạt khi IPO, nhưng đến khi lên sàn UPCoM lại rơi vào cảnh mua bán đìu hiu, chẳng hạn như Hapro và Protrade.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) mặc dù không được đánh giá cao về mặt hiệu quả kinh doanh trước cổ phần hóa, song phiên IPO của doanh nghiệp này thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Đợt IPO của Hapro có 346 nhà đầu tư đăng ký mua, trong đó có 2 tổ chức và 344 nhà đầu tư cá nhân. Tổng khối lượng đăng ký lên đến 93 triệu cổ phần, trong khi Hapro chỉ đưa ra IPO gần 76 triệu cổ phiếu.

Nhiều nhà đầu tư đánh giá, bỏ qua việc kinh doanh chưa hiệu quả của Hapro thì sự tham gia của cổ đông chiến lược là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam - một công ty thành viên của Tập đoàn BRG - đã khiến cổ phần chào bán của Hapro trở nên hấp dẫn hơn.

Sau hơn 1 tháng kể từ phiên IPO, ngày 4/5/2018, Hapro đã chính thức đưa 75,4 triệu cổ phiếu HTM lên giao dịch tại sàn UPCoM với mức giá tham chiếu 12.900 đồng/cổ phần. Thế nhưng, trái ngược với cảnh tranh mua đợt IPO, thanh khoản của cổ phiếu HTM mỗi phiên chỉ loanh quanh vài nghìn đơn vị.

Từ khi lên sàn đến nay, HTM có hai phiên giao dịch đột biến (ngày 18/5 và 23/5) thông qua giao dịch thỏa thuận, với khối lượng trao tay lần lượt là 31,8 triệu và 24,2 triệu cổ phần. Tuy nhiên, diễn biến này vẫn không kéo nổi thị giá HTM đi lên. Đến nay, cổ phiếu HTM đã giảm xuống dưới mệnh giá, chỉ còn 9.300 đồng/cổ phần.

Tương tự, tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade), phiên IPO 10% cổ phần của Công ty đã thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia. 274 nhà đầu tư đã đăng ký mua với tổng khối lượng là 89,7 triệu cổ phần, trong khi số lượng chào bán chỉ là 30 triệu cổ phần. Giá trúng bình quân đạt 17.474 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm là 12.000 đồng/cổ phần.

Protrade sở hữu nhiều lợi thế kinh tế, nắm giữ cổ phần tại nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực nổi bật như sữa, golf… nên không chỉ đợt IPO thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia, mà đợt chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của Công ty cũng thu hút nhiều doanh nghiệp với số cổ phần muốn mua khá lớn: SAM Holdings (13%), CTCP Đầu tư U&I (6%) và Công ty TNHH Phát triển (20,9%).

Protrade đưa cổ phiếu là PRT lên giao dịch trên UPCoM từ ngày 7/5/2018. Mặc dù không rơi vào tình cảnh giá cổ phiếu rơi nhanh như HTM, song thanh khoản của cổ phiếu PRT rất thấp, thậm chí có những phiên không có cổ phiếu nào được bán - mua.

Giải mã “bom xịt”

Thực tế thị trường thời điểm các cổ phiếu lên sàn là một yếu tố chi phối lớn đến diễn biến giá cổ phiếu. Sau khi vượt đỉnh 1.200 điểm, VN-Index có giai đoạn điều chỉnh sâu từ tháng 4 tới nay. Những cổ phiếu lên sàn vào thời điểm này gặp không ít bất lợi khi nhà đầu tư càng lúc càng trở nên thận trọng hơn khi rót tiền vào những cổ phiếu mới.

Mặc dù sàn giao dịch UPCoM từ trước tới nay được xem là chưa đủ hấp dẫn so với hai sàn niêm yết là HOSE, HNX, tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy, vẫn có nhiều cổ phiếu trên sàn này thu hút nhà đầu tư như ACV của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, POW (PV Power), BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn), OIL (PV Oil)… Do đó, diễn biến thanh khoản hay giá cổ phiếu vẫn phụ thuộc chính vào tình hình nội tại của từng doanh nghiệp.

Nếu như các nhà đầu tư hào hứng với IPO khi có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn thì sau khi lên sàn, cả EVN Genco3, Hapro hay Protrade chưa có thêm bất cứ thông tin cập nhật mới về tình hình doanh nghiệp cũng như diễn biến hợp tác với cổ đông chiến lược, thiếu những thông tin quan trọng để làm lực đẩy cho cổ phiếu.

Cùng với đó, theo một nhà đầu tư, việc giá trên sàn đang thấp hơn giá mua lúc IPO là một trong những lý do quan trọng khiến các cổ đông không mặn mà với việc bán cổ phiếu, tạo thanh khoản trong giai đoạn này.

EVN Genco 3 chỉ đưa hơn 7,1 triệu cổ phiếu PGV lên sàn giao dịch với giá tham chiếu 24.800 đồng/cổ phiếu, ngay sau 2 phiên cổ phiếu này đã mất mốc 2x. Trong khi đó, nhà đầu tư phải bỏ ra thấp nhất 24.600 đồng cho mỗi cổ phần trong đợt IPO, cao nhất là 34.000 đồng/cổ phần.

Tương tự là HTM, từ khi lên UPCoM, mã chứng khoán này chưa phiên nào vượt qua được mốc tham chiếu là 12.900 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư khó có thể chốt lời bởi thị giá thấp hơn giá trúng IPO.

Ở một số doanh nghiệp tiềm năng, song thanh khoản cổ phiếu không được như kỳ vọng, khả năng việc cổ đông “găm hàng” chờ tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp là điều có thể hiểu được khi thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn không thuận lợi. Đặc biệt là các công ty được IPO gần đây đều đang ấp ủ kế hoạch lên niêm yết trên hai sàn chính, nơi thu hút các nhà đầu tư lớn và dòng tiền lớn hơn.

Minh Vui

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục