Bộ công Thương: Grab, Uber cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống

Bộ Công Thương cho rằng cần sửa đổi khung pháp lý để xác định các doanh nghiệp như Uber, Grab là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải.
Cơ quan quản lý đề nghị sửa quy định Grab, Uber là doanh nghiệp kinh doanh vận tải chứ không phải cung cấp ứng dụng phần mềm trong dịch vụ vận tải thông thường. Cơ quan quản lý đề nghị sửa quy định Grab, Uber là doanh nghiệp kinh doanh vận tải chứ không phải cung cấp ứng dụng phần mềm trong dịch vụ vận tải thông thường.

Văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý về thực trạng triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ Công Thương cho rằng, hiện Grab, Uber chưa cạnh tranh bình đẳng với taxi truyền thống bởi những quy định hiện tại chưa tính tới loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách ký hợp đồng qua ứng dụng thương mại điện tử.

Do đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này coi mình là đơn vị cung cấp các ứng dụng phần mềm trong kinh doanh vận tải. Điều này dẫn tới hệ luỵ các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng vận tải như Uber, Grab không chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho khách, người tham gia giao thông trong khi họ là đơn vị thu tiền dịch vụ vận tải. 

"Uber, Grab sẽ không chịu sự điều chỉnh của các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, gây sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp này với taxi truyền thống, xe ôm", Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Ngoài ra, nếu đơn vị thí điểm là doanh nghiệp nước ngoài thì việc cho phép hoạt động sẽ không phù hợp với quy định "không cam kết dịch vụ vận tải qua biên giới" của Việt Nam trong WTO.

"Cần sửa đổi quy định xác định đây là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, chứ không chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm", Bộ này nhấn mạnh.

Ngoài sửa quy định trên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần bổ sung khung pháp lý, năng lực thực thi của các cơ quan liên quan như thuế, thương mại điện tử, kinh doanh vận tải để quản lý loại hình vận tải kết nối theo hợp đồng này.

Cũng liên quan tới loại hình vận tải Uber, Grab, trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận một số quy định hiện hành chưa tạo sự bình đẳng giữa taxi truyền thống và xe thí điểm Uber, Grab.

Khẳng định không "dừng khẩn cấp" việc thí điểm xe Uber, Grab như đề nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội, song Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng xem xét không cấp mới phù hiệu cho xe hợp đồng tại các địa phương đã thí điểm do tổng lượng phiên tiện xe hợp đồng đã tăng cao.

Cuộc tranh cãi trong kinh doanh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab vẫn chưa có hồi kết. Trong khi taxi truyền thống một mực đòi làm rõ mô hình hoạt động, ưu đãi của Uber, Grab thì các đơn vị này lại cho rằng mình không làm sai luật.

Đã có những kiến nghị "dừng khẩn cấp" Uber, Grab nhưng đã không được cơ quan quản lý chấp thuận. Trả lời VnExpress về kiến nghị này, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, "đó là quyết định của các địa phương". 

Trong cuộc đua tranh này, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã "hụt hơi", chuyển hướng kinh doanh, cắt giảm hàng nghìn lao động. Đơn cử, Vinasun đã giảm gần 7.300 người đến hết quý III/2017, tăng 2.000 người so với cách đó 3 tháng. Một "ông lớn" khác trong kinh doanh taxi truyền thống là Mai Linh cũng giảm tới 6.000 nhân sự...

Tuy nhiên, kinh doanh của Uber, Grab tại Việt Nam không hẳn đã suôn sẻ. Theo cơ báo cáo kinh doanh 3 năm qua của Grab tại Việt Nam, doanh nghiệp này đang lỗ 938 tỷ đồng.

Còn Uber, báo cáo của cơ quan thuế TP HCM cho biết, doanh thu 2014-2016 và nửa đầu năm 2017 là 2.706 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đã chủ động kê khai nộp gần 77 tỷ đồng tiền thuế, nhưng gần đây thanh tra thuế đã quyết định xử lý tăng thu thêm gần 67 tỷ đồng. 

* Grab, Uber bị yêu cầu kiểm tra thuế


Theo VnExpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục