Biến số cạnh tranh của các nhà xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một nghiên cứu thực nghiệm trên 680 nhà sản xuất ở 10 quốc gia cho thấy áp lực về chứng nhận xanh đã đẩy mạnh đổi mới quy trình, giúp nâng cao vị thế doanh nghiệp cũng như các giải pháp phát triển bền vững.

Trong 2 quý đầu năm 2023, Việt Nam đã đánh mất vị trí thống lĩnh và năng lực cạnh tranh trong ngành dệt may vào tay Bangladesh, một phần do chậm trễ chuyển đổi xanh. Chuỗi cung ứng xanh là thành tố quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu và cơ hội lấy được đơn hàng.

Áp lực chứng nhận xanh phản ánh những yêu cầu và kỳ vọng tuân thủ bộ các tiêu chuẩn hoạt động của hệ thống quản lý môi trường (EMS) đối với một công ty trong chuỗi cung ứng, cũng như việc sử dụng các tiêu chuẩn môi trường như ISO 14000 trong lĩnh vực sản xuất của khách hàng, nhà cung cấp và đối thủ cạnh tranh.

Trong ngành sản xuất, chứng nhận xanh là bộ tiêu chuẩn lồng ghép các khía cạnh môi trường vào quá trình thiết kế và sản xuất sản phẩm. Chứng nhận ISO 14001 cho thấy doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ bộ các tiêu chuẩn về môi trường như giảm phát thải, cũng như sử dụng tài nguyên và nguyên liệu thô trong quy trình sản xuất và tiết kiệm năng lượng của họ.

Việc thực hiện các quy trình được EMS chứng nhận có thể giúp doanh nghiệp cải thiện vị thế trong ngành và được xem như những người đi đầu về bảo vệ môi trường, nắm bắt lợi thế tiên phong và cải thiện hình ảnh, danh tiếng về bảo vệ môi trường cũng như doanh số bán hàng của họ.

Tuy nhiên, nhiều trong số các chứng nhận về môi trường này mang tính tượng trưng hơn là triển khai trong thực tế. Trong khi đó, đổi mới quy trình cho phép các công ty sản xuất nắm bắt và áp dụng kiến thức hoặc bí quyết mới vào các quy trình sản xuất hiện có. Tiền đề chính của khái niệm này cho thấy áp lực chứng nhận xanh thúc đẩy trao đổi và hợp tác, dần dà tác động đến quy trình vận hành cả trong và ngoài doanh nghiệp.

Chuỗi cung ứng xanh là thành tố quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu và cơ hội lấy được đơn hàng.

Trong bối cảnh môi trường, đổi mới quy trình thành công giúp doanh nghiệp phát huy khả năng nắm bắt và áp dụng kiến thức nội tại và từ bên ngoài để mang đến kết quả vượt trội. Do đó, đổi mới quy trình theo cách sử dụng kiến thức và ý tưởng của đối tác có thể giúp việc phổ biến chứng nhận xanh rộng rãi hơn.

Áp lực cạnh tranh đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy các nhà sản xuất áp dụng đổi mới hệ sinh thái, kéo theo công cụ dựa trên thị trường, năng lực công nghệ, nhu cầu xanh của khách hàng và năng lực môi trường của tổ chức.

Ví dụ, trong ngành công nghiệp ô tô, giai đoạn hai năm 2011-2012, nhà sản xuất Saab đã tận dụng kiến thức từ đơn vị cung cấp và huy động nguồn lực để vượt qua thời kỳ khó khăn do đối thủ của họ tạo ra. IKEA đưa ra chính sách môi trường dựa trên nhà cung cấp nhằm tuân thủ các yêu cầu tối thiểu về thích ứng môi trường của các sản phẩm và nguyên vật liệu của IKEA, cũng như bảo vệ rừng.

Nhà sản xuất nào có thể áp dụng kiến thức và các quy trình mới này đầu tiên trong ngành sẽ có khả năng đạt được những giá trị mà ít đối thủ cạnh tranh sở hữu được.

Thực hành chứng nhận xanh với các đối tác bên ngoài không chỉ tạo áp lực, mà còn thúc đẩy nguồn vốn xã hội giữa các bên liên quan như khách hàng, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh và đơn vị phát triển đổi mới. Nhiều công ty sản xuất có thể xem những cơ hội này là động lực để chỉnh sửa, đổi mới quy trình của họ tương thích theo yêu cầu xanh của khách hàng, vì các hành động này có thể đảm bảo thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Tìm kiếm và học hỏi các quy trình sinh thái mới, đồng thời nhanh chóng áp dụng các quy trình sạch hơn có thể là một giải pháp sinh thái khả thi. Đổi lại, các công ty sản xuất cũng có thể hưởng lợi từ những cải tiến quy trình này, chẳng hạn như cải thiện chất lượng và giảm chi phí và cuối cùng là sự chấp nhận của khách hàng.

Chia sẻ kỳ vọng xanh và hợp tác môi trường sẽ giúp các nhà sản xuất cải thiện hoạt động kinh doanh như kỳ vọng của thị trường và nhu cầu khách hàng. Các hoạt động xanh này có thể giúp vận hành hiệu quả hơn (ví dụ như ít lỗi và ít hoàn trả hơn), sản phẩm chất lượng tốt hơn với chi phí thấp và linh hoạt hơn.

Những điều này, đổi lại, sẽ giúp kinh doanh tốt hơn và thị phần của nhà sản xuất cao hơn.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục