Cổ phần hóa xong là lên UPCoM
Sau 42 ngày kể từ ngày đấu giá cổ phần, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã đưa 241 triệu cổ phiếu vào đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 1/3/2018. Đây là một trong số các doanh nghiệp lớn thực thi quy định của Thông tư 115/2016/TT-BTC, khiến thời gian từ khi đấu giá đến khi đưa cổ phiếu lên sàn được rút ngắn nhiều so với trước đây.
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa tới đây cũng sẽ đều có quá trình đưa cổ phiếu lên sàn nhanh hơn nhiều các năm trước, bởi quy trình này đã được luật định và doanh nghiệp cũng như các cơ quan liên quan phải tuân thủ.
Với trên 700 doanh nghiệp trên UPCoM, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc nhà quản lý đang thẩm định chất lượng hàng hóa và giám sát giao dịch trên sàn này như thế nào? Có cách nào để hạn chế tình trạng cổ phiếu “treo” trên sàn UPCoM nhiều tháng liền không có giao dịch cũng như tình trạng cổ phiếu có mức giá chào sàn đẹp đẽ, nhưng sau đó lại rơi không phanh hay không?
Lãnh đạo HNX trao đổi với báo chí tại buổi gặp gỡ báo chí quý I/2018.
Ông Phong cho biết, theo quy định hiện hành, sàn UPCoM là sàn không có tiêu chuẩn về chất lượng, mà đây là sàn tập dượt giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp đại chúng, chuẩn bị cho bước phát triển cao hơn là lên sàn niêm yết (sàn có tiêu chuẩn).
Vì thế, vai trò của HNX chủ yếu ở việc kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của hồ sơ, nếu doanh nghiệp đã làm đúng và đầy đủ quy trình pháp lý thì HNX sẽ chấp thuận cho cổ phiếu giao trên trên sàn này. Nhà đầu tư tham gia trên sàn UPCoM phải hiểu rõ tính chất sàn UPCoM để chủ động tìm hiểu thông tin doanh nghiệp trước khi quyết định rót vốn.
Đơn cử, việc định giá ngày chào sàn với cổ phiếu mới hoàn toàn do doanh nghiệp tự xác định và thông báo với HNX. HNX chỉ xem xét trên khía cạnh phương pháp định giá. Nếu chưa chuẩn thì HNX sẽ tương tác lại với doanh nghiệp yêu cầu áp dụng những phương pháp khoa học, chứ HNX hoàn toàn không thẩm định giá chào sàn. Với một thị trường quy mô lớn, điểm mới của HNX trên UPCoM là giám sát giao dịch sàn này tương tự như sàn niêm yết. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, Sở sẽ báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để tiến hành kiểm tra, thanh tra.
Sàn lớn, bảo vệ nhà đầu tư như thế nào?
Với giá trị vốn hóa 713.000 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 2/2018, sàn UPCoM có quy mô vốn hóa lớn gấp 3 lần sàn niêm yết trên HNX. Thanh khoản trên sàn này cũng được cải thiện trong 2 năm gần đây với giá trị giao dịch bình quân trên 450 tỷ đồng/phiên.
Để góp sức bảo vệ nhà đầu tư trong bối cảnh “đầu vào” chất lượng hàng trên UPCoM chưa quy định về điều kiện, bà Lan cho biết, từ năm 2018, HNX dự kiến sẽ chấm điểm minh bạch với các doanh nghiệp trên sàn này. Chương trình chấm điểm này được HNX thực hiện với các danh nghiệp trên sàn niêm yết từ năm 2012, nay sẽ mở rộng sang sàn UPCoM.
Với khối doanh nghiệp niêm yết, bà Lan chia sẻ, hiện HNX đang cùng với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Báo Đầu tư cùng Dragon Capital xây dựng chương trình chấm điểm quản trị công ty, thống nhất trên toàn thị trường niêm yết.
Nếu việc này được các bên thống nhất triển khai thì từ năm 2018, thị trường cổ phiếu Việt Nam sẽ có 2 hệ thống chấm điểm doanh nghiệp, gồm một hệ thống chấm điểm minh bạch trên UPCoM và một hệ thống chấm điểm quản trị công ty trên hai sàn niêm yết toàn thị trường.
Hoạt động giám sát, chấm điểm và vinh danh các chủ thể tuân thủ pháp lý, minh bạch và quản trị hiệu quả được kỳ vọng sẽ vừa tạo áp lực, vừa tạo động lực cho các doanh nghiệp trên sàn hoạt động minh bạch và chuẩn mực.
Theo bà Lan, quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, trong đó có việc phân bảng thị trường hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, tuy nhiên, một trong những việc lớn mà 2 sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán sẽ làm trong năm 2018 - 2019 là thống nhất hệ thống công nghệ thông tin theo gói thầu do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cung cấp. Nền tảng công nghệ thống nhất và hiện đại sẽ là cơ sở cho nhà quản lý phát triển các sản phẩm mới cũng như áp dụng các biện pháp nâng cấp thị trường.
Phái sinh, sẽ tính toán giá dịch vụ thấp nhất
Tháng 2/2018, thị trường giao dịch chỉ có 15 ngày do có kỳ nghỉ lễ kéo dài, nhưng khối lương giao dịch bình quân trên thi trường chứng khoán phái sinh đạt 28.122 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 2.977,96 tỷ đồng/phiên, với mức tăng kỷ lục lần lượt là 51,37% và 51,04% so với tháng trước.
Tuy nhiên, HNX cũng cho biết, trong giai đoạn đầu mở cửa thị trường, sản phẩm phái sinh mới được sử dụng như công cụ đầu tư là chính, vai trò phòng vệ rủi ro còn thấp. Về phía Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cho đến nay, Sở vẫn đang miễn giá dịch vụ cho các giao dịch trên phái sinh. Dự kiến, việc thu phí (giá dịch vụ) nếu có cũng sẽ áp dụng từ một vài tháng nữa. Mức giá này đang được Sở nghiên cứu và chọn lựa trên cơ sở sẽ thu ở mức thấp nhất so với các sở giao dịch chứng khoán trong khu vực, nhằm hỗ trợ các thành viên giao dịch trong giai đoạn đầu.
Theo HNX, thị trường chứng khoán phái sinh chứng tỏ vai trò của mình trong nền kinh tế, là một kênh đầu tư cũng như phòng vệ rủi ro, có tác dụng ổn định tâm lý nhà đầu tư đặc biệt khi thị trường cơ sở biến động đột ngột. Cụ thể, trong hai ngày 5 và 6/2, khi VN-Index của thị trường cơ sở giảm tổng cộng hơn 93 điểm, giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh lại diễn ra sôi động với khối lượng giao dịch lập kỷ lục mới vào ngày 6/2, đạt 39.311 hợp đồng tương ứng 3.913,82 tỷ đồng giá trị giao dịch.
Lên sàn, Doanh nghiệp có dễ huy động vốn?
HNX cho biết, năm 2017, Sở tiếp nhận 81 hồ sơ doanh nghiệp đề nghị niêm yết bổ sung với tổng số chứng khoán niêm yết là 9.500 tỷ đồng. Trên sàn UPCoM, Sở tiếp nhận 57 bộ hồ sơ với tổng giá trị đăng ký giao dịch bổ sung là 6.000 tỷ đồng.
Việc phát hành bổ sung của doanh nghiệp có thể để huy động vốn mới hoặc trả cổ tức hoặc thưởng cho người lao động... Tuy nhiên, nếu so với quy mô niêm yết và đăng ký giao dịch thì con số vốn huy động mới của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán còn rất nhỏ. Các doanh nghiệp dường như vẫn chưa quen với việc tìm vốn trung và dài hạn qua thị trường chứng khoán, mặc dù đây là một trong hai chức năng trọng yếu của thị trường, cũng đồng thời là mục tiêu lớn nhất mà các doanh nghiệp thường đặt ra khi đưa cổ phiếu lên sàn.
Trả lời câu hỏi vì sao thị trường chứng khoán chưa phải là kênh gọi vốn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch HNX chia sẻ, thực tế, quy mô của các doanh nghiệp trên sàn HNX hầu như là vừa và nhỏ, trong khi điều kiện về phát hành, huy động vốn mới và việc giám sát, thẩm định hồ sơ lại được quy định chặt chẽ bằng văn bản pháp lý.
Cùng với đó, muốn huy động vốn qua thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp phải có dự án và kế hoạch sử dụng vốn được Đại hội đồng cổ đông thông qua, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm công bố thông tin, sử dụng vốn như kế hoạch đã định… Đây là những điểm khiến các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ chưa chọn cách gọi vốn qua thị trường chứng khoán, mà thường vẫn dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh thường nhật của doanh nghiệp.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp thực thi được việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán, bà Lan cho biết, HNX sẽ tiếp tục những nỗ lực hướng doanh nghiệp đến sự minh bạch, nâng cấp chất lượng quản trị và mở rộng kết nối, với hy vọng doanh nghiệp sẽ vững vàng trên sàn chứng khoán và từ đó sẽ tăng cơ hội trong gọi vốn trung, dài hạn từ nhà đầu tư.