Doanh nghiệp xuất khẩu “ngấm đòn” lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát và suy thoái kinh tế tại các thị trường lớn đã ảnh hưởng tới cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp xuất khẩu.
Da giày là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới. Da giày là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới.

“Lo mất Tết”

Mới đây, Công ty TNHH Tỷ Hùng thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 người kể từ ngày 1/12/2022. Tỷ Hùng là doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc), hoạt động trong lĩnh vực da giày, có trụ sở ở quận Bình Tân, TP.HCM. Dù có tiềm lực tài chính tốt, nhưng việc thiếu đơn hàng buộc Công ty phải cắt giảm số lượng lớn công nhân.

Mỹ, EU và nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang đối mặt với lạm phát phi mã và khủng hoảng kinh tế, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, cắt giảm những nhu cầu không thiết yếu. Da giày nằm trong nhóm mặt hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng đó.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Da giày TP.HCM cho biết, da giày xuất khẩu chủ yếu vào thị trường EU, tiếp đến là Mỹ. Các đơn hàng vào EU thời gian qua sụt giảm mạnh do khu vực này đang chịu tác động xấu từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và lạm phát tăng cao.

Bình thường, các đơn hàng xuất khẩu da giày được ký trước 6 tháng, nhưng gần đây, các đối tác thường ký hợp đồng ngắn hạn để tránh rủi ro biến động khó lường từ thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp đối mặt với áp lực thời gian giao hàng.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Da giày Liên Phát (Dĩ An, Bình Dương) cho biết, quý IV mọi năm là mùa cao điểm mua sắm, tiêu dùng nhưng năm nay lại khác, đơn hàng của Công ty đang sụt giảm mạnh.

“Doanh nghiệp thiệt hại quá nhiều, chúng tôi đang lo mất Tết”, bà Liên cảm thán.

Theo bà Liên, “tình trạng sống dở chết dở của doanh nghiệp xuất khẩu da giày có thể kéo dài sang tháng 3/2023”.

Đối phó với tình hình khó khăn hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu da giày đã cho công nhân nghỉ Tết sớm, có doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hoặc cho công nhân nghỉ ngày thứ Bảy… Tùy mức độ ảnh hưởng khác nhau mà quy mô cắt giảm nhân sự hoặc cắt giảm công suất của mỗi công ty khác nhau.

Tình hình tại các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng không khá hơn. Ông Bùi Như Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Long Việt cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm 30 - 40% so với thời kỳ trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và giảm chủ yếu ở thị trường Mỹ, EU. Tuy vậy, Công ty vẫn đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để giữ chân người lao động.

Ông Việt dự báo, sức cầu của các thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam chưa thể cải thiện trong các tháng cuối năm và tình hình khó khăn sẽ kéo dài đến hết quý I/2023.

Theo Vinatex, đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35 - 50% năng lực sản xuất.

Nửa đầu năm nay là giai đoạn thuận lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, doanh nghiệp may mặc xuất khẩu nói riêng. Nhưng từ quý III, khi người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU, Mỹ “ngấm đòn” lạm phát thì tình hình bắt đầu thay đổi. Theo Vinatex, đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35 - 50% năng lực sản xuất.

Không chỉ sụt giảm đơn hàng trong 3 tháng cuối năm, doanh nghiệp xuất khẩu dệt may còn chịu áp lực giảm giá bán hàng, trong khi chi phí đầu vào cao nên biên lợi nhuận càng mỏng.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10 cho biết, tình trạng đơn hàng sụt giảm sẽ kéo dài trong quý IV/2022 và cả nửa đầu năm 2023.

Kỳ vọng hồi phục vào quý II/2023

Nhận định tất cả các ngành đều không thoát khỏi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, song bà Thúy Liên kỳ vọng, có thể sang quý II năm sau, tình hình sẽ ổn hơn. “Muốn tồn tại, phải hy vọng”, bà nói.

Đồng quan điểm này, ông Bùi Như Việt cho rằng, đáy khủng hoảng của ngành gỗ, da giày, may mặc có thể sẽ diễn ra vào quý I/2023 và bắt đầu hồi phục từ quý II/2023 và nhộn nhịp từ quý cuối năm sau khi vào mùa Noel và Tết.

Dự đoán này được ông Việt đưa ra trên cơ sở theo dõi tình hình lạm phát tại Mỹ thời gian qua. Hiện các nhà nhập khẩu lớn đã bắt đầu xuống đơn trở lại để xuất hàng vào tháng 6/2023, có nghĩa đến tháng 4/2023, doanh nghiệp bắt đầu sản xuất đáp ứng đơn hàng.

“Chúng ta có thể mất hai năm mới quay trở lại thời kỳ trước dịch, tức vào khoảng quý IV/2024, hoạt động xuất khẩu mới ổn định và tốt. Khi nào lượng hàng tồn kho của Mỹ và châu Âu giảm hẳn đi, các đối tác đặt hàng trở lại, doanh nghiệp xuất khẩu mới có thể tăng trưởng đơn hàng mạnh”, ông Việt nhận định.

Cũng với kỳ vọng đó, nhiều doanh nghiệp dù đang thiếu đơn hàng cũng nỗ lực “thắt lưng buộc bụng”, cầm cự qua giai đoạn khó khăn để giữ chân người lao động, đặc biệt là những lao động đã gắn bó lâu năm với doanh nghiệp. Công nhân da giày, chế biến đồ gỗ hay dệt may đều cần chuyên môn cũng như kinh nghiệm, nên nếu cho họ nghỉ việc hàng loạt, khi thị trường phục hồi, doanh nghiệp khó tuyển dụng lại ngay lập tức. Do vậy, dù đơn hàng có thể giảm 30 - 40% nhưng lực lượng lao động không giảm tương ứng.

Làm như vậy, doanh nghiệp sẵn sàng có nhân sự để khi thị trường trở lại để đáp ứng nhu cầu. Các công ty chấp nhận chịu thiệt để giữ chân người lao động.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục