Mùa Giáng sinh buồn của nhà xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang hoàn tất các đơn hàng cuối cùng của năm 2022 với tâm trạng trĩu nặng lo âu.
Đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đang chậm lại. Đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đang chậm lại.

Đơn hàng suy giảm mạnh

Những tháng cuối năm được xem mùa cao điểm của hoạt động xuất, nhập khẩu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng gia tăng đột biến vào mùa Giáng sinh, Tết. Vậy nhưng, năm nay, quy luật ấy lại không diễn ra.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) tiết lộ, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may sang thị trường Mỹ và châu Âu (EU) đang gặp tình trạng đơn hàng sụt giảm do lượng hàng tồn của khách hàng vẫn ở mức cao, trong khi lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút.

Riêng với TCM, mặc dù lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 ước tính đạt trên 12 triệu USD, tương đương vượt hơn 15% kế hoạch được đại hội đồng cổ đông thông qua, nhưng kết quả này chủ yếu là nhờ kinh doanh khởi sắc trong 6 tháng đầu năm.

Theo ông Tùng, từ cuối quý III, đầu quý IV/2022, TCM đã đối mặt với tình trạng đơn đặt hàng suy giảm, đặc biệt là đơn đặt hàng từ Mỹ.

Không riêng sản phẩm dệt may, các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt khác của Việt Nam như thủy sản, gỗ, giày da… cũng đối mặt với tình trạng giảm đơn hàng. Tháng 11 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức âm (giảm trên 14%) so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 780 triệu USD.

Ảnh tác giả

Nhiều doanh nghiệp thủy sản ghi nhận tăng trưởng âm trong 2 tháng cuối năm nay và tình trạng này có thể kéo dài sang quý I năm sau.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, nền kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khó khăn, ngành thủy sản là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất.

Theo ông Hòe, nhiều doanh nghiệp thủy sản ghi nhận tăng trưởng âm trong 2 tháng cuối năm nay và tình trạng này có thể kéo dài sang quý I năm sau. Tuy nhiên, tình hình có thể khả quan hơn từ cuối quý I/2023, khi những bất ổn trên các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu giảm dần.

Đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) chia sẻ, thời điểm này, doanh nghiệp đang xoay xở để duy trì hoạt động, giữ đơn hàng, giữ thị trường. Trong bối cảnh lạm phát, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, AGF đã chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng ở phân khúc trung bình.

Ngoài những khó khăn, thách thức đến từ biến động tỷ giá, nguồn vốn tín dụng bị thắt chặt và sức cầu yếu trên các thị trường xuất khẩu do áp lực lạm phát, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Ecuador hay Ấn Độ có chi phí sản xuất thấp, giá bán rẻ.

Một doanh nghiệp trong ngành dệt may đang niêm yết trên HOSE cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp trong quý IV/2022 đã ghi nhận sụt giảm so với 3 quý đầu năm, đặc biệt là so với giai đoạn 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân là do thị trường chính xuất khẩu của Công ty là Mỹ giảm nhu cầu tiêu thụ. Công ty ước tính sơ bộ, số lượng đơn đặt hàng trong quý IV thấp hơn khoảng 10% so với III nhưng so với quý II thì thấp hơn khoảng 30%, tương đương với mức giảm doanh thu khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Khó khăn vắt sang nửa đầu năm sau

Diễn biến vĩ mô đáng chú ý trong thời gian gần đây là Chính phủ Trung Quốc phát đi tín hiệu nới dần các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 và mở cửa kinh tế trở lại từ đầu quý II/2023.

Nhiều người kỳ vọng việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa sẽ tác động tích cực đến đà phục hồi của kinh tế thế giới, đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc hồi phục sẽ là cơ hội cho nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, thị trường Trung Quốc nếu có phục hồi cũng khó bù đắp được sự suy giảm đơn hàng của thị trường Mỹ và châu Âu trong năm 2023. Theo đó, dự báo giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 đạt mức tăng trưởng từ 9 - 10%, giảm tốc so với đà tăng trưởng 14% trong năm 2022.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT phân tích, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, thậm chí cả Trung Quốc có xu hướng giảm từ cuối quý III/2022 và tiếp tục giảm vào năm 2023. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất liên quan đến xuất khẩu như dệt may, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, hoá chất cơ bản.

VNDIRECT dự phóng, giá nguyên vật liệu đầu vào như sợi, vải, gỗ ép sẽ giảm 3 - 7% so với cùng kỳ trong năm 2023 do nhu cầu yếu. Với những thách thức phía trước, các công ty trong ngành dệt may và gỗ sẽ phải giảm giá bán (từ 7 - 10%) để thu hút thêm khách hàng nên biên lợi nhuận của các công ty trong ngành có thể sẽ giảm từ 0,8 - 1,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.

Đồng thời, Công ty dự báo, giá trị nhập khẩu của Việt Nam tăng 9 - 10% so với cùng kỳ trong năm 2023, dựa trên các giả định sau: giá hàng hóa toàn cầu tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2023; tỷ giá USD/VND tăng mạnh thời gian qua làm giảm nhu cầu đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu; nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất tăng chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc.

VNDIRECT cũng kỳ vọng thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ tăng lên 12 tỷ USD trong năm 2023 từ mức thặng dư thương mại dự kiến là 10,4 tỷ USD trong năm 2022.

Ông Tùng dự cảm, sang năm 2023, TCM sẽ khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh do đơn hàng giảm sút tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu khi các nền kinh tế lớn này chậm lại.

“Chúng tôi dự báo từ cuối quý II/2023, tình hình lạm phát tại Mỹ có thể bớt căng thẳng. Các đơn hàng xuất khẩu vào thị trường này chỉ được thúc đẩy khi lạm phát và lãi suất tại Mỹ cân bằng hơn”, ông Tùng chia sẻ.

Ở góc độ khác, theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC), áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước và tỷ giá hối đoái có thể kéo dài cho đến quý II/2023, sau đó sẽ giảm bớt đáng kể khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuyển dịch chính sách tiền tệ sang hướng trung lập hơn. GMC đang cố gắng mở rộng thêm các thị trường lân cận, để bù đắp cho việc thiếu hụt các đơn hàng tại thị trường Mỹ trong thời gian gần đây.

Nhìn về biến động vĩ mô, đại diện GMC cũng dự báo, với tình hình hiện nay, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023, thứ nhất do Fed giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm 2023 và chỉ số đồng USD có xu hướng giảm; thứ hai, lạm phát trong nước tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023.

Nhiều doanh nghiệp đang cùng chung góc nhìn, thị trường xuất khẩu khó khăn trong giai đoạn nửa đầu năm 2023 nhưng sẽ có phần ổn định trở lại từ giữa năm 2023.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục