Biến “chiếc bánh” thành doanh thu - Kỳ 1: Những yếu tố nào có thể tác động đến quy mô thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu trong một ngành tưởng chừng như rất màu mỡ nhưng mức độ cạnh tranh cao, doanh nghiệp có thể chỉ nhận được một mẩu bánh chứ phải là cả miếng bánh.  
Biến “chiếc bánh” thành doanh thu - Kỳ 1: Những yếu tố nào có thể tác động đến quy mô thị trường

Bạn đã bao giờ nghe nói đến câu chuyện về chiếc bánh và miếng bánh chưa?

Chiếc bánh đại diện cho quy mô của một ngành. Chiếc bánh càng lớn thì càng có nhiều doanh nghiệp xâu xé, mức độ cạnh tranh càng cao. Ngược lại, chiếc bánh càng nhỏ thì càng ít doanh nghiệp để tâm đến. Có những chiếc bánh nhỏ đến mức mà chẳng ai thèm để ý đến, người ta gọi đó là thị trường ngách, nơi mà sự cạnh tranh là ít nhất.

Chiếc bánh chỉ quy mô và doanh nghiệp có thể "căn", trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phần còn lại là doanh nghiệp “ăn” được bao nhiêu và ăn phần nào của chiếc bánh. Một chiếc bánh nhỏ không phải là vấn đề nếu doanh nghiệp “ăn” được một miếng bánh đủ lớn. Ngược lại nếu trong một ngành tưởng chừng như rất màu mỡ, nhưng mức độ cạnh tranh cao, doanh nghiệp có thể chỉ nhận được một mẫu bánh chứ đừng nói là cả chiếc bánh.

Hình ảnh chiếc bánh và miếng bánh chỉ là một ví dụ nhỏ để nhà đầu tư có thể tiếp việc phân tích về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà đại diện cho nó là chỉ số về doanh thu. Nói cách khác, doanh thu của một một doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào quy mô của một ngành và thị phần của doanh nghiệp đó trong ngành. Nếu một trong hai biến số này thay đổi, doanh thu của doanh nghiệp sẽ thay đổi tương ứng.

Đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những yếu tố nào có thể tác động đến chiếc bánh của một ngành.

1. Giá bán

Chúng ta có công thức đơn giản: Doanh thu = Giá bán * Sản lượng. Do vậy, giá bán và sản lượng là hai biến số quan trọng nhất và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của doanh nghiệp, cũng như của ngành. Sự thay đổi của giá bán có thể khiến quy mô của một ngành “phình to” hoặc "thu nhỏ" đáng kể, dù việc sản lượng có tăng hay không. Một số nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong giá bán của một ngành đó là nguồn cung sụt giảm, nguồn cầu gia tăng hay chi phí đầu vào của ngành gia tăng.

Thông thường, giá bán sẽ biến động mạnh với những ngành có tính chu kỳ cao như thép, phân bón, hóa chất... do cung cầu biến động mạnh. Ngược lại, giá bán ít biến động đối với những ngành có tính chu kỳ thấp như điện, nước... do cung cầu ổn định hơn. Ví dụ, đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành phân bón sẽ có doanh thu biến động mạnh theo giá bán, phụ thuộc vào giá Ure, DAP... Trái lại, những doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may theo phương thức gia công thì giá bán không thay đổi nhiều, do doanh nghiệp đơn giản chỉ là lấy tiền công.

Điển hình, trong năm 2021, chúng ta đã chứng kiến giá Ure thế giới biến động mạnh. Áp lực từ chính sách cắt giảm sản lượng than từ Trung Quốc, làm cho nguồn cung phân bón thiếu hụt trong khi nhu cầu tăng cao. Kết quả là sự chênh lệch cung cầu lớn và đẩy giá Ure thế giới lên mức cao kỷ lục, đạt 930 USD/tấn. Điều đó kéo theo giá phân Ure nội địa tăng, góp phần giúp các doanh nghiệp trong ngành phân bón đạt kết quả kinh doanh cực kỳ ấn tượng. Cụ thể, doanh thu của DPM đạt 12.881 tỷ đồng (+64% so với 2020), DCM đạt 10.088 tỷ đồng (+31% so với 2020)...

Hình 1: Tương quan giữa doanh thu thuần DPM, DCM và giá Ure thế giới. Nguồn: Wichart.vn

Hình 1: Tương quan giữa doanh thu thuần DPM, DCM và giá Ure thế giới.

Nguồn: Wichart.vn

2. Nhu cầu của ngành

Nhu cầu của ngành hay thị trường tiêu thụ là yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của một ngành. Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ của một ngành, như hàng hóa thay thế, hàng hóa bổ sung, thu nhập người tiêu dùng… Nếu thị trường tiêu thụ không thuận lợi hoặc thị trường gặp biến cố nào đó, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Hệ quả là chiếc bánh của ngành bị co lại, sự cạnh tranh trong ngành trở nên gia tăng hơn. Ở chiều ngược lại, nhu cầu của ngành gia tăng, thì chiếc bánh của ngành cũng được gia tăng tương ứng.

Đại dịch Covid-19 bùng phát là cú sốc lớn khiến cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ bị phong tỏa. Dẫn đến hàng hoạt ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề, phải kể đến ngành đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là ngành hàng không.

Trong năm 2021, tổng số hành khách đến sân bay nội địa chỉ đạt 30 triệu lượt (tương đương 40% mức trước Covid). Điều này đã tạo ra tình trạng cung vượt cầu trong thị trường tiêu thụ nội địa, thậm chí Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN) đã phải giảm đội bay, bằng cách bán 3-4 chiếc máy bay trong năm. Kết hợp với tình trạng dư cung và hiệu suất hoạt động thấp đã khiến cho doanh thu các doanh nghiệp hàng không sụt giảm nghiêm trọng, giảm hơn 70% so với thời điểm trước dịch.

Hình 2: Doanh thu thuần của hãng hàng không giai đoạn trước và sau khi xảy ra đại dịch Covid-19. Nguồn: Wichart.vn
Hình 2: Doanh thu thuần của hãng hàng không giai đoạn trước và sau khi xảy ra đại dịch Covid-19. Nguồn: Wichart.vn

3. Chính sách của ngành

Chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích mở rộng hay hạn chế và thu hẹp có ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của ngành đó. Một số công cụ để Nhà nước điều tiết hoạt động của các ngành như: đưa ra các quy định pháp luật về hoạt động của ngành nghề, chính sách ưu đãi về thuế, chính sách bảo hộ nhập khẩu...

Những ngành nghề thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các chính sách của nhà nước là những ngành như tài chính, ngân hàng, bất động sản…, hoặc những ngành liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Hình 3: Cơ cấu doanh thu thuần của top doanh nghiệp mía đường trước và sau khi Chính phủ áp thuế lên mía đường Thái Lan. Nguồn: Wichart.vn

Hình 3: Cơ cấu doanh thu thuần của top doanh nghiệp mía đường trước và sau khi Chính phủ áp thuế lên mía đường Thái Lan. Nguồn: Wichart.vn

Nổi bật, trong năm 2020, Bộ Công thương đã áp thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó chủ yếu từ Thái Lan đối với ngành mía đường với mức thuế 5%. Con số 5% là con số rất thấp. Vì vậy, đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó chủ yếu là Thái Lan đã tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, năm 2020, nhập khẩu đường Thái Lan đạt gần 1,5 triệu tấn (+330% so với năm 2019). Lượng mía nhập khẩu lớn từ Thái Lan với giá rẻ đã làm ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mía đường trong nước, nhiều nhà máy đã bị thua lỗ.

Trước tình hình này, tháng 6/2021, Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng mức thuế phòng vệ thương mại lên mức 47,64% vào mía đường Thái Lan. Điều này đã giúp giá bán và sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp mía đường trong nước tăng lên đáng kể. Từ đó, góp phần tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Hồ Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục